Cần tạo dựng giá trị xanh, bền vững
Chia sẻ định hướng thị trường BĐS Đà Nẵng trong tương lai, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc cần suy nghĩ xu hướng BĐS của Đà Nẵng và khu vực miền Trung là gì? Và đâu là nhân tố tiên quyết đối với sản phẩm BĐS tại đây.
Với kinh nghiệm là thành viên ban cố vấn của Thủ tướng, Tiến sĩ Võ Trí Thành đưa ra quan điểm riêng về định hướng cho thị trường BĐS Đà Nẵng: “Đầu tiên là xanh, bền vững và bền vững theo thời gian. Đó là chất lượng công trình gắn với dấu tích lịch sử, lớp tích văn hóa phải bền vững.
Điều nữa là công năng thân thiện, gắn với dịch vụ thông minh mà người ta muốn hướng về BĐS. Đặc biệt là cần chú ý đáp ứng dịch vụ đối với tầng lớp trung lưu, giàu có.
Nếu nhìn về miền Trung với giá trị BĐS xu hướng như vậy, nhà ở như vậy, thì miền Trung, Đà Nẵng đang có gì, đó là hiện đại hơn, văn minh hơn. Nhưng khi nhìn đi nhìn lại, ngay với Đà Nẵng, một TP được đánh giá là đáng sống nhất Việt Nam, thì dịch vụ vẫn chưa chuẩn, dù Đà Nẵng đã có tiến bộ rất nhiều, nhưng so với Sài Gòn thì chưa bằng, chưa nói là đẳng cấp”.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành: đã đến lúc cần suy nghĩ xu hướng BĐS của Đà Nẵng và khu vực miền Trung là gì? Và đâu là nhân tố tiên quyết đối với sản phẩm BĐS tại đây.
|
Tiên phong và dấu ấn cũng là một vấn đề được Tiến sĩ Võ Trí Thành nêu, để trả lời câu hỏi tạo dựng giá trị cho Đà Nẵng: “Đà Nẵng hiện cũng chưa có gì ngoài một khu resort mấy năm liền đoạt giải thế giới. Đà Nẵng chưa có công trình nào mang dấu ấn, độc đáo về kiến trúc, chưa có công trình xây dựng nào tiêu biểu, công trình công nghệ thông minh đạt tiêu chuẩn cũng chưa có”.
“Chúng ta cơ bản là đi theo, mà chúng ta muốn vượt lên, với bề dày lịch sử, bờ biển dài đẹp như vậy thì các dấu ấn quá ít, nếu như không nói là hầu như chưa có. Và nói thật, Đà Nẵng thật sự chỉ là TP đáng đến chứ chưa thật sự là TP đáng sống.
Nếu là TP đáng sống thì BĐS thay đổi rất nhiều, đáng sống thì người ta phải đến ở, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm rồi cả đời. Ai đến làm việc, sinh sống, đó phải là doanh nhân, người giàu, những nhà khoa học đến làm việc sinh sống. Còn đây ta là đáng xem, đáng ở một tuần. Chứ đáng sống thì còn xa lắm” - TS.Võ Trí Thành nói.
Lý giải cho lý do tại sao Đà Nẵng chưa tạo dựng được giá trị đáng sống, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng: “Đà Nẵng thiếu không gian chung, thiếu không gian công cộng. Đó là chưa nói lối xuống biển (cũng không có). Không gian công cộng là đầy đủ tiện nghi, là nơi người giàu người nghèo đến như nhau. Đó là không gian sống, thử hỏi Đà Nẵng có bao nhiêu công viên xanh, hay có cái công viên chạy chưa hết trăm mét đã hết công viên…Nên nếu nhìn với tầm nhìn như vậy thì còn rất xa, và cần phải nỗ lực”.
