Đã phát hiện 200 ca dương tính trong chùm siêu lây nhiễm Hội thánh

VietTimes – CDC TP.HCM và Sở Y tế vừa cho hay, đã phát hiện 200 ca dương tính trong “ổ dịch” siêu lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, trong đó 40 người là hội viên, còn lại là các F1, F2.
Xét nghiệm khẩn cấp trong khu phong toả - Ảnh: CDC TP.HCM

Hai chuỗi lây nhiễm có mối liên quan

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng 1/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, TP.HCM phát hiện 200 ca dương tính liên quan đến "ổ dịch" siêu lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Tổng số bệnh nhân phát hiện tại TP.HCM trong đợt lây nhiễm này là 208 ca.

"Tổng số hơn 3.000 F1, nhiều người trong số này đã chuyển thành F0. Tổng số F2 hơn 15.000 người, một số F2 cũng đã chuyển thành F0. Đã phát hiện 20/22 địa phương tại TP.HCM có bệnh nhân. Nhiều nhất là quận Gò Vấp 52 bệnh nhân, quận Tân Phú 22 bệnh nhân, còn lại rải rác tại các quận" - Ông Bỉnh cho hay.

"TP.HCM đã khoanh vùng cách ly rất nhiều công ty, địa điểm. Nhiều công ty có 4-5 bệnh nhân, 3 công ty nằm rải rác tại các khu công nghiệp, một trường mầm non tại Tân Phú có gia đình có tới 5 bệnh nhân" - Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cung cấp.

Thông tin từ CDC TP.HCM cũng cho hay, đã tìm thấy mối liên quan giữa 2 chuỗi COVID-19 đang lây nhiễm trên địa bàn thành phố. Từ ngày 27/5, có 3 trường hợp bệnh nhân chỉ điểm được phát hiện tại BV Nhân dân Gia Định, thành phố đã phát hiện mối liên quan khi cả 3 là hội viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp. Từ thời điểm đó, qua quá trình điều tra, truy vết, thành phố liên tiếp phát hiện các ca bệnh liên quan đến Hội thánh này.

"Tính đến sáng ngày 1/6/2021, TP.HCM đã có 200 trường hợp nhiễm có mối liên hệ với Hội thánh" - Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh - Ảnh: Huyền Mai

Tại cuộc họp, BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc CDC TP.HCM cho hay: "Người đầu tiên có triệu chứng là ngày 13/5 và có khả năng là nguồn lây của nhóm tham gia Hội thánh. Người này là vợ của mục sư Hội thánh, đã từng đi Hà Nội ngày 23/4 và trở về TP.HCM vào ngày 29/4".

"Trong số 200 ca dương tính thì 40 người là hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Theo điều tra ban đầu, Hội thánh chỉ đăng ký 20 người nhưng qua thực tế các hội viên khai báo, hiện nay số hội viên đã là 55 người" - BS Nguyễn Trí Dũng cho hay.

Cùng xuất hiện với chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh là một chuỗi lây nhiễm được phát hiện khi 2 vợ chồng cư trú tại quận Tân Phú đi khám bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Hai bệnh nhân này được công bố mã số bệnh nhân, chồng là BN6444, vợ là BN6445.

BS Nguyễn Trí Dũng cập nhật: "Từ hai bệnh nhân này, thành phố điều tra truy vết phát hiện thêm 5 trường hợp nhiễm liên quan là những tiếp xúc gần của hai bệnh nhân này trong đó có BN6781, đồng nghiệp của người vợ làm việc chung tại trụ sở ngân hàng VIB quận 7. Người đồng nghiệp này có người chị gái sống chung có kết quả nhiễm COVID-19 (BN6907) cũng đồng thời nằm trong chuỗi tiếp xúc với ca bệnh (6770). BN6770 chính là F1 của chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh".

"BN6781 (em của BN6907) đồng nghiệp BN6445 có triệu chứng viêm đường hô hấp từ ngày 20/5. Trong khi đó người vợ BN6445 có triệu chứng từ ngày 23/5, người chồng BN6444 có triệu chứng bệnh từ ngày 25/5. Thêm vào đó, chiều tối ngày 29/5, kết quả giải mã gen của chuỗi lây nhiễm liên quan BN6444, BN6445 cho thấy 2 chuỗi lây nhiễm có cùng biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.

Qua các dữ liệu trên, chuỗi lây nhiễm liên quan 2 vợ chồng cư trú tại Tân Phú được phát hiện tại BV Hoàn Mỹ có mối liên quan với chuỗi lây nhiễm Hội thánh thông qua BN6907 làm việc tại tòa nhà ở Quận 1" - BS Dũng thông tin.

Phát hiện ca dương tính tại toà nhà, công ty này đã cách ly, xét nghiệm COVID-19 cho hơn 1.500 người

Khuyến khích mua hàng trực tuyến, làm việc online

Đối diện với nỗi lo thiếu thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, nhiều người dân đã đổ xô đến các siêu thị lớn, bất chấp thực tế không đảm bảo giãn cách 2 mét một người, đồng thời làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

CDC TP.HCM đưa cảnh báo mạnh mẽ về việc này, đề nghị người dân không nên quá lo lắng, không đến siêu thị quá đông.

UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Công thương tăng cường cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; khuyến khích mua hàng trực tuyến.

Đồng thời, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện giãn cách tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố theo hướng chia từng đợt, mỗi đợt không quá 20 người; thực hiện các thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt cho toàn bộ người ra vào. Điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi không thấp hơn 25 độ C và vẫn đảm bảo thông thoáng, vệ sinh và bảo quản hàng hóa.

UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ tham mưu văn bản của UBND hướng dẫn các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như y tế, trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại công sở.

Từ thực tế nhiều công ty đã có cả chùm bệnh nhân do làm việc trong môi trường kín, có máy lạnh, không đủ điều kiện chống dịch, BS Nguyễn Trí Dũng đưa đề xuất thành phố khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết.

Trong vùng phong toả vì có ca dương tính - Ảnh: CDC TP.HCM

UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội, chú trọng thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, cách làm hay, tinh thần chung tay, hợp tác của cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn người dân không bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được cơ quan chức năng công bố liên quan đến tình hình dịch COVID-19 để tránh hoang mang dư luận; ban hành hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh họp trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính qua mạng phục vụ người dân, thực hiện trong 3 ngày làm việc.

Công an Thành phố phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các chuỗi lây nhiễm hiện nay trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào chuỗi lây nhiễm của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng; truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người có đến các điểm nguy cơ cần truy vết do CDC hoặc y tế địa phương công bố. Khuyến cáo những trường hợp này nhanh chóng khai báo tại cơ quan y tế địa phương theo quy định để được giám sát y tế đúng quy định, không để lây lan dịch bệnh (nếu bị nhiễm).

TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện không rời khỏi thành phố khi chưa có sự đồng ý của Chủ tịch UBND TP.HCM.

Tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến; không tổ chức các cuộc họp tập trung trên 20 người tham dự trong một phòng.

Bắt buộc kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và lập danh sách các trường hợp đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác truy vết khi cần thiết.

Đối với các cuộc họp, sự kiện: người dự phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách ít nhất 2 mét; không bắt tay; rửa tay hoặc khử khuẩn trước và sau cuộc họp; tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.

Chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người trong mỗi cuộc họp, hội nghị; yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM phải gương mẫu trong việc chấp hành yêu cầu các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của UBND và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.