Thời gian gần đây, khi Trung Nguyên ngừng cung cấp cà phê hòa tan G7, bên cạnh câu trả lời chính thức có phần khó hiểu là “bảo trì máy móc” của công ty, nhiều lời đồn đoán cho rằng sự ngưng trệ này, một phần cốt yếu là do những mâu thuẫn bên trong nội bộ tập đoàn.
Lời đồn có minh chứng rõ ràng hơn khi vợ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệu Thảo bất ngờ lên tiếng về vụ việc này.
Bà Thảo đang là Tổng giám đốc kiêm chủ tịch của CTCP cà phê hòa tan Trung Nguyên, đơn vị sản xuất ra sản phẩm G7.
Theo đó, bà Thảo cho rằng, việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Thành viên HĐQT Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên bất ngờ bãi nhiễm bà là hành động do “các lần họp HĐQT, chỉ một mình cá nhân ông Vũ dự họp và tự cá nhân ông ra quyết định”.
Theo bà Thảo, về mặt pháp lý, việc ban hành các biên bản bãi nhiệm, bổ nhiệm của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên là trái pháp luật, không có hiệu lực.
Hiện tại, bà Thảo và ông Vũ vẫn đang trong quá trình làm thủ tục ly hôn.
Ông Hồ Văn Ngọc - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích: HĐQT Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên gồm có 3 thành viên: 1/ ông Đăng Lê Nguyên Vũ; 2/ Bà Lê Hoàng Diệp Thảo; 3/ Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.
Cơ cấu cổ đông của CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên |
“Căn cứ theo quy định tại Điều 152, 153, 154, 156.. luật doanh nghiệp 2014 thì việc miễn nhiệm các chức danh của bà Thảo như vậy là ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm sai với quy định.
Việc miễn nhiệm với các chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Công ty phải đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
Ông Vũ không thể tự mình tổ chức họp HĐQT để miễn nhiệm đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo”, ông Ngọc cho biết.
Đó là trên lý thuyết và theo lời của bà Thảo. Trên thực tế, kể cả khi ông Vũ ngồi họp một mình, chưa chắc ông đã làm sai.
Vấn đề mấu chốt ở đây lại nằm ở thành viên quan trọng nhất trong HĐQT của cà phê hòa tan Trung Nguyên. Đó là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.
Tập đoàn Trung Nguyên hiện nắm giữ 85% cổ phần của công ty cà phê hòa tan, vì vậy tiếng nói của tập đoàn Trung Nguyên sẽ có ý nghĩa quyết định.
Bà Thảo, trên thực tế, chỉ nắm giữ 5% của CTCP cà phê hòa tan Trung Nguyên, sẽ không có nhiều tiếng nói.
Giả sử trong trường hợp, ông Vũ chính là người được tập đoàn Trung Nguyên (nơi ông Vũ làm chủ tịch HĐQT) ủy quyền tham dự cuộc họp HĐQT, thì việc ông Vũ tự làm, tự ra quyết định, lại hoàn toàn đúng pháp luật.
Cuộc chiến vương quyền
Tất nhiên, trong khi đại diện Tập đoàn Trung Nguyên là ai vẫn còn là một ẩn số thì những vấn đề nêu ra chỉ là giả thiết.
Mặc dù vậy, những tranh cãi giữa bà Thảo và ông Vũ, với những mảnh ghép từ ly hôn tới bãi nhiệm khiến chúng ta liên tưởng tới câu chuyện phân chia tài sản sau ly hôn.
Luật sư Ngọc cho biết, theo điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì tài sản của vợ chồng sau khi ly hôn sẽ được chia đôi, và dù có bãi nhiệm hay không, thì số cổ phần sở hữu tại Trung Nguyên (và nhiều thứ tài sản khác) cũng sẽ được chia đôi.
Câu chuyện bãi nhiệm, nên hiểu theo hướng phân chia quyền lực nhiều hơn là phân chia tài sản.
Bà Thảo, hiện tại giữ vai trò là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Nếu bà tiếp tục đảm nhiệm vai trò này thì sau khi ly hôn và chia tài sản, chắc chắn bà sẽ là người có ưu thế hơn khi lựa chọn người điều hành công ty.
Với việc tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đưa ra biện pháp khẩn cấp là "cấm đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với CTCP cà phê hòa tan Trung Nguyên, "cuộc chiến vương quyền" giữa hai nhà đồng sáng lập Trung Nguyên vẫn chưa đến hồi kết.
(Theo CafeBiz/TTVN)