|
Một góc lễ hội khinh khí cầu Đà Nẵng |
Trước những tín hiệu tích cực của thị trường du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, khi Trung Quốc có chính sách nới lỏng đi lại trong phòng chống dịch COVID-19 từ đầu tháng 1/2023, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Nguyễn Đức Quỳnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khách sạn, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng - về kế hoạch chuẩn bị đón nhận lượng du khách này.
Không nên vội vàng, mà cần có lộ trình
- Như ông đã biết, Trung Quốc vừa có chính sách nới lỏng đi lại trong phòng chống dịch COVID-19, đây được xem là tín hiệu vui cho ngành du lịch VIệt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Ông nhìn nhận thông tin này như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Trung Quốc mới mở cửa trở lại là một tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Đối với du lịch Đà Nẵng, theo tôi, không nên vội vàng thu hút ngay thị trường khách Trung Quốc, mà phải có có kế hoạch và lộ trình đón khách, để làm sao vừa đảm bảo chống dịch, vừa đón được nguồn khách. Đặc biệt, du lịch Việt Nam phải có những chương trình để đón được lượng khách lớn, nhất là với các cơ sở dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân sự, đào tạo hướng dẫn viên, cơ sở ăn uống cho người Trung Quốc…
Theo nhận định của tôi, sau Tết Nguyên đán, khoảng tháng 3 và tháng 4 thì chúng ta mới đón lượng lớn du khách Trung Quốc đến Việt Nam và Đà Nẵng.
|
Ông Nguyễn Đức Quỳnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khách sạn, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng |
- Có một thực trạng là sau thời gian dịch, các khu phố chuyên phục vụ khách Trung Quốc bị bỏ hoang phế khá lâu. Vậy khi khách Trung Quốc trở lại, liệu các dịch vụ có đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Như tôi vừa nói là phải có lộ trình và chúng ta cũng phải khích lệ điều đấy từ những kinh nghiệm phục vụ du khách Trung Quốc trước đây. Cần thấy rằng, nên để du khách đến và có nhiều cơ hội kiếm tiền, hơn là chúng ta lo sợ du khách Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để làm việc này kia.
Điều quan trọng nhất là làm thế nào để có những sản phẩm để du khách có thể chi tiêu, có thể mua mang về nước, cũng như cách vận chuyển các sản phẩm như thế nào để họ mang về nước. Ngành du lịch cần làm sao để cho du khách trở về nhà “rỗng túi”, có nghĩa là họ mang bao nhiêu tiền tới Việt Nam thì họ cần tiêu hết trước khi về nước.
Quay trở lại vấn đề cụ thể như dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí cho du khách người Trung Quốc là điều cần suy nghĩ. Cần phải có những cái món ăn hợp khẩu vị, thì việc để cho các nhà hàng Trung Quốc mở ra, phát triển và làm hài lòng du khách là cần thiết. Đây là một trong những nội dung mà du lịch Đà Nẵng cần phải quan tâm.
|
Một góc bãi biển du lịch Đà Nẵng |
- Theo ông, khi du khách Trung Quốc quay trở lại, các dịch vụ này sẽ tự phục hồi hay cần có cơ chế thúc đẩy?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Tôi nghĩ là nó sẽ phục hồi, vì khi có nhu cầu thì ắt sẽ có cung cấp. Mặc dù chúng ta nói là các dịch vụ này sẽ tự phục hồi, nhưng cũng phải có sự quan tâm của ngành du lịch để các cơ sở đó thuận lợi phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Cần khai thác lợi thế của du lịch Đà Nẵng
- Vừa qua cũng có những phản hồi của các khách nước ngoài bày tỏ sự thất vọng khi đến Đà Nẵng, khi cho rằng chất lượng du lịch Đà Nẵng không giống như quảng cáo. Vậy dưới góc độ Hiệp hội, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và có những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Du khách cũng có nhận xét này nhận xét kia là bình thường, vì có những trải nghiệm có thể là không tốt, thậm chí chỉ đến một lần. Nhưng nhìn chung thì ngành du lịch Đà Nẵng là điểm đến được nhiều du khách khen ngợi.
