"Xin chúc mừng đất nước Nigeria, quốc gia vừa cấm Twitter vì mạng xã hội này cấm Tổng thống nước họ. Nên có nhiều quốc gia hơn nữa cấm Twitter và Facebook , vì những mạng xã hội này ngăn chặn sự tự do và cởi mở. Mọi tiếng nói đều phải được lắng nghe", ông Trump viết trong một tuyên bố.
Trump nói rằng đáng lẽ ông đã cấm Facebook khi còn làm Tổng thống. Ảnh: Medium. |
Trước đó, Nigeria đã ra lệnh cấm vô thời hạn Twitter sau khi mạng xã hội này xóa một đoạn tweet của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari. Trump cũng đã gửi chúc mừng các nhà lãnh đạo của Nigeria vì lập trường chống lại Twitter.
Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cho biết ông đã "khoan hồng" Facebook khi còn đương nhiệm nhờ vào tài thuyết phục của Mark Zuckerberg . "Có lẽ tôi nên cấm Facebook khi còn là Tổng thống. Nhưng Zuckerberg liên tục gọi điện cho tôi và đến Nhà Trắng ăn tối để nói với tôi rằng tôi tuyệt vời như thế nào", Trump kể.
Mark Zuckerberg từ lâu được cho là có mối quan hệ mật thiết với Trump. Năm ngoái, người đứng đầu Facebook bị nghi ngờ "có thỏa thuận bí mật" với Trump để "làm ngơ" trước các bài viết mang tính kích động và bạo lực của Tổng thống Mỹ trên Facebook để đổi lấy sự "bình yên". Tuy nhiên, Zuckerberg phủ nhận .
Cuối thông cáo, ông Trump nhắc đến con số 2024 và dấu chấm hỏi. Theo The Next Web, ngụ ý của ông là sẽ quay lại tranh cử Tổng thống vào năm 2024 và sẽ ra quyết định cấm Facebook nếu tái đắc cử.
Trước đó, Facebook đã cấm tài khoản của Trump một ngày sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1 vì xác định rằng ông đã kích động bạo lực. Facebook ngày 4/6 thông báo lệnh cấm đó sẽ kéo dài ít nhất hai năm, tính từ ngày Trump bắt đầu bị cấm (hôm 7/1) và sẽ chỉ được gỡ bỏ nếu rủi ro đối với an toàn công cộng giảm xuống.
Ngoài Facebook, Trump bị Twitter chặn vĩnh viễn và vẫn bị YouTube đình chỉ sau cuộc bạo loạn. Cựu tổng thống ra mắt trang blog "Từ bàn làm việc của Donald Trump" vào tháng trước để giao tiếp với người ủng hộ nhưng đã bị đóng trong tuần này. Dù vậy, Trump vẫn cho biết đang lên kế hoạch tự lập nền tảng riêng.
Theo VnExpress