Đụng độ bằng nắm đấm và gạch đá liên tục diễn ra
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, ngày 18/5, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cùng ngày dẫn các nguồn tin quân sự Trung Quốc có liên quan nói, lực lượng biên phòng Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát khu vực Thung lũng Gallowan và “kiên quyết đáp trả các hành vi vượt qua biên giới để xây dựng các cơ sở hạ tầng của phía Ấn Độ”.
Các nguồn tin quân sự có liên quan cho Thời báo Hoàn cầu biết, kể từ đầu tháng 5, phía Ấn Độ đã “vượt qua Thung lũng Gallowan của biên giới Trung-Ấn để vào lãnh thổ Trung Quốc, xây dựng các hàng rào, ngăn chặn sự tuần tra bình thường của lực lượng biên phòng Trung Quốc và cố tình gây sự, nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực biên giới”.
Nguồn tin quân đội Trung Quốc nói, Thung lũng Gallowan “là lãnh thổ của Trung Quốc và tình hình kiểm soát tại đây rất rõ ràng. Các hành động của phía Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận và hiệp định liên quan về vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và làm tổn hại mối quan hệ giữa hai nước và hai quân đội”.
Khu vực tranh chấp ở biên giới Trung - Ấn thường là những vùng núi cao, không có người sinh sống và chưa được phân định (Ảnh: Đa Chiều).
|
Nguồn tin cũng cho biết, trước tình hình đó, lính biên phòng Trung Quốc đã “áp dụng các biện pháp cần thiết để tăng cường ứng phó và kiểm soát khu vực biên giới, kiên quyết bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia, kiên quyết duy trì hòa bình ổn định ở khu vực biên giới”. Nguồn tin này cũng nói, các binh sĩ tuyến trước ở biên giới đã duy trì liên lạc về tình hình hiện tại thông qua các kênh tiếp xúc.
Trước đó Hindustan Times ngày 10/5 đã dẫn lời hai quan chức cấp cao Ấn Độ nói, hôm 9/5, hàng trăm binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu ở khu vực phía bắc Sikkim, Ấn Độ và cuộc xung đột sau đó đã được giải quyết ở cấp địa phương.
Bản tin nói cuộc đối đầu diễn ra tại một ngọn núi gần Naku La thuộc bang Sikkim ở độ cao hơn 5.000 mét; binh lính hai bên đã “xung đột bằng chân tay” dẫn đến thương tích cho nhiều binh sĩ của cả hai bên.
Theo The Guardian của Anh ngày 11/5, người phát ngôn Bộ Tư lệnh miền Đông của quân đội Ấn Độ Mandeep Hooda nói, các hành động cực đoan của hai bên đã gây ra thương tích nhẹ cho binh lính hai quân đội. Hai bên đã ném đá và tranh cãi nhau, cuối cùng biến thành một cuộc ẩu đả tay đôi.
Được biết, các sự cố tương tự thỉnh thoảng xuất hiện tại vùng biên giới có tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng các sự cố liên quan đều được giải quyết một cách hòa bình trong mấy thập kỷ qua.
Trước đó, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ vào năm 2017 ở Hồ Pangong ở Ladak nằm gần biên giới thực tế giữa hai nước. Binh sĩ hai bên đã tranh cãi rồi ném đá vào nhau. Khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã sa vào tranh chấp về chủ quyền của cao nguyên Donglang gần Sikkim. Ấn Độ cho rằng khu vực này là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan; còn Trung Quốc thì cho rằng Donglang là “lãnh thổ cố hữu” của họ.
Xung đột này, xảy ra gần đường kiểm soát thực tế (LAC), đã làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước. Sau hơn hai tháng đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Donglang, cuối cùng hai bên đã đồng ý chấm dứt cuộc đối đầu vào ngày 28/8/2017.
Sau cuộc Chiến tranh biên giới 1962, mặc dù hai bên thỉnh thoảng xảy ra xung đột nhưng binh lính hai bên không sử dụng đến súng đạn mà chỉ dùng nắm đấm và gạch đá (Ảnh: DF).
|
Tranh chấp chủ quyền biên giới
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung gần 2.000 km và có tranh chấp lãnh thổ tổng diện tích hơn 120.000 km2, liên quan đến các phần phía tây, đoạn giữa và phía đông. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đồng ý về nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Do không có ranh giới phân định rõ ràng được cả hai bên công nhận, các lực lượng tuần tra biên giới của hai nước thường có tranh chấp, xung đột thể xác, xô đẩy và ném đá vào nhau.
Cuộc đối đầu căng thẳng lần này diễn ra gần khu vực Naku La của Sikkim trên dãy Hy Mã Lạp Sơn ở độ cao hơn 5.000 mét.
Năm 1962, giữa Trung Quốc và Ấn Độ có một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi. Mặc dù quân đội Trung Quốc tuyên bố đã giành được “chiến thắng tuyệt vời”, nhưng đã nhanh chóng rút khỏi toàn bộ khu vực tranh chấp. Hai bên đã không ký hiệp nghị biên giới, tạo cơ sở cho các cuộc xung đột sau đó.
