Kết hợp các bài học từ các lực lượng đặc nhiệm Phương Tây, điện Kremlin đã tự thành lập một đội đặc nhiệm tương đương với lực lượng Delta của Mỹ (lực lượng tinh nhuệ số một nước Mỹ). Lực lượng của Nga mang tên Bộ Chỉ huy Hoạt động đặc biệt, viết tắt là KSSO.
Tổng tư lệnh Nga lần đầu tiên thông báo kế hoạch này vào tháng 3/2013. Mặc dù còn tương đối non trẻ, nhưng lực lượng này đã nhanh chóng học hỏi và đã tích lũy được những kinh nghiệm chiến đấu quý giá trong suốt quãng thời gian hoạt động tương đối ngắn. Quả thực, cho dù KSSO không được đầu tư nhiều như lực lượng Delta hay SEAL của Mỹ, lực lượng của Nga vẫn hoạt động hết sức hiệu quả.
Giống như Lực lượng Không quân tinh nhuệ của Anh, mẫu hình mà Đại tá Charlie Beckwith lựa chọn khi lập lực lượng Delta, lực lượng KSSO cũng không có nhiều những thiết bị đắt tiền hay cơ sở hạ tầng để hỗ trợ như Mỹ. “Rõ ràng họ không có tiền để sở hữu máy bay chuyên dụng hay những máy bay vận tải,” Mike Kofman tại Trung tâm phân tích hải quân trả lời National Interest, ông cũng so sánh với Bộ chỉ huy các hoạt động chung đặc biệt của Mỹ (JSOC) với những máy bay trực thăng hiện đại MH-60 Black Hawk đã tham gia vào cuộc đột kích năm 2011 tiêu diệt Osama Bin Laden ở Pakistan.
"Nhưng bằng cách nào đó lực lượng của Nga vẫn hoàn thành công việc trước khi sở hữu nhiều thiết bị.” KSSO đã đạt được một số thành tựu đáng kể, trong đó dễ thấy nhất là việc Mátxcơva đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. “Lần đầu tiên KSSO triển khai chiến đấu là lần sáp nhập Crimea. Hoạt động này đã đã tạo ra những “người lịch sự”- biệt danh để chỉ lực lượng đặc nhiệm Nga,” Mike Kofman cho hay.
Đơn vị tinh nhuệ này cũng đã chiến đấu trong thời gian Nga can thiệp vào Syria. "Tháng 9/2015, KSSO chuyển tới Syria, nơi lực lượng này có vai trò ngày càng rõ ràng trong việc hỗ trợ các hoạt động chiến đấu của Nga", Kofman khẳng định. "Tại đây, KSSO đã tham gia vào các nhiệm vụ khác nhau, từ việc thu hồi hộp đen máy bay Su-24M của Nga bị bắn hạ vào tháng 11/2015 đến thăm dò mục tiêu cho tên lửa hành trình tấn công, phá vỡ phòng tuyến của kẻ địch bằng các cuộc phục kích, tấn công trả đũa".
Dường như KSSO đóng vao trò chủ chốt trong trận chiến ở Palmyra mùa xuân năm 2016 và khá tích cực ủng hộ việc Syria chiếm Aleppo vào mùa thu năm ngoái.
Tuy nhiên, KSSO vẫn còn đang phát triển và Nga sẽ tiếp tục xây dựng năng lực cho lực lượng này. Đơn vị này là một phần trong cộng đồng gồm các lực lượng đặc biệt của Nga, được gọi là Spetsnaz, và các lực lượng đặc nhiệm khác thuộc về các cơ quan tình báo như FSB. Theo Kofman, những đơn vị Spetsnaz được phân bổ về các lực lượng lục quân, thủy quân lục chiến và các lữ đoàn dù của Nga, ước tính quân số khoảng 9.000 đến 10.500 người.
“KSSO là một sự bổ sung tương đối mới cho bộ công cụ của Nga. Triết lý cốt lõi của bộ chỉ huy là đào tạo một đội gắn kết chứ không phải những cá nhân xuất sắc", Kofman nhận định. “Có năm kỹ năng mà mỗi nhóm lại chuyên biệt riêng, nhưng tất cả đều được huấn luyện để tạo thành một đội quân với năng lực cơ bản, bao gồm nhảy dù, leo núi, lặn, tác chiến ở thành phố và bảo vệ các quan chức cao cấp trong khu vực chiến đấu.
Một trọng tâm khác của các lực lượng đặc nhiệm của Nga là huấn luyện bắn tỉa, kỹ năng này được đầu tư kỹ lượng cho từng cá nhân và cho cả đội. Lực lượng này cũng có nhiệm vụ không quân riêng, có chức năng hỗ trợ chiến đấu và được cho là sẽ hành động độc lập với các lực lượng còn lại của quân đội.”
KSSO cùng với các lực lượng đặc nhiệm khác của Nga sẽ chỉ lớn mạnh hơn khi họ thu nhặt được thêm kinh nghiệm và tích hợp thêm nhiều khả năng. Nhưng chắc chắn rằng lực lượng này có thể trở thành một trong những đối thủ đáng gờm nhất mà một ngày nào đó sẽ thách thức quân đội Mỹ.