Khai thác động lực kết nối
Liên quan đến định hướng phát triển trong tương lai, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, Đà Nẵng cần có chính sách và tầm nhìn, quy hoạch. “Cái này Đà Nẵng đang gặp khó khăn về thiên thời địa lợi, nhân hòa đang trục trặc. Tiếp đến, Đà Nẵng sau thời gian tăng trưởng nhanh thì đang có dấu hiệu chững lại. Thứ nữa là Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ chi ngân sách cao nhất cả nước… Vậy bây giờ chúng ta phải làm thế nào để đạt được quyết tâm. Đây là vấn đề là rất phức tạp cho Đà Nẵng và cả miền Trung. Tôi nghĩ Đà Nẵng phải có quy hoạch, khát vọng phát triển để trở thành TP đáng sống”.
Đề xuất các ý kiến tư vấn về chính sách vĩ mô, chuyên gia này cho rằng Đà Nẵng đang gặp khó là làm sao vẫn để tăng trưởng vừa làm đầu kéo tăng trưởng. Nhưng không được gây rủi ro. Nhất là những dấu hiệu đang diễn ra cho thấy rủi ro BĐS Đà Nẵng là đang hiện hữu.
Nói đến rủi ro BĐS, Tiến sĩ Thành đưa ra 4 dấu hiệu rủi ro mà BĐS Đà Nẵng đang đối mặt. Đó là thanh khoản và đầu cơ, mức độ hiện nay là hơn 50% là mua đi bán lại, bầy đàn. Và may là nó thuộc một vài phân khúc chứ không phải tất cả. Thứ hai là một số dòng tiền lớn, một số chủ đầu tư đang chuyển hướng đầu tư. Thứ ba là giá cả, ví dụ giá cả tăng nhanh quá, từ 20% đến 30%, thậm chí cả trăm thì đây là dấu hiệu bất ổn. Thứ tư là chu kỳ kinh tế, chu kỳ vĩ mô vì nó gắn với ngân hàng gắn với chính sách vĩ mô, chu kỳ kinh tế, chu kỳ 10 năm.
Theo chuyên gia này, cần có chính sách pháp lý quyền sở hữu, tài sản, giao dịch cụ thể đối với BĐS hiện nay. Sau đó là cần có chính sách về hỗ trợ tăng trưởng, hình thành các quỹ tài chính cho BĐS, kể cả các quỹ đầu tư cho công nghệ trong xu hướng mới. Cùng với các quỹ đó là định hướng tiêu dùng liên quan đến BĐS, tiên phong thương hiệu để cung ứng nguồn tài chính để góp phần hỗ trợ, tạo dựng hình ảnh cũng như sự tăng trưởng cho BĐS.
Bên cạnh định hướng khác biệt, BĐS Đà Nẵng cần gắn với giá trị cốt lõi là tích sử, phong thủy và tâm linh
|
Kết thúc tham luận của mình, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng: “Vấn đề cuối cùng tôi muốn chia sẻ là cần có đào tạo nghề đối với dịch vụ BĐS. Nhà có đẹp bao nhiêu mà dịch vụ không ra gì cũng không thể phát triển bền vững. Cho nên Đà Nẵng và khu vực phải cực kỳ quan tâm đến vấn đề này. Đây cũng là vấn đề số 1 để duy trì phát triển thị trường BĐS.
Nói về kết nối thị trường BĐS thì phải kết nối quy hoạch, phải có liên kết quy chế vùng. Một là kết nối thị trường, nếu để miền Trung làm BĐS du lịch không đầy đủ, mà cần là kết nối theo chuỗi giá trị nội ngành.
Đó là giá trị dữ liệu, kết nối tất cả các dịch vụ logistics, giá trị thương hiệu, gắn với các tích lịch sử của miền trung để tạo nên sự khác biệt... thì mới bứt phá được. Để kết nối được, Đà Nẵng cần có những tiêu chí vượt lên tất cả các tiêu chí hiện có, từ PCI đến PAPI.
Tiêu chí của Đà Nẵng phải là khu vực là toàn cầu. Đà Nẵng phải chọn ra các lĩnh vực gắn với 2 lợi thế là lan tỏa ra khu vực và TP đáng sống nơi người giàu, người tài, doanh nhân đến sinh sống đến ở, chứ không phải đến vài ngày cho biết. Khi đó Đà Nẵng mới phát triển đúng với vị trí của mình”.