Vấn đề Đài Loan tham gia WHA bị gác lại
Theo các trang tin quốc tế, Đài Loan xác nhận họ chưa nhận được thư mời tham gia kỳ họp WHA (World Health Assembly) lần này. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom tuyên bố đề xuất về sự tham gia của Đài Loan đã được gửi đến Ủy ban Tổng hợp WHA để xem xét và sẽ được xử lý khi hội nghị tiếp tục lại vào cuối năm nay.
Trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 18/5 cho biết, chương trình nghị sự của WHA đã được đệ trình vào ngày 15/5, trong đó nội dung đề cập đến vấn đề tham gia của Đài Loan đã được “gửi đến Ủy ban Tổng hợp (General Committee) để xem xét”. Ông Tedros Adhanom cũng nói, do tình hình dịch bệnh COVID-19, 15 nước thành viên Ủy ban Tổng hợp sẽ không thể triệu tập họp vào 18/5, nhưng các quốc gia vẫn có thể yêu cầu bỏ phiếu về sự tham gia của Đài Loan vào ngày hôm đó.
Tổng giám đốc WTO Tedros Adhanom phát biểu khai mạc kỳ họp (Ảnh: Reuters).
|
Ngoài ra, truyền thông Canada đưa tin hôm 17/5, 8 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và Canada đã cùng gửi thư cho ông Tedros Adhanom ủng hộ Đài Loan tham gia WHA, cảnh báo WHO về hậu quả của việc gạt Đài Loan ra ngoài với giọng điệu cứng rắn, cho rằng “việc loại Đài Loan khỏi hệ thống y tế toàn cầu không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, mà còn gây trở ngại lớn cho những nỗ lực tiếp theo”.
Theo trang tin Đa Chiều, Ngày 18/5, phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kịch liệt phê phán WHO bài xích Đài Loan, gọi đó là “hậu quả của việc Trung Quốc gây sức ép lên WHO”. Ông Mike Pompeo nói, “Ông Tedros Adhanom có quyền chấp nhận Đài Loan tham gia WHA, nhưng dưới áp lực của Trung Quốc, ông lại lực chọn không mời Đài Loan (tham gia kỳ họp)”. Mike Pompeo phê phán ông Tedros Adhanom “thiếu tính độc lập, khiến WHO không có được các kiến thức chuyên môn của các nhà khoa học Đài Loan đã được đánh giá cao trong cuộc chiến chống dịch bệnh; gây tổn hại đến uy tín và tính hiệu quả của WHO vào lúc cả thế giới cần đến tổ chức này nhất”.
116 quốc gia trong đó có Nga và AU yêu cầu điều tra Trung Quốc
Trên cơ sở đề nghị của Australia thúc đẩy điều tra việc xử lý khủng hoảng dịch bệnh giai đoạn đầu của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã soạn thảo nghị quyết kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về virus corona mới (viêm phổi Vũ Hán). Dự thảo nghị quyết sẽ được đệ trình lên WHA vào ngày 19/5.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu chỉ trích mạnh mẽ Tổng giám đốc Tedros Adhanom và WHO khuất phục trước áp lực của Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
|
Một bản sao Dự thảo nghị quyết mà Reuters có được hôm 18/5 cho thấy có 116 trong số 194 thành viên đã ủng hộ nghị quyết này, bao gồm 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU, 54 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi (AU), Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh, Canada, New Zealand và Indonesia. Trong số đó, những “người bạn” của Trung Quốc là Nga và AU đều tham gia ủng hộ nghị quyết này, điều này gây nên sự chú ý.
Australia, quốc gia khởi xướng cuộc điều tra, hồi giữa tháng 4 lần đầu tiên tiết lộ họ sẽ thúc đẩy cuộc điều tra. Động thái này đã kích hoạt sự đe dọa từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại trả đũa đối với Australia. Trung Quốc tuyên bố áp mức thuế lớn đối với lúa mạch Australia với lý do “chống bán phá giá” và cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn công ty Australia.
Bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Australia nói, việc điều tra vụ dịch là để tránh lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai. "Cuộc điều tra độc lập về dịch bệnh này đã nhận được sự ủng hộ tích cực, giúp thế giới rút ra những bài học cần thiết để bảo vệ nền y tế toàn cầu”, bà nói.
Trung Quốc luôn cự tuyệt một cuộc điều tra quốc tế độc lập về dịch bệnh COVID-19. Nhưng vài ngày trước, các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc đột nhiên buông lơi, nói WHO đang thảo luận về việc gửi một phái đoàn đến Trung Quốc để điều tra. Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh cũng bất ngờ tuyên bố hoan nghênh WHO vào Vũ Hán tiến hành điều tra quốc tế.
Ngoài ra, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đã thừa nhận trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, một số phòng thí nghiệm Trung Quốc đã tiêu hủy các mẫu virus corona mới. Từ khi dịch bệnh bùng phát, phương pháp tính toán nhiễm virus của Trung Quốc và số liệu chính thức đã mấy lần thay đổi. Bây giờ, việc họ gián tiếp thừa nhận việc ra lệnh phá hủy các mẫu virus càng khiến cho thế giới bên ngoài nghi ngờ.
CNN phân tích rằng khi WHA đến gần, ngày càng có nhiều quốc gia kí tên ủng hộ Dự thảo nghị quyết của EU, điều này có thể đã vượt khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc.
Trang tin Đông Phương đưa tin, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã đồng ý tiến hành một cuộc điều tra độc lập về dịch bệnh sớm nhất có thể, cam kết WHO sẽ điều tra một cách minh bạch và có trách nhiệm.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 18/5 nói tại cuộc họp báo “tuyệt đại đa số các nước trên thế giới cho rằng đại dịch bệnh hãy chưa kết thúc; lúc này vẫn còn quá sớm để tiến hành điều tra nguồn gốc và sự lây lan của virus”.
Trung Quốc cam kết ủng hộ 2 tỷ USD
Ngày 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị truyền hình WHA bày tỏ “ủng hộ WTO dẫn dắt các nước tiến hành điều tra toàn cầu ứng phó đại dịch sau khi virus được khống chế”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu chào mừng kỳ họp WHA khai mạc, đưa kiến nghị 6 điểm và cam kết viện trợ 2 tỷ USD giúp các nước khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Theo Đa Chiều, ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc luôn giữ thái độ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm; thông báo kịp thời cho WHO và các nước liên quan về tình hình dịch bệnh, công bố trình tự gen virus và các thông tin khác ngay từ đầu; cố gắng hết sức để cung cấp sự ủng hộ và giúp đỡ cho các quốc gia có nhu cầu”.
Ông Tập Cận Bình đã đưa ra kiến nghị 6 điểm, bao gồm: dốc sức ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh; phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo của WHO; tăng cường ủng hộ các nước châu Phi; khôi phục phát triển kinh tế và xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế...
Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 2 tỷ USD viện trợ quốc tế trong vòng hai năm để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế và xã hội. Ngoài ra, ông cũng nói, bất kỳ loại vaccine nào được phát triển ở Trung Quốc cũng sẽ được chia sẻ cùng các quốc gia khác sử dụng.
Năm nay, do sự lây lan của đại dịch bệnh COVID-19, Đại hội Y tế thế giới WHA đã được tổ chức lần đầu tiên dưới hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến. WHA là cơ quan quyền lực cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), họp mỗi năm một lần để quyết định định đường hướng chính sách của WHO; hội nghị năm nay là kì họp thứ 73.