Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, diễn ra vào sáng 3/1/2022 (Ảnh: VGP) |
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết như vậy khi thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình và kết quả kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, diễn ra vào sáng nay (3/1).
Theo đó, trong năm 2022, Chính phủ đã theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước, để thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ và tài khóa, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ cũng chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm, bất cập về tín dụng, ngân hàng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025; khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền phương án tái cơ cấu Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu 1, cụm dự án khí điện Lô B - Ô Môn, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, chủ trương phá sản SBIC.
Ngoài ra, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho các dự án VEC, VIDIFI.
SCB được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).
Đến tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài SCB, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm: DongABank, CBBank, GPBank, và OceanBank./.