Về những vấn đề phàn nàn của khách, chúng tôi sẽ phải làm triệt để từng phần. Ví dụ như một số những cơ sở không gắn sao thì chúng tôi yêu cầu họ phải làm hồ sơ đăng kí để có thể gắn sao, hay xây dựng tiêu chí đánh giá. Đặc biệt, chúng tôi sẽ có chế tài để xử phạt theo luật đối với cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ ăn uống không đáp ứng tiêu chuẩn hạng sao, cũng như phong cách, chất lượng phục vụ không đảm bảo.
- Trong suốt thời gian qua, du lịch Đà Nẵng chưa thực sự có nhiều điểm đến mới để thu hút du khách. Theo ông, TP cần có kế hoạch thế nào để phát triển các điểm đến?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Thật ra, Đà Nẵng là điểm đến rất phong phú và chúng ta không cần điểm đến mới. Điều chúng ta cần là khai thác những lợi thế của du lịch Đà Nẵng.
Trong đó có thể kể đến như du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch MICE, du lịch lễ hội, du lịch đám cưới và du lịch thể thao trên biển. Đặc biệt là du lịch thể thao trên biển, chúng ta cần phải chú trọng để có những chế tài thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này trên địa bàn.
- Như ông nói, du lịch Đà Nẵng cần có lộ trình để đón nhận lượng khách Trung Quốc đến. Vậy du lịch Đà Nẵng nói riêng và toàn ngành du lịch nói chung có kỳ vọng gì cho thời gian đến và gần nhất là du lịch dịp Tết Nguyên đán, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Tôi nghĩ tình hình du lịch Đà Nẵng trong thời điểm Tết Nguyên đán tương đối tốt. Tuy nhiên, cái mà chúng tôi cần đối với thị trường khách Trung Quốc là sự phát triển của thị trường lưu trú, đối với những dự án đang phát triển và họ chỉ chờ có những cơ hội tiềm năng phát triển du lịch Đà Nẵng để họ có thể đầu tư và phục vụ cho các nhà đầu tư.
Theo tôi, thực tế du lịch Đà Nẵng cần phải tăng trưởng gấp 2-3 lần thì mới đáp ứng được nguồn cung cao của các cơ sở lưu trú, đặc biệt các dự án mới đang chờ mở cửa. Vì vậy, thị trường Trung Quốc phải hết sức được coi trọng.
|
Đà Nẵng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch MICE ngay sau khi mở cửa du lịch trở lại |
- Một câu hỏi nữa dành cho ông, đó là nếu so với thời điểm trước dịch COVID-19 thì tệp khách hàng của du lịch Đà Nẵng đang được mở ra rất rộng, đa dạng và không chỉ phụ thuộc vào chỉ thị trường Trung Quốc như trước đây. Vậy liệu rằng có xung đột đối tượng khách hay không, khi mà thị trường khách Trung Quốc ồ ạt quay trở lại, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Chắc chắn là thị trường sẽ có xung đột, nhưng cũng sẽ dung hòa với nhau.
Khi có những thị trường khác nhau, những tệp khách hàng khác nhau… thì thị trường sẽ hình thành những cơ sở lưu trú khác nhau, những khách sạn nghỉ dưỡng khác nhau, dịch vụ lữ hành khác nhau, dịch vụ du lịch khác nhau… và họ sẽ hình thành những dịch vụ chuyên phục vụ cho đối tượng khách đấy. Điều này thị trường sẽ tự điều chỉnh.
Còn về những văn hóa ứng xử cho khách du lịch nơi công cộng thì chúng ta đã có và ứng xử của nhân viên phục vụ thì chúng ta cũng đã các bộ tiêu chuẩn. Điều cần là phải tiếp tục triển khai và và theo dõi để đảm bảo đáp ứng yêu cầu đa dạng của tệp khách hàng.
Tôi nghĩ vấn đề xung đột không phải là vấn đề lớn, mà điều chúng ta cần quan tâm là cách xử lý các tình huống như thế nào, chúng ta có những chế tài như thế nào và cái sự theo dõi từ những các cơ quan chức năng, từ các sở ban ngành phụ trách về mảng du lịch để đảm bảo phục vụ tốt nhất.
- Cảm ơn ông!