“Đại gia” Johnathan Hạnh Nguyễn muốn gia tăng sở hữu ở Sasco

VietTimes – Nếu thương vụ mua 2,21% cổ phần Sasco của Công ty TNHH Thương mại Duy Anh thành công, nhóm công ty liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại Sasco lên hơn 47,5%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sasco)
Ảnh minh họa (Nguồn: Sasco)

Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (Duy Anh) vừa đăng ký mua 2,9 triệu cổ phiếu SAS, tương ứng 2,21% vốn điều lệ tại CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Theo đó, giao dịch sẽ được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận với mục đích đầu tư. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 25/8 – 23/9/2020.

Được biết, đây là công ty thứ 4 thuộc nhóm công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu vốn tại Sasco, qua đó nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên hơn 47,5%.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Duy Anh được thành lập từ năm 1995, trụ sở chính tại Tòa nhà Opera View, số 161 đường Đồng Khởi, Quận 1, TP. HCM. Công ty này có ngành nghề kinh doanh chính là cho thuê thiết bị thể thao, vui chơi giải trí. 

Tính đến ngày 17/1/2020, Duy Anh có vốn điều lệ 83 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nắm giữ 90% VĐL và 10% còn lại thuộc sở hữu của bà Lê Hồng Thủy Tiên – vợ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV IPPG. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Võ Thị Thu Hồng (SN 1974). 

Cuộc chơi của ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại Sasco

Tháng 9/2014, Sasco chào bán 31 triệu cổ phần, tương ứng 23,6% vốn điều lệ lần đầu ra công chúng (IPO). Bên cạnh đó, công ty này cũng chào bán thêm hơn 31 triệu cổ phần, tương đương 23,6% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.

Lúc này, nhóm công ty liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đăng ký mua toàn bộ số cổ phần kể trên.

Cụ thể, 3 công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là IPP, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) đã chi khoảng 310 tỷ đồng để sở hữu 23,6% cổ phần của Sasco.

DAFC là công ty thành viên của IPPG, chuyên phân phối, bán lẻ các thương hiệu thời trang cao cấp gồm Armani Exchange, Bally, Burberry, Bvlgari, Cartier, Dolce&Gabbana, Elie Saab, MCM, Oscar de la Renta, Tumi, Salvatore Ferragamo.

ACFC là nhà phân phối độc quyền các thương hiệu như Nike, Gap, Banana Republic, Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Levi’s, Old Navy, … tại thị trường Việt Nam. Công ty hiện có một chuỗi hơn 200 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Được biết, thương vụ này từng gây nhiều tranh cãi khi việc chi 310 tỷ đồng để sở hữu 23,6% cổ phần Sasco là con số quá nhỏ. Nếu cạnh tranh công bằng theo hình thức đấu giá, sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này.

Đến cuối năm 2017, IPP mua thêm hơn 1,66 triệu cổ phiếu SAS của Sasco, qua đó nâng sở hữu lên 33,29 triệu cổ phần, tương đương 24,94% vốn.

Bên cạnh đó, DAFC cũng mua gần 1,14 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu tại Sasco lên 20,33 triệu cổ phiếu, tương đương 15,24% vốn điều lệ.

Đến tháng 4/2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT, dù rằng, ACV vẫn là cổ đông lớn nhất tại Sasco.

Trong khi đó, vợ ông – bà Lê Hồng Thủy Tiên tham gia vào HĐQT Sasco từ cuối năm 2014. Tuy nhiên, bà Thủy Tiên đã được HĐQT Sasco miễn nhiệm kể từ ngày 30/6/2020. 

Khoản cho vay ngắn hạn của Sasco dành cho Bamboo Airways 

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Sasco đạt 583 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng doanh thu từ hoàng hóa tại cửa hàng miễn thuế của Sasco trong nửa đầu năm 2020 đạt 227 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng doanh thu, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh các năm gần đây của Sasco (Nguồn: BCTC Sasco)
Kết quả kinh doanh các năm gần đây của Sasco (Nguồn: BCTC Sasco)

Tính đến ngày 31/6/2020, tổng tài sản của Sasco đạt 2.028 tỷ đồng, giảm 13,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, Sasco dành 517 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.

Cụ thể, công ty này có 62 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, 30 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng (lãi suất 4,25%/năm) và 425 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng (lãi suất từ 6,6 – 7,4%/năm).

Sasco dành 288 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, trong đó 178 tỷ đồng là đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết. Đáng chú ý, Sasco còn cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vay ngắn hạn hơn 37,5 tỷ đồng.

Được biết, hiện Sasco đang đầu tư loạt danh mục bất động sản tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang, như: Khu đất số 9, 10, 11 thuộc Khu đất 2.000m2 và 1.000m2 tại đường Hùng Vương (6,2 tỷ đồng); Khu đất số 5 thuộc khu đất 1.475,8m2 tại đường Hùng Vương (3,4 tỷ đồng); Khu đất số 5 thuộc khu đất 2.200m2 tại đường Hùng Vương (8,2 tỷ đồng); Khu đất số 13 thuộc khu đất 4.758m2 tại đường Nguyễn Chí Thanh (8,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, Sasco còn đầu tư một số danh mục bất động sản khác như: Khu đất 10.315m2 tại Xuân Thới Sơn – Hóc Môn (5,2 tỷ đồng); Khu đất 9.973m2 tại ấp Rạch Chiếc, xã Hàm Ninh, Phú Quốc, Kiên Giang (5,4 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Sasco còn hơn 61 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, gồm: Dự án trang trại Suối Nhung (Bình Phước – 27,5 tỷ đồng); Dự án khách sạn Sasco Nha Trang (12 tỷ đồng); Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa (8,5 tỷ đồng).

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối Quý 2/2020, nợ phải trả của Sasco ở mức 589 tỷ đồng, trong đó có gần 349 tỷ đồng phải trả IPPG. Quy mô vốn chủ sở hữu giảm gần 150 tỷ đồng về mức 1.438 tỷ đồng.

Năm 2020, Sasco đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 1.202 tỷ đồng, giảm hơn 61% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế giảm 95% xuống mức 22,5 tỷ đồng.

Công ty sẽ tập trung triển khai các dự án cải tạo, sửa chữa và nâng cấp những điểm kinh doanh tại sân bay Tân Sơn Nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Làng ẩm thực mua sắm./.