Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Góp ý vào Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với hướng quy định cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp với tính chất và điều kiện từng gói thầu, dự án.
Theo ông Hòa, cho rằng thời gian qua việc đấu thầu đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều dự án cho thấy thực chất chỉ là “đấu thầu hình thức” khi chủ đầu tư cho phép nhà đầu tư tự chuẩn bị toàn bộ hồ sơ, thiết kế, bản vẽ..., sau đó tổ chức đấu thầu nhưng kết quả luôn trúng thầu chính nhà đầu tư đó. Nhiều dự án đấu thầu mất 3-4 tháng mới xong và không bao giờ có nhà đầu tư nào trượt.

“Như vậy, chúng ta tổ chức đấu thầu để làm gì? Đấu thầu không bao giờ có nhà đầu tư nào trượt, làm sao mà trượt được, vì trong thời gian qua người ta đã bỏ công sức, tiền bỏ của để làm dự án được địa phương cho phép chuẩn bị đầu tư, sao có thể bị rớt được", ông Hòa nói.
Từ thực tế này, ông ủng hộ chủ trương cho phép lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, tài chính, kinh nghiệm. Tuy nhiên cũng phải phòng ngừa, đề phòng sự móc nối giữa chủ đầu tư và chủ dự án để làm thiệt hại ngân sách Nhà nước. Trong thời gian qua không ít ở địa phương xảy ra vi phạm về vấn đề này. Ông nhấn mạnh việc quy định phải rõ ràng, chặt chẽ, “chọn nhà đầu tư đúng nhưng phải minh bạch”.
Về việc chỉ định thầu, ông Hòa tiếp tục bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết, tạo sự linh hoạt trong thực hiện. Tuy nhiên, ông đề xuất chỉ định thầu phải kèm điều kiện: nhà thầu có tiềm lực, đã tham gia nhiều dự án chất lượng và đặc biệt phải có yếu tố giảm giá. Ông dẫn chứng: “Có một số nơi chỉ có một nhà thầu trúng mấy chục công trình trong nhiều năm, tổ chức đấu thầu hoài mà chỉ có một nhà thầu cho trúng. Nhưng thực tế giảm giá rất thấp, chỉ dưới 1%, vậy đâu có hiệu quả cho Nhà nước mà vẫn tổ chức đấu thầu, tại sao nhà thầu đó trúng liên tục như thế?".
"Tôi nghĩ rằng đây là một điểm chúng ta cần quan tâm, trong thời gian qua việc tổ chức đấu thầu không mang lại hiệu quả mà mất thời gian, tốn kém, loại trừ chuyện móc nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong thời gian qua", ông nói và đề xuất nên chỉ định thầu có giảm giá, chất lượng công trình đảm bảo và chịu trách nhiệm về chuyện chỉ định thầu.
Đối với đấu thầu các gói xây lắp, đại biểu Đồng Tháp cảnh báo hiện tượng “bỏ thầu giá cao bất thường, giá trị gấp trăm lần" tại một số dự án như khai thác mỏ cát, gây rối loạn thị trường. Ông đề nghị cần có chế tài đủ mạnh đối với hành vi bỏ thầu sau khi đã trúng thầu, như cấm tuyệt đối tham gia các gói thầu khác.
"Có như vậy họ mới sợ, họ không dám, họ không muốn làm những chuyện để cho dư luận quan tâm nhiều như thế", ông Hòa nhấn mạnh.
Liên quan xử lý vướng mắc doanh thu tại các dự án BOT giao thông ký trước năm 2021, ông Phạm Văn Hòa cho biết hiện còn 78 dự án đã hoàn thành nhưng không được thu phí do người dân phản đối.
"Phải làm rõ nguyên nhân là lỗi của nhà đầu tư, Nhà nước hay người dân, để xử lý dứt điểm", ông nói.
Ông đồng ý phương án chia sẻ rủi ro tùy theo mức độ sai sót giữa các bên. Nếu lỗi hoàn toàn thuộc nhà thầu, thì họ phải chịu. Nếu là lỗi từ cả Nhà nước và nhà thầu, thì cần cùng nhau giải quyết. Còn nếu Nhà nước sai, thì phải có trách nhiệm bù đắp.
“Không thể để các dự án kéo dài 4-5 năm không xử lý, trong khi nhà đầu tư kêu cứu, ngân hàng gặp khó và người dân sử dụng dịch vụ thì không đóng phí" đại biểu nói và cho biết như vậy là bất cập, cần được tháo gỡ ngay.
Cần bổ sung quy định về thời gian xử lý rút gọn với các gói cấp thiết
Phát biểu thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư và đấu thầu, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) bày tỏ đồng tình với tinh thần phân cấp mạnh mẽ và tăng tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quyết định mua sắm, đầu tư. Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ mức độ "công khai, minh bạch" trong các hình thức lựa chọn nhà thầu như chỉ định thầu hay chào hàng cạnh tranh, đặc biệt là với doanh nghiệp Nhà nước.
“Công khai ở mức độ nào, ở mức độ doanh nghiệp hay trên báo chí. Tôi nghĩ rằng cần phải có một hướng dẫn rõ và hình thức công khai là như thế nào để các đơn vị có thể tổ chức thực hiện một cách dễ dàng hơn”, đại biểu nói.
Về chỉ định thầu, ông Tuấn kiến nghị cần quy định rõ thời gian và ngưỡng quy mô gói thầu để xử lý các trường hợp cấp bách. Hiện nhiều gói thầu dù khẩn cấp nhưng vẫn phải qua thủ tục mất 3-4 tháng, gây chậm trễ triển khai.
Đại biểu Trần Anh Tuấn cũng đề xuất cần bổ sung quy định về thời gian xử lý rút gọn với các gói cấp thiết nhưng chưa thuộc nhóm an ninh, thiên tai.
Đối với hình thức chào hàng cạnh tranh, ông Tuấn nhận xét các điều kiện hiện tại quá nghiêng về yếu tố giá, chưa phản ánh tiêu chí chất lượng sản phẩm. Ông đề xuất cần bổ sung điều kiện đánh giá gắn với chất lượng để bảo đảm hiệu quả gói thầu.

Tổng Bí thư: 'Ông đấu thầu' tội nặng lắm - chậm tiến độ, mất cán bộ

Bộ Công an kiến nghị EVN kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu sau vụ án Tập đoàn Tuấn Ân
