Cuộc tập trận chung Trung – Nga lớn chưa từng có ở Ninh Hạ có gì đáng chú ý?

VietTimes – Cuộc tập trận chung chưa từng có của quân đội Trung Quốc và Nga ở Ninh Hạ đã kết thúc, nhưng vẫn khiến tất cả các bên trong khu vực nhìn nhận cuộc tập trận "khác với trước đây" này từ các góc độ khác nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa quan sát quân đội hai bên diễn tập (Ảnh: Dwnews).

Theo hãng tin Anh BBC ngày 14/8, đây là cuộc tập trận quân sự chungvới nước ngoài quy mô lớn đầu tiên do Trung Quốc tổ chức bên trong nội địa kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 và cũng là cuộc tập trận đầu tiên Trung Quốc mời quân đội Nga vào nội địa Trung Quốc tham gia.

Hôm 13/8, trước ngày cuộc tập trận kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đặc biệt bay tới Trung Quốc để thị sát cuộc tập trận và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đồng thời dự lễ ký văn bản hợp tác giữa hai quân đội. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Shoigu đến Trung Quốc nhân cuộc tập trận kể từ khi ông lên giữ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước hội đàm bên lề cuộc tập trận (Ảnh: Dwnews).

Cuộc tập trận quân sự chung Trung-Nga ở Tây Bắc Trung Quốc có tên là "Miền Tây. Liên hợp - 2021", thời gian diễn ra chính thức từ ngày 9 đến 13/8. Tuy nhiên, những bức ảnh báo chí chính thức được hai bên công bố cho thấy trên thực tế, nó đã đã diễn ra ngay từ đầu tháng 8. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho các cuộc tập trận tại chỗ, các binh sĩ Nga tham gia tập trận đã tới tập sử dụng các vũ khí của Trung Quốc trước để thích ứng trước.

Khoảng 13.000 sĩ quan, binh sĩ lục quân và không quân của Trung Quốc và Nga đã sử dụng hơn 400 vũ khí lớn và trang thiết bị kỹ thuật quân sự tham gia cuộc tập trận chung này. Trong giai đoạn bắn đạn thật hôm 14/8, có tin chỉ trong 45 phút, hai bên đã sử dụng tới 265 tấn bom, đạn các loại cho việc bắn, ném.

Lính hai bên diễn tập đổ bộ từ trực thăng (Ảnh: Dwnews).

Lần đầu tiên, Trung Quốc đã đưa vào tập trận các vũ khí chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất của Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và pháo tấn công tự hành bánh lốp Type 11; đồng thời lần đầu tiên cho phép quân đội Nga sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tiến hành tập trận.

Cả Trung Quốc và Nga đều nói cuộc tập trận nhằm thể hiện rõ hơn quyết tâm và khả năng chiến đấu chống lại các lực lượng khủng bố và cùng nhau duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Nhưng khi tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những chuyển biến sâu sắc, phức tạp và quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga thường xuyên căng thẳng, các bên đã phân tích, đánh giá ý nghĩa của cuộc tập trận quân sự này từ các góc độ khác nhau.

Quân đội hai bên diễn tập hiệp đồng tấn công đột kích (Ảnh: creaders.net).

Nâng cao trình độ chỉ huy và hợp tác công nghệ quân sự

Dưới góc độ quân sự, cuộc tập trận quân sự Trung-Nga lần này có nhiều đặc điểm khác với trước đây.

Theo các cơ quan truyền thông chính thức của cả Trung Quốc và Nga, Không quân Trung Quốc đã huy động các máy bay chiến đấu tàng hình J-20, máy bay chiến đấu J-11, máy bay chiến đấu J-16, máy bay cường kích JH-7A, máy bay ném bom H-6, máy bay vận tải Y-20 , trực thăng Mi-171 và Z-10, máy bay không người lái và các xe chiến đấu chủ lực mới khác của PLA. Quân đội Trung Quốc đã huy động các nhóm xe bọc thép tấn công khác nhau, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Type 08, pháo tự hành tấn công Type 11 và hàng trăm xe bọc thép khác. Phía Nga huy động tiêm kích đa chức năng Su-30SM tham gia, lực lượng của hai bên cũng trao đổi sử dụng vũ khí của nhau.

Truyền thông Nga cho rằng, đây là cuộc tập trận quân sự chung với nước ngoài lớn nhất mà Nga từng tham gia.

Điều khiến giới quan sát quân sự chú ý hơn cả là việc sử dụng phiên bản hệ thống thông tin chỉ huy đặc biệt của Nga-Trung trong cuộc tập trận, giải quyết rào cản ngôn ngữ giữa hai bên và cải thiện hiệu quả chỉ huy và kiểm soát. Hệ thống này có thể kết nối với các trung tâm chỉ huy của cả hai bên, kết nối các đơn vị chiến đấu khác nhau và thậm chí khi cần thiết có thể tiếp cận các thiết bị cuối của từng người lính cả hai quân đội.

Các máy bay chiến đấu J-20 thả đạn mồi bẫy (Ảnh: Dwnews).

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga cuối những năm 1960 trở nên rất xấu. Trung Quốc từ lâu đã lo lắng về sức ép của quân đội Liên Xô hùng mạnh ở phía bắc. Sau khi khôi phục quan hệ Trung-Mỹ vào những năm 1970, Trung Quốc đã phát triển để hợp lực với Mỹ để chống lại Liên Xô.

Mặc dù các cuộc tập trận chung giữa hai nước Trung-Nga đã được tổ chức nhiều lần ở các địa điểm khác nhau ở Nga, Trung Á và trên biển, nhưng lần này lần đầu tiên quân đội Nga được mời tiến sâu vào nội địa Trung Quốc và thể hiện cho quân đội Nga, thậm chí cho sử dụng các phương tiện chiến đấu chính là điều chưa từng có xưa nay.

Theo các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc và Nga, điều này phản ánh sự đoàn kết và mức độ tin cậy cao giữa hai bên.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng chứng kiến ký kết văn bane hợp tác giữa quân đội hai bên (Ảnh: BQPTQ).

Hợp tác quân sự và giả thuyết liên minh Trung - Nga

Khi quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Trung Quốc tiếp tục xấu đi, ở cả Trung Quốc và Nga đều xuất hiện ý kiến Trung Quốc và Nga nên thành lập một liên minh quân sự. Từng có chuyên gia chỉ ra rằng một khi Nga và Trung Quốc kết thành liên minh, sức mạnh quân sự chung của hai nước sẽ áp đảo Mỹ.

Vào năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ám chỉ rằng Nga và Trung Quốc có thể thành lập một liên minh quân sự, chỉ có điều thời điểm hiện nay là chưa cần thiết.

Phía Trung Quốc mặc dù tuyên bố không có liên minh quân sự với Nga nhưng các quan chức cấp cao vẫn luôn nhấn mạnh rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước Trung Quốc và Nga là "không có giới hạn phía trên và không có vùng cấm".

Trong những năm gần đây, nhiều nhà bình luận Trung Quốc cho rằng việc tăng cường hợp tác Trung-Nga là xu hướng tất yếu do áp lực từ phía Mỹ.

Hãng tin Mỹ AP cũng đề cập trong bản tin về cuộc tập trận chung Trung-Nga, cho rằng mặc dù Trung Quốc và Nga chưa chính thức thành lập liên minh, nhưng Trung Quốc và Nga đang ngày càng tăng cường phối hợp nhiều hơn trong các chính sách quân sự và đối ngoại để đối phó với điều mà họ gọi là “sự thống trị của Mỹ”.

TRong 45 phút thực binh hôm 14/8, hai bên đã sử dụng 265 tấn bom đạn cho việc bắn, ném (Ảnh: Dwnews).

Những thay đổi ở Afghanistan

Năm 2021, quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước ngày kỷ niệm Sự kiện 11/9; tuy nhiên, tại Afghanistan, Tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban vẫn không ngừng từ các vùng nông thôn mà họ chiếm đóng ban đầu đánh chiếm các thành phố, thủ phủ các tỉnh, và đã hình thành thế bao vây thủ đô Kabul.

Với tình hình ngày càng trở nên bất ổn ở Afghanistan, liệu chủ nghĩa khủng bố có quay trở lại hay không đã trở thành một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Các cơ quan truyền thông Nga đã liên hệ trực tiếp tình hình ở Afghanistan với cuộc tập trận quân sự Trung-Nga; Trung Quốc cũng đang rất chú ý đến sự phát triển của tình hình Afghanistan liền kề Tân Cương, lo ngại rằng tình hình bất ổn sẽ lan rộng qua biên giới.

Tờ Financial Times của Anh dẫn ý kiến phân tích của các chuyên gia cho biết, giới quan sát cũng đang chú ý đến cuộc tập trận quân sự Trung-Nga năm 2021 với danh nghĩa cùng nhau chống khủng bố và duy trì hòa bình và an ninh chung trong khu vực.

Có thông tin cho rằng quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, cả Bắc Kinh và Moscow đều đã liên hệ với Taliban. Thế giới bên ngoài đang chú ý theo dõi xem liệu lực lượng Trung Quốc và Nga có tiết lộ dấu hiệu hiệp đồng tác chiến và phối hợp hành động qua cuộc tập trận chung hay không.

Việc lực lượng Taliban đang liên tiếp chiếm thêm lãnh thổ ở Afghanistan đang gây nên sự quan tâm của quốc tế (Ảnh: Deutsche Welle).

Sự chú ý của Nhật Bản và Hàn Quốc

Mặc dù cuộc tập trận chung Trung-Nga 2021 là cuộc tập trận chung diễn ra trong khu vực nội địa, nhưng nó cũng đã thu hút sự chú ý của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nhà khoa học chính trị Nhật Bản Daisuke Kondo đã viết bài đăng trên truyền thông Nhật Bản cho rằng cuộc tập trận quân sự chung Trung-Nga đáng được phía Nhật Bản quan tâm.

Vào ngày 26/7/2021, Thủ tướng Nga Mishuskin đã tới thị sát đảo Iturup (được Nhật gọi là "Etorofu-tō") trong quần đảo Kuril (được Nhật gọi là "Bốn quần đảo phía Bắc"), đang tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga. Ông Mishurin phát biểu cho biết ông Putin rất coi trọng vùng Viễn Đông và Nga quan tâm đến phát triển hợp tác kinh tế, thương mại với các nước vùng Viễn Đông và sẽ thành lập một khu thương mại tự do ở quần đảo Kuril để thu hút đầu tư.

Chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức lên tiếng phản đối.

Kondo Daisuke cho rằng, Bắc Kinh và Matxcơva không ngừng tiếp cận nhau, và có thể mục tiêu tiếp theo sẽ là quần đảo Kuril.

Thủ tướng Nga Mishuskin tới thị sát đảo Iturup trong quần đảo Kurrin tranh chấp với Nhật đã khiến chính phủ Nhật lên tiếng phản đối (Ảnh: sputnik).

Ông Yasuhide Nakayama Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 6 năm nay theo lời mời của một tổ chức tư vấn của Mỹ rằng việc tăng cường hợp tác Trung - Nga đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng và Nhật Bản nên bảo vệ Đài Loan.

Tại Hàn Quốc, nước đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, một số cơ quan truyền thông cũng cho rằng một trong những mục đích chính của cuộc tập trận quân sự Trung-Nga lần này là “tập trận để cho người Mỹ xem”.