Càng sản xuất càng “đốt” tiền
Trước đó, ngày 12/5, báo Tiền Phong có bài: “Nhà máy 12.000 tỷ, 4 năm lỗ 2.000 tỷ đồng”, phản ánh tình trạng của Nhà máy Đạm Ninh Bình hiện nay. Làm việc với PV báo Tiền Phong ngày 1/6, ông Chu Văn Tuấn - Phó tổng giám đốc Vinachem lý giải về lý do ngừng hoạt động của Nhà máy.
Theo ông Tuấn, điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn, rét đậm rét hại ở miền Bắc đã gây thiệt hại không nhỏ sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón nói chung và phân đạm suy giảm nhiều. Bên cạnh đó, miền Bắc chủ yếu dùng phân lân, nên phân đạm cũng khó tiêu thụ. Năm 2015, có 2 đơn vị sản xuất phân đạm tại Ninh Bình và Bắc Giang với lượng tồn kho khá lớn tương ứng là 180.000 tấn, 70.000 tấn.
“Để khắc phục, Vinachem đã chỉ đạo 2 đơn vị cân đối xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường và khả năng của 2 Cty và chỉ nên tồn kho ở 20.000 - 30.000 tấn. Với các lý do trên khiến 2 Cty phải tạm dừng sản xuất một thời gian nhất định” - ông Tuấn nói.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết, Nhà máy đã chọn phương án dừng máy trong vòng từ 30-35 ngày với một số giải pháp cụ thể như cho 400 cán bộ, công nhân đi làm thường xuyên bảo trì máy móc, bán hàng, bảo vệ, gác máy, bảo dưỡng; 200 người lương 4,7 triệu, nghỉ luân phiên; khoảng 400 người nghỉ ở nhà, lương 3,1 triệu đồng. Tính đến 25/5, lượng tồn kho tại Ninh Bình còn 19.200 tấn. Ngày 1/6, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã triệu tập lao động để thảo luận phương án chạy lại máy, học lại quy định vận hành. Dự kiến khoảng 1 tuần sau sẽ sản xuất trở lại.
Tuy vậy, để khởi động lại Nhà máy, ông Nhẫn vẫn lo ngại gặp những khó khăn nhất định như một số công nhân đã chuyển công tác, lỗ lũy kế tăng cao. Theo báo cáo của Nhà máy Đạm Ninh Bình, đến năm 2015, số lỗ lũy kế đã lên tới 1.986 tỷ đồng.
Đóng cửa vẫn lỗ 1.000 tỷ đồng/năm
Về nguyên nhân dẫn tới lỗ khủng, ông Chu Văn Tuấn – Phó tổng giám đốc Vianachem cho rằng, 2 năm qua giá đạm thế giới liên tục giảm, nguồn cung vượt quá nhu cầu sử dụng. “Ngoài ra, đây là công nghệ sản xuất sử dụng than, trong khi các nhà máy khác sử dụng nguyên liệu khí. Giá than không giảm trong khi giá khí của nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau liên tục giảm. Mặc dù Nhà máy đạm Ninh Bình đã có cơ chế riêng về giá than, nhưng dự án không còn khả thi” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn lý giải, dự án mới đầu tư, vì vậy nghĩa vụ trả nợ lớn, từ trả gốc và lãi đầu tư chia theo các kỳ. Chi phí tài chính cho giai đoạn mới đầu tư rất lớn nên tính khấu hao lớn. Hai năm đầu, Nhà máy Đạm Ninh Bình âm 47 triệu USD. Nhà máy mới thành lập nên công tác tiếp thị kém so với các đơn vị khác, khiến giá bán thấp chỉ bằng giá đạm Trung Quốc.
Về thông tin cho rằng dây chuyền sản xuất của Nhà máy nhập từ Trung Quốc, ông Chu Văn Tuấn khẳng định: “Nhà máy Đạm Ninh Bình được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, việc trục trặc là do trình độ công nhân chưa đáp ứng được. Về dây chuyền này, nhà thầu yêu cầu công nhân thao tác có trình độ ít nhất 3 năm kinh nghiệm về công nghệ và 5 năm trong lĩnh vực tương tự.
Trong khi đó, công nhân mới tuyển về đào tạo mấy tháng khiến việc vận hành xảy ra lỗi ngừng máy, ngoài ra do trình độ quản lý chưa đáp ứng được với tính phức tạp của dây chuyền. Khi dây chuyền hỏng hóc, thiếu vật tư dự phòng, phải chờ đặt hàng với thời gian dài nên phải dừng hoạt động”.
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Tuấn cho biết, lãnh đạo Vinachem đã báo cáo đề xuất 11 phương án với Chính phủ, Bộ Công Thương, trong đó có cả phương án đóng cửa Nhà máy. Nếu áp dụng phương án đóng cửa, nhà máy sẽ lỗ 1.000 tỷ đồng/năm để trả nợ, trả lãi.
Thiết bị châu Âu hay của Trung Quốc?
Ông Chu Văn Tuấn cho biết, công nghệ của Nhà máy Đạm Ninh Bình yêu cầu các thiết bị chủ yếu theo danh mục các nước G7, Mỹ, Nhật. Tuy nhiên, khác với ý kiến của ông Phó tổng giám đốc, trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Gia Tưởng - Tổng giám đốc Vinachem lại cho biết: “Dây chuyền, máy móc thiết bị của Nhà máy chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng phải phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố”.
Theo Tiền Phong