Đại đức Thích An Đạt: Hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiến mô, tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật.

VT_ gheo tạng.JPG
Một bệnh nhân được ghép tạng thành công tại Bệnh viện Việt Đức

Hội thảo truyền thông về vận động hiến mô tạng do Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia phối hợp tổ chức chiều 16/7, tại Tam Chúc, Hà Nam.

Mở đầu hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - nhấn mạnh: Cả Phật giáo và Thiên chúa giáo đều khuyến khích việc hiến tạng sau khi chết, vì đó là sự cho đi, “một thử thách lòng hào hiệp và tình anh em”.

Thực tế, việc ghép tạng đã tái sinh nhiều cuộc đời. Bà Tiến cho biết mới đây gặp lại người đàn ông được ghép tim giờ đã là lao động chính trong gia đình và cô gái ghép phổi ở Bệnh viện Phổi Trung ương đầu năm 2024 đã đi học trở lại và còn hát được.

Bà Kim Tiến cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc đăng ký hiến tạng ở Việt Nam: Quan niệm, của người dân về “chết phải toàn thây”, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết, sợ gia đình, chưa thấy hiến tạng là từ bi với cộng đồng.

Bên cạnh đó là khó khăn về cách thức đăng ký hiến tạng, chưa đơn giản, dễ tiếp cận; khó khăn về cách xác định đối tượng đích khác nhau để có thông điệp khác nhau. Truyền thông không nên chỉ tập trung vào đưa tin về các ca ghép tạng thành công. Theo Phật giáo, cho đi là hạnh phúc, vì thế, viết về việc hiến tạng sau khi chết đừng có đau đớn, bi luỵ quá.

Bà Tiến cũng nêu những khó khăn về các quy định pháp luật hiện hành: Điều kiện hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.

Vì thế, bà Tiến cho rằng, trong dự Luật hiến tạng có đề xuất: Những người lúc sống chưa đăng ký nhưng khi qua đời được gia đình đồng ý vẫn có thể hiến tạng.

Kim Tiến.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - phát biểu

Bà Tiến cũng lưu ý: Trong tổ tư vấn đăng ký hiến tạng ở các bệnh viện không được có bác sĩ cấp cứu hồi sức, vì là vấn đề nhạy cảm với gia đình người bệnh.

Tại hội thảo, PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - chia sẻ những thông tin quan trọng mà các nước phát triển đã thành công. Đó là cần phát triển mạnh số bệnh viện hiến tạng, để phát triển ngành ghép tạng theo xu thế của thế giới, như ở Tây Ban Nha có tới 14 nghìn bệnh viện hiến, cao hơn số bệnh viện ghép rất nhiều và ngày càng hiệu quả.

Ông Hệ cũng cho rằng, công tác điều phối đòi hòi sự phối hợp chặt chẽ của các bệnh viện, tránh tình trạng mới đây, để tìm 2 người nhận tạng mà Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia phải gọi đi các bệnh viện, mất rất nhiều thời gian. Hoặc có trường hợp tìm tới 119 bệnh nhân mới tìm được người cần ghép vì bệnh nhân đã chết nhiều. Có bệnh viện lấy tạng hiến thông báo với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia chỉ trước có 2 giờ, khiến việc điều phối rất khó khăn.

Hệ.jpg
GS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Ông Hệ cũng nêu những vướng mắc trong luật, khi có trường hợp cả gia đình người hiến đồng ý, nhưng chỉ một bà dì không đồng ý thế là công sức chuẩn bị của các bệnh viện cho ca ghép thành “công cốc”. Hoặc có trường hợp gia đình người hiến đồng ý, người ghép đã sẵn sàng, nhưng ông nội người hiến tạng gọi điện nói không hiến, vậy là người chờ tạng không được ghép.

Theo ông Hệ, ở nhiều nước, mạng xã hội đóng góp rất quan trọng trong truyền thông hiến tạng, khiến số đăng ký hiến tạng tăng; nhiều nước tăng do có sự tham gia của người nổi tiếng.

VT_ Phúc.jpg
TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Mang đến thông tin về quy trình hiến và ghép tạng rất chặt chẽ, TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - nêu những nguyên tắc thống nhất trong việc truyền thông hiến tạng trên thế giới: Các tế bào, mô và bộ phận cơ thể người được lấy ra khỏi cơ thể người cho để ghép khi đầy đủ các văn bản cam kết theo pháp luật; người tuyên bố chết não ở người cho không được tham gia vào hoạt động lấy tạng, ghép tạng hay bất kỳ mối quan hệ nào đối với người nhận và không được tham gia vào hoạt động lấy tạng, ghép tạng hay bất kỳ mối quan hệ nào đối với người nhận. Nghiêm cấm việc trao đổi, buôn bán và vận chuyển nội tạng.

Ông Phúc cũng lưu ý rằng, bên cạnh việc cho và nhận tạng cần thực hiện theo nguyên tắc nhân đạo, công bằng và tuân thủ pháp luật, thì việc ghép tạng chỉ tiến hành khi người ghép có tên trong “Danh sách chờ ghép Quốc gia” và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn.

Sư.jpg
Đại đức Thích An Đạt

Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - khẳng định địa táng hay “chết toàn thây” không phải là quan niệm của nhà Phật.

Cũng theo đại đức Thích An Đạt, truyền thông là một mắt xích rất quan trọng trong việc vận động hiến tạng. Vì thế, ông và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng để biết hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật.

Tại hội thảo, đại diện của VietTimes, Báo Tuổi trẻ, Báo Nhân dân, Báo Người lao động, Báo Quân đội nhân dân … đã “hiến kế” nhiều nội dung để hoạt động truyền thông hiến tạng đạt hiệu quả cao nhất.