|
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đánh tín hiệu tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ (Ảnh: SCMP) |
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Viện Hudson, có trụ sở ở Washington, ngày 12/8 (giờ Mỹ), bà Thái Anh Văn nói rằng ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ hai của bà là củng cổ khả năng phòng thủ của Đài Loan, trong đó bao gồm việc xây dựng “mối quan hệ an ninh mang tính xây dựng” với Mỹ.
“23 triệu dân của chúng tôi có quyền được quyết định tương lai của mình, ngược lại hoàn toàn với quan điểm của Bắc Kinh” – bà Thái Anh Văn nói – “Để giữ vững những nguyên tắc này đòi hỏi chúng tôi phải đủ khả năng bảo vệ Đài Loan trước những hành động đe dọa”.
Cũng trong hôm thứ Tư vừa qua, chính quyền của bà Thái đã đề xuất tăng 10% ngân sách quốc phòng của Đài Loan cho năm tới lên 453,4 tỷ NT$ (tương đương 15,4 tỷ USD). Đề xuất này sẽ giúp tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,4% GDP của Đài Loan.
Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn vẫn để ngỏ cánh cửa cải thiện quan hệ xuyên eo biển với Trung Quốc khi nói về mối quan hệ văn hóa và lịch sử mật thiết với Trung Quốc đại lục.
“Chúng tôi sẽ không ngừng tin tưởng rằng, vẫn có thể có một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước, khi mà cả hai bên có thể chia sẻ sự thành công và những thành tựu của nhau” – bà Thái nói.
Nhưng bà cũng nói rằng “cả hai bên không nên bác bỏ sự tồn tại của nhau” và rằng Bắc Kinh cần phải chấp nhận thực tế rằng Đài Loan là một nền dân chủ phát triển.
Bài phát biểu trên được đưa ra ngay sau chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar trong tuần này, đánh dấu chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới hòn đảo này trong nhiều thập kỷ.
|
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar tới thăm Đài Loan trong tuần này, khiến Bắc Kinh cực lực phản đối (Ảnh: AP)
|
Chuyến thăm này được xem là dịp để Mỹ và Đài Loan tái khẳng định nỗ lực tăng cường quan hệ song phương một cách công khai. Bà Thái Anh Văn đã thể hiện lòng biết hơn trước việc Washington sẵn lòng “thúc đẩy sự đồng thuận lớn hơn về những phương thức mà chúng ta có thể đảm bảo hòa bình dọc eo biển Đài Loan”.
Về phần mình, Bắc Kinh cực lực phản đối chuyên thăm của ông Azar và triển khai nhiều phi cơ chiến đấu băng qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan – nơi được xem là điểm chia tách không phận giữa hai bên.
Bắc Kinh không quản lý Đài Loan nhưng tuyên bố hòn đảo này là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ mà cuối cùng phải nằm dưới quyền quản lý của Bắc Kinh, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trong những năm gần đây, Đài Loan ngày càng tăng cường quan hệ với Mỹ, trong lúc quan hệ giữa xuyên eo biển trở nên căng thẳng. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cũng đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do hàng loạt vấn đề như thương mại, công nghệ, Biển Đông cùng những hành động mà Trung Quốc đưa ra với Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn còn cảnh báo về những thách thức tăng dần đối với sự tự do ở cả Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), nơi mà Bắc Kinh mới áp dụng luật an ninh quốc gia mới. Bà nói rằng Đài Loan sẽ làm việc với Mỹ để chung tay với các nước dân chủ khác, như các nước châu Âu, nhằm tăng nhận thức về “những thách thức gây ra do những bên độc đoán”.
Bà Thái Anh Văn đặc biệt đề nghị tăng quyền tham gia vào các tổ chức quốc tế của Đài Loan. Sự thành công của Đài Loan trong việc ngăn chặn virus corona chủng mới, cùng việc họ không thể gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do những quan ngiạ mà Bắc Kinh đưa ra, đã trở thành một điểm gây tranh cãi trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cũng trong sự kiện tại Viện Hudson, ông Hsiao Bi-khim, đại diện mới của Đài Loan tại Mỹ, cũng cho hay Đài Loan sẽ làm việc với phía Mỹ để mua thêm khí tài quân sự, trong đó có thủy lôi và tên lửa hành trình để phòng thủ bờ biển.
Ngoài ra, bà Thái Anh Văn cũng chỉ ra rằng Đài Loan mong muốn được làm việc chặt chẽ với Mỹ để hướng tới ký kết một thỏa thuận thương mại tự do.