|
Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky có cuộc gặp lịch sử tại Paris trong hôm đầu tuần (Ảnh: RT) |
Cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí khá tồi tệ trong hôm đầu tuần này ở Paris, khi mà các cuộc đình công khiến cho mạng lưới xe buýt và tàu điện ngầm tê liệt. Chiều cùng ngày, ánh sáng nắng xua tan mây trở lại, như một tín hiệu tốt đẹp đánh dấu cuộc họp đầu tiên của nhóm Bộ Tứ trong suốt vài năm trở lại đây.
Cuộc họp này cũng là lần đầu tiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi chung trong một căn phòng. Cách đây khoảng 1 thập kỷ, không ai có thể nghĩ tới việc tổ chức một cuộc gặp khó khăn như vậy. Nhưng sau 6 năm kể từ sau phong trào "Maidan", sự kiện Crimea và cuộc xung đột ở Donbass, thì đây là những diễn biến cho thấy tình hình hiện tại.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, hòa bình ở miền Đông Ukraine là điều không thể đạt được. Vị cựu Tổng thống sau khoảng thời gian cầm quyền của mình liên tục đưa ra những luận điểm mang đậm chất dân tộc chủ nghĩa, khiến cho tiến trình hòa bình dậm chân tại chỗ. Ông Poroshenko còn dành phần lớn thời gian chỉ để giải quyết các vấn đề liên quan tới ngôn ngữ và tôn giáo...và cuối cùng bị giới cử tri tẩy chay trong cuộc bầu cử tháng 4 năm nay, chỉ đạt 24% phiếu bầu, so với 73% của ông Zelensky.
Nếu như ông Poroshenko vận động cử tri dựa vào nền tảng "yêu nước" - và quân sự - thì người kế nhiệm ông, ông Zelensