“Cuộc tình” say đắm với Sa Pa của hai nghệ sĩ trẻ

VietTimes – Họa sĩ Hà Hùng Dũng và Phạm Phan Hoàng Linh, mỗi người một nguyên do khác nhau nhưng đều có “cuộc tình” thú vị gắn với vùng núi cao Sa Pa.
"Mơ hoang" - Tranh Hà Hùng Dũng
"Mơ hoang" - Tranh Hà Hùng Dũng

Chiều 29/11, tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm của hai họa sĩ Hà Hùng Dũng và Phạm Phan Hoàng Linh đã khai mạc và sẽ kéo dài tới hết ngày 7/12.

Hà Hùng Dũng trăn trở “Mơ hoang” với Sa Pa

Thời gian qua, nhiều người biết tới họa sĩ Hà Hùng Dũng (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) sau sự cố phát hiện bị “đạo” hàng chục bức tranh vẽ lên tường tại Khách sạn Pao ở Sa Pa, trong lần anh mang tranh lên triển lãm tại Sa Pa. Nhưng, hóa ra đây không phải cơ hội hiếm hoi Dũng tới với Sa Pa.

Hà Hùng Dũng cho biết lần đầu “chạm mặt” Sa Pa là năm 2004, không ngờ trúng “tiếng sét”, “phải lòng” vùng núi này lúc nào không hay. Yêu Sa Pa từ đó, năm nào Dũng cũng lên Sa Pa vài lần, trong nhà Dũng bảo đang giữ hơn 100 tác phẩm về vùng đất này. Bán được bao nhiêu tranh, Dũng mang tiền mua thổ cẩm hết.

Tranh Hà Hùng Dũng
Tranh Hà Hùng Dũng trưng bày tại triển lãm "Mơ hoang"

Riêng năm 2019, Hà Hùng Dũng đi Sapa 4 lần (trong các tháng 8,9,10,11/2019). Dũng nói vui là “cứ như bị bỏ bùa”. Họa sĩ thường đi Sa Pa trong mùa hoa, mùa lúa và mùa nước đổ.

Những thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa, bà con người dân tộc mỗi năm chỉ canh tác một vụ, tầm tháng 5-6 thì đổ nước, sau đó bắt đầu canh tác.

Đến và vẽ hàng ngàn chi tiết ở Sa Pa, về rồi, ký ức của họa sĩ vẫn lưu giữ những đêm trăng vùng cao, những đường cong của thửa ruộng, khuôn mặt cô gái trẻ, bờ vai phụ nữ địu con nhỏ…

Hà Hùng Dũng mang tới 45 tranh khổ lớn, 30 tranh khổ nhỏ
Hà Hùng Dũng mang tới 45 tranh khổ lớn, 30 tranh khổ nhỏ ghép vải 

Ở triển lãm “Mơ hoang” lần này, Hà Hùng Dũng mang tới 45 tranh màu nước khổ lớn, 30 tranh ghép vải. Tất cả bộ sưu tập lần này cùng tên là “Mơ hoang”.

Chủ đề “Mơ hoang” đã được Hà Hùng Dũng triển lãm trước đó, vào năm 2008, 2012, 2017, 2018 và đầu năm 2019 tại Hà Nội. Hà Hùng Dũng có nhiều triển lãm cá nhân và cũng tham gia rất nhiều triển lãm với bạn bè trong giới mỹ thuật, với nhiều chủ đề khác nhau: “Màu của đất”, “Vũ khúc đương đại”, “Sen”, “Riêng”, “Mùa nước đổ”, “Của để giành”, “Mưa”…

Thế mạnh của Hà Hùng Dũng là màu sắc. Thế giới trong tranh Hà Hùng Dũng hiện lên rực rỡ, với rất người phụ nữ đầy mơ mộng, khắc khoải nhưng rất an nhiên, tĩnh tại.

 
 
 

Trang phục thổ cẩm của bà con người dân tộc được Hà Hùng Dũng khai thác triệt để từ đường nét, hoa văn, đến sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa con người, sự vật và nét đẹp tự nhiên của núi rừng.

Nhắc lại sự việc bị “đạo” hàng chục bức tranh ở Khách sạn Pao (Sa Pa), Hà Hùng Dũng bảo: “Nếu người yêu tranh thật đến tận nơi để xem những bức vẽ của tôi, sẽ thấy người chép chỉ có thể chép lại những thứ na ná, chứ không thể nào bắt chước được tinh thần dân tộc hòa trộn với sự tìm tòi đương đại mà tôi gửi gắm trong đó. Hoặc đơn giản nhất, là những vệt hoa văn mờ tôi tạo ra bởi hiệu ứng của muối và màu, họ cũng không bắt chước được”.

 
 
 
 
 
 

Sa Pa “Mơ” của Phạm Phan Hoàng Linh

Họa sĩ Phạm Phan Hoàng Linh mang tới 10 tác phẩm sắp đặt “Mơ” - là các thiết kế với vải truyền thống được sản xuất từ cây lanh, cây đay, nhuộm củ nâu và nhuộm chàm.

Mười tác phẩm với rất nhiều họa tiết, một số thiết kế Linh tự vẽ họa tiết từ những đường cong của ruộng bậc thang, với kỹ thuật vẽ bằng sáp ong, nhuộm chàm, thành phẩm là những mảng màu chàm đậm sắc núi rừng, trên đó họa tiết ruộng bậc thang nổi bật như hình 3D tuyệt đẹp. ột số tác phẩm Linh vẽ thiếu nữ Mông, thêu tay chân dung thiếu nữ Mông đặc tả bởi những mũi chỉ nổi như hạt gạo…

Thiết kế của Phạm Phan Hoàng Linh được làm từ vải nhuộm chàm và thêu tay truyền thống
Thiết kế của Phạm Phan Hoàng Linh với vải nhuộm chàm và thêu tay truyền thống

Phạm Phan Hoàng Linh và chồng cùng học mỹ thuật, năm 2013 tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Huế, vì mê Sapa nên tìm đến, ban đầu chỉ định lên để vẽ tranh, và họ đã dành 2 năm đầu ở Sa Pa để vẽ hàng trăm bức tranh vẽ về Sapa.

“Sống với người bản địa, tôi bị mê hoặc vì một nền văn hóa đầy màu sắc. Người H’mông tự trồng lanh dệt vải, trồng chàm nhuộm vải. Để tạo ra hoa văn họ tự làm bút vẽ rồi nấu sáp ong lên, vẽ những hoa văn mà họ yêu thích. Với người H’mông, mỗi người phụ nữ trong gia đình đều là một “nhà thiết kế” tài hoa. Họ tự tay trồng lanh, se lanh, dệt vải, thêu thùa… Họ tự thiết kế, may trang phục cho cả gia đình. Cách họ may rất hay, không cần thước, chỉ cần dùng gang tay để đo...” – Phạm Phan Hoàng Linh kể.

Phạm Phan Hoàng Linh bảo cô bị mê hoặc bởi màu chàm
Phạm Phan Hoàng Linh bảo cô bị mê hoặc bởi màu chàm 

Vừa vẽ tranh, vừa tìm hiểu về công việc làm nông, trồng đay, trồng lanh, sản xuất vải thủ công. Lo ngại nghề nhuộm chàm có thể mai một, Linh mong muốn nghiên cứu và làm nhiều hơn tác phẩm với chất liệu này, để bà con Sapa vững tin vào giá trị truyền thống.

“Bây giờ chỉ có ngày Tết, Lễ bà con người dân tộc ở Sa Pa vẫn còn tự may và mặc trang phục truyền thống. Nhưng ngày thường thì bà con mặc đồ in, đồ mua sẵn. Điều này rất đáng tiếc vì văn hóa bản địa có thể bị mai một, trong khi thổ cẩm thật thì bị thương lái Trung Quốc sang tìm kiếm thu gom, vừa mua vừa ép giá bà con” – Linh tự sự.

Phạm Phan Hoàng Linh say từng thước vải, mê từng cung bậc của màu chàm. Đến với Sa Pa, ban đầu chỉ là để vẽ tranh, nhưng cuối cùng, gia đình nhỏ của họa sĩ Phạm Phan Hoàng Linh đã ở lại với vùng núi cao này. Không chỉ vẽ tranh để ghi lại phong cảnh và cuộc sống nơi đây, cả hai vợ chồng đều miệt mài làm rất nhiều thứ khác nhau, Linh tự học kỹ thuật vẽ sáp ong, kỹ thuật nhuộm chàm để tạo nên tấm vải mình thích, sáng tạo nhiều thiết kế với vải truyền thống.

Với kỹ thuật nhuộm chồng lớp bởi củ nâu và màu chàm, những tấm vải cho màu sắc phong phú hơn
Với kỹ thuật nhuộm chồng lớp bởi củ nâu và màu chàm, những tấm vải cho màu sắc phong phú

Linh cho biết còn áp dụng thêm cả kỹ thuật nhuộm chồng lớp, nhuộm củ nâu rồi nhuộm chàm chồng lên để tạo ra những hiệu ứng màu sắc đa dạng, phong phú hơn.

Không ngại những mai một, đổi thay, những người nghệ sĩ mong muốn mang nghệ thuật của mình tới với những ứng dụng trên nền văn hóa truyền thống, gìn giữ những sắc màu bản địa đẹp tuyệt vời, làm say mê, quyến rũ lòng người.

Những thiết kế mỹ thuật độc đáo trên vải truyền thống
Những thiết kế mỹ thuật độc đáo trên vải truyền thống
 
Triển lãm sẽ kéo dài tới hết ngày 7/12 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM
Triển lãm sẽ kéo dài tới hết ngày 7/12 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM