BS. Nguyễn Tiến Ngọc - Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Anh T.V.T, 21 tuổi, sống ở Thái Nguyên vào viện trong tình trạng dập nát các ngón 2,3,4,5 bàn tay trái, không thể bảo tồn.
Anh T. cho hay: “Tôi là công nhân sản xuất thiết bị điện tử. Dây chuyền sản xuất của tôi có 5 người. Khi đến công đoạn làm việc của mình, máy dập đang hoạt động đột nhiên bị lỗi, khi tôi cho tay vào lấy thiết bị sản xuất thì bị máy dập nghiền nát tay”
Mặc dù trước khi vào xưởng làm việc, xưởng đã có hướng dẫn và khuyến cáo về nhiều trường hợp tai nạn lao động do máy dập gây ra nhưng do tai nạn xảy ra đột ngột nên anh T. không kịp phản xạ và xử lý. “Được bác sĩ động viên, em chỉ mong sớm bình phục sức khỏe để có thể lao động trở lại giúp đỡ gia đình” – anh tâm sự.
Sau phẫu thuật, anh T. được các bác sĩ theo dõi, chăm sóc sức khoẻ (Ảnh - BVCC) |
Ngay sau khi nhập viện, anh T. đã được các bác sĩ thăm khám và được chuyển vào phòng phẫu thuật ngay. BS. Nguyễn Tiến Ngọc cùng ê kíp phẫu thuật đã phải cắt cụt 4 ngón tay của anh T. vì tổn thương quá nặng.
Từ trường hợp của anh T., các bác sĩ cảnh báo: Những tai nạn thương tâm do máy dập công nghiệp là lời cảnh báo về vấn đề an toàn lao động. Hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp đứt rời chi, gãy tay, chân do tai nạn lao động nhập viện.
Đáng lo ngại là trong những tai nạn thương tâm, gây nên những chấn thương nghiêm trọng, hầu hết nạn nhân là lao động chính trong gia đình, mà có người phải chịu cảnh tàn phế khi tuổi đời còn quá trẻ. Vì vậy các doanh nghiệp cần có các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người lao động khi vận hành các thiết bị này.