Trong thời gian thăm Việt Nam, ông Barack Obama có thể sẽ tuyên bố nới lỏng thậm chí dỡ bỏ toàn diện cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Nếu đây là sự thật, hành động này của Mỹ sẽ đánh dấu một sự thay đổi quan trọng về chính sách.
Trợ lý Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho hay, quan chức chính phủ đã cùng với Quốc hội thảo luận khả năng dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Đa Chiều tuyên truyền rằng "trước đó, Việt Nam luôn tìm cách thuyết phục Mỹ về vấn đề này".
Sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã chấm dứt bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đến năm 1984, chính quyền Ronald Reagan chính thức thực hiện cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Mặc dù sau đó hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và đến năm 2001 ký kết Hiệp định Thương mại song phương, nhưng Mỹ vẫn chưa nới lỏng lệnh cấm. Chính sách cấm vận vũ khí này đã tồn tại vài chục năm qua.
Cho đến những năm gần đây, quan hệ Việt-Mỹ ấm lên. Để thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, vào năm 2014, Mỹ đã nới lỏng một phần lệnh cấm - dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí hàng hải đối với Việt Nam.
Đa Chiều nói: "Nhiều năm qua, Việt Nam luôn thuyết phục Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm này. Cùng với tình Biển Đông nóng lên, giới chính trị Mỹ ngày càng đề cập đến vấn đề này".
Ben Rhodes không cho biết chi tiết lần này Mỹ cân nhắc cho phép xuất khẩu những vũ khí nào cho Việt Nam, nhưng Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain luôn thúc đẩy hủy bỏ toàn bộ lệnh cấm.
Theo tờ Defense News Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cũng đã bày tỏ ủng hộ đối với việc chấm dứt cuối cùng lệnh cấm.
Đối với Việt Nam, dỡ bỏ cấm vận sẽ thêm một thành công ngoại giao và chính trị, đồng thời cũng là một thành công về quân sự. Điều này sẽ làm cho quan hệ hai nước tiếp tục ấm lên trên nền tảng hợp tác thương mại rộng lớn.
Việt Nam luôn tìm cách nhập khẩu vũ khí để ứng phó với các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới.
Trong khi đó, 5 năm trước đó, kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam chỉ đứng thứ 43 thế giới.
Nói trên hệ thống báo chí Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng, Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ đồng thời phát đi một tín hiệu cho Việt Nam và Trung Quốc, đó là, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ hiện sẽ coi Việt Nam là đối tác, bạn hàng...
Tuy nhiên, hủy bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối mặt với khó khăn trong nội bộ Mỹ. Những ý kiến phản đối đến từ Quốc hội Mỹ chủ yếu xuất phát từ một vấn đề khác.
Hiện nay, 90% trang bị quân sự của Việt Nam nhập khẩu từ Nga. Đa Chiều dẫn nhận định mà trang này nói là từ trang Defense News của Mỹ cho rằng nếu chính quyền Barack Obama thay đổi thực tế này, sẽ là một mũi tên trúng hai đích: Một mặt, có thể kiềm chế Nga. Mặt khác, có thể tăng cường ngăn chặn vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho rằng, bất kể vấn đề cấm vận vũ khí được giải quyết như thế nào, hai bên đều dự kiến chuyến thăm lần này của ông Barack Obama sẽ thúc đẩy được các biện pháp cụ thể để nâng cấp hợp tác quân sự song phương.
Theo tiết lộ của nguồn tin tiếp cận các nhà quyết sách Mỹ, Washington đang tìm cách tăng cường cho các tàu chiến Mỹ thăm cảng của Việt Nam, thậm chí có thể bao gồm quân cảng mang tính chiến lược Cam Ranh và tổ chức diễn tập quân sự trên biển chung với nước chủ nhà.