Theo chuyên gia nghiên cứu lịch sử và kinh tế Mỹ gốc Đức Frederick William Engdahl, đại dịch COVID-19 đã từng được dự báo trước cách đây 10 năm trong bản báo cáo có tiêu đề “Những kịch bản về tương lai công nghệ và phát triển quốc tế” (“Scenarios for the Future of Technology and International Development”) do Quỹ Rockefeller (Fond Rockefeller) kết hợp với Mạng kinh doanh toàn cầu (Global Business Network) soạn thảo và công bố vào tháng 2/2010.
Quỹ Rockefeller do gia đình tỷ phú Rockefeller thành lập vào năm 1913, hiện nay chuyên tập trung nghiên cứu và xây dựng các dự án nhằm giải quyết các vấn đề có ý nghĩa toàn cầu như kiểm soát tỷ lệ sinh và giảm dân số của thế giới; quá trình tái công nghiệp hóa trong thời đại hậu công nghiệp; vai trò của công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0; quá trình toàn cầu hóa v.v. Còn Mạng kinh doanh toàn cầu được thành lập bởi Peter Schwartz-một trong những nhà tương lai học người Mỹ có uy tín hàng đầu thế giới, có chức năng tư vấn cho các tổ chức nhà nước hoặc quốc tế về khả năng các quốc gia thích ứng và phát triển trong một thế giới bất ổn và bất định. Năm 2004, Mạng kinh doanh toàn cầu đã từng hợp tác với Lầu Năm Góc xây dựng báo cáo về những thách thức từ biến đổi khí hậu đối với sức mạnh quân sự của Mỹ.
Trong bài viết khảo cứu nội dung bản báo cáo “Những kịch bản về tương lai công nghệ và phát triển quốc tế”, Frederick William Engdahl rút ra 4 kịch bản về sự phát triển của thế giới sau cuộc khủng hoảng bùng phát ở Mỹ trong 2 năm 2007-2009. Trong 4 kịch bản đó, đáng chú ý nhất là kịch bản mang tên “Bước then chốt” (“Lock Step”) mô tả gần đúng những gì đang diễn ra trên thế giới trong đại dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc và lan tỏa ra khắp thế giới.
Theo kịch bản này,thế giới sẽ phải đối mặt với đại dịch lớn virus gây ra. Không giống như dịch H1N1 năm 2009 (dịch do virus cúm lợn đã từng phát sinh vào năm đó), chủng virus mới này rất nguy hiểm và lây lan từ một loài chim hoang dã. Ngay cả một số quốc gia đã từng chuẩn bị để đối phó với các loại dịch virus tương tự cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi căn bệnh này. Lần này, trên phạm vi thế giới, chủng virus mới sẽ lây nhiễm khoảng 20% dân số, trong đó có tới 8 triệu người sẽ chết trong 7 tháng đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát.
Một trung tâm thương mại ở Milan (Italia) trở nên gần như bị bỏ hoang giữa dịch Covid-19 (Ảnh: Xinhua)
|
Báo cáo của Quỹ Rockefeller còn mô tả:“Đại dịch này mới này sẽ tác động tàn phá đối với nền kinh tế thế giới, trong đó sự dịch chuyển của người và hàng hóa trên phạm vi toàn cầu sẽ bị ngưng trệ, dẫn tới sự suy thoái các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ; làm rối loại và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Các cửa hàng và siêu thị từng rất nhộn nhịp cũng như các công sở sẽ vắng bóng khách hàng và nhân viên”.
Báo cáo còn đưa ra nhận định, các quốc gia sẽ phải ra tay chống dịch, bất chấp các quy định về quyền dân chủ và quyền tự do. Nguyên thủ các quốc gia trên toàn thế giới buộc phải tăng cường quyền lực, áp dụng các biện pháp kiểm soát và hạn chế ngặt nghèo nhất như bắt buộc người dân đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ của thân thể khắp mọi nơi như trên các phương tiện giao thông và các siêu thị”.
Đáng chú ý là, báo cáo của Quỹ Rockefeller còn dự báo: “Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công đại dịch do chủng virus mới gây ra nhờ các biện pháp chỉ huy và quản lý thống nhất, kịp thời, như phong tỏa các khu dân cư và đóng cửa biên giới. Nhờ đó, họ sẽ cứu được hàng triệu người dân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của dịch bệnh”.
Theo một báo cáo khác của Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ có tiêu đề “Các xu hướng toàn cầu tới năm 2025 trong một thế giới đang chuyển hóa” (Global Trends 2025: A Transformed World) công bố vào năm 2008, cũng đã từng dự báo về một đại dịch do virus gây ra.
Theo đó, báo cáo đưa ra kịch bản đại dịch xảy ra trên phạm vi toàn cầu, bắt nguồn từ một chủng loại virus cúm xuất hiện ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Do khu vực này có mật độ dân số số khá cao, điều kiện sống thiếu vệ sinh sinh và hội nhập vào một thế giới toàn cầu hóa cao độ nên khi bệnh dịch xảy ra ở khu vực này sẽ nhanh chóng lan truyền ra khắp toàn cầu, ảnh hưởng tới tất cả các nước. Báo cáo này còn dự báo, sẽ có tới hàng chục triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh và số người chết do dịch có thể lên đến hàng triệu.
Những gì báo cáo của Quỹ Rockefeller dự báo cách đây 10 năm lúc này đang diễn ra trên khắp thế giới. Sau khi bùng phát COVID-19, một số chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) dự báo, đại dịch này có thể ảnh hưởng đến 2/3 dân số thế giới. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng tuyên bố rằng có khoảng 70% dân số Đức sẽ bị nhiễm COVID-19. Rất có thể, nhận định của một số chuyên gia WHO và Thủ tướng Đức Angela Merkel căn cứ vào kịch bản trong báo cáo của Quỹ Rockefeller chăng?
Dự báo này trùng hợp với những gì đã diễn ra ở Trung Quốc. Trong đó, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố đã ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19, từng bước phục hồi mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Liên hợp quốc và WHO khuyên các nước nên nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 như kỷ luật nghiêm minh, hệ thống quản lý tập trung cao và phát huy trách nhiệm của từng người dân.
Theo báo cáo của Quỹ Rockefeller, ngay cả sau khi hết dịch, thế giới sẽ không thể quay trở lại lối sống như trước kia nữa. Trong đó, các quốc gia sẽ phải xây dựng mô hình quản lý kinh tế và nhà nước kiểu mới để thích nghi với một thế giới đang thay đổi chóng mặt.
Dự báo này phần nào trùng hợp với đề xuất được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2020, theo đó đã đến lúc chủ nghĩa tư bản hiện đại sẽ phải chuyển sang mô hình mới, được gọi là “chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội”. Như vậy, một điều có thể coi là yếu tố tích cực của đại dịch COVID-19 là cảnh báo thế giới về một kỷ nguyên mới của loài người, trong đó con người sẽ phải nhận thức lại chính mình và những giá trị đang theo đuổi.