Không giống như biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, nơi súng máy, pháo hạng nặng và thậm chí cả máy bay chiến đấu đã giao chiến trên không trong nhiều thập kỷ qua, quân đội hai bên Trung - Ấn đã nhiều lần đối đầu vũ trang ở biên giới tại trong khu vực kiểm soát thực tế. Họ mang súng đạn, nhưng chưa hề bắn nhau.
Các chuyên gia về vấn đề Trung Quốc - Ấn Độ chỉ ra rằng trong những năm gần đây, hai nước đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực rộng lớn ở khu vực biên giới, trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa hai nước, dẫn đến các sự kiện đối đầu ở biên giới giữa hai nước liên tục diễn ra.
Việc hai nước xây dựng các cơ sở giao thông này cũng có thể trở thành yếu tố kích thích tiềm ẩn trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân.
Một vụ đối đầu giữa binh lính hai nước trên biên giới (Ảnh: Jinglei).
|
Vào cuối tháng 4, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ của Nga nói rằng Ấn Độ có kế hoạch xây dựng 18 tuyến đường sắt và cầu ở bang Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Tạng Nam) và các nơi khác để đảm bảo vận chuyển quân lính và xe pháo nhanh hơn. Các phương tiện giao thông này sẽ đảm bảo rằng quân đội Ấn Độ có thể được triển khai tại khu vực Donglang trên biên giới với Trung Quốc trong suốt cả năm. Năm 2017, cuộc đối đầu giữa các lực lượng vũ trang hai bên tại khu vực này đã suýt biến thành một cuộc xung đột vũ trang.
Khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng, cả hai bên đều cảnh giác hơn với các hành động quân sự của đối phương ở biên giới.
Truyền thông Ấn Độ cho biết, sau khi đường sắt Ấn Độ bị đình chỉ do dịch bệnh, quân đội Ấn Độ đã bố trí các đoàn tàu quân sự đặc biệt để đưa các binh sĩ mắc kẹt trong các cơ sở huấn luyện trên khắp đất nước tới các khu vực biên giới phía bắc và phía đông để tăng cường phòng thủ.
Kể từ sau Chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đã là đối thủ cạnh tranh chiến lược ở Nam và Đông Á. Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ thương mại và quân sự chặt chẽ với Pakistan nước láng giềng và đối thủ của Ấn Độ và đang nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng ở Nepal và Bangladesh.
Là một trong những nhà nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng là khách hàng mua bông của Ấn Độ lớn nhất. Hồi tháng 2, khi đại dịch COVID-19 hoành hành ở Trung Quốc và Trung Quốc rất cần sản xuất khẩu trang, Trung Quốc đã phàn nàn Ấn Độ bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu bông sang Trung Quốc và tăng đáng kể thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc.
Kiềm chế chiến lược
Sau thập niên 1980, khi Trung Quốc cải thiện toàn diện quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng và phương Tây, quan hệ Trung-Ấn cũng dịu đi. Sự hợp tác và trao đổi giữa hai bên đã liên tục tăng. Nhưng bóng mây của cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 không biến mất trong mối quan hệ giữa hai nước.
Ba khu vực hiện đang tranh chấp chưa thể phân định ở biên giới Trung - Ấn hiện nay (Ảnh: liushiw).
|
Đặc biệt, với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc và sức mạnh quốc gia nói chung ở châu Á và thế giới, sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên căng thẳng hơn, va chạm giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng lên. Một số học giả về quan hệ quốc tế Trung Quốc cho rằng, Ấn Độ luôn nghi ngại về ý đồ và thực lực của Trung Quốc; xu hướng cân bằng Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á, khá rõ ràng; trong khi Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược then chốt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ.
Trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tập trận quân sự chung, bán sản phẩm công nghệ cao, bán vũ khí và an ninh nội địa, giữa Ấn Độ và Mỹ đã hình thành mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ.
Nhưng các học giả Trung Quốc cũng nhận thấy Ấn Độ đã không từ bỏ nền tảng ngoại giao dựa trên nguyên tắc không liên kết và va chạm biên giới với Trung Quốc còn có chức năng ngoại giao tăng cường quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ.
Trong lúc dịch bệnh, Trung Quốc và Ấn Độ còn là những cường quốc kinh tế mới nổi. Lợi ích chung của hai nước trong việc hồi sinh nền kinh tế của họ cần vượt qua quyết tâm tranh chấp vùng đất không người ở biên giới.
Do đó, trong cuộc xung đột ở biên giới lần này, chỉ có các cơ quan truyền thông Ấn Độ đưa tin; truyền thông Trung Quốc tương đối im ắng, các quan chức của hai nước cũng không cao giọng chỉ trích lẫn nhau. Việc tranh chấp biên giới giữa hai cường quốc hạt nhân có thể vẫn chỉ giới hạn ở mức độ xung đột bằng nắm đấm và vũ khí lạnh gạch đá và là sự tiếp nối ngoại giao phù hợp với chiến lược của cả hai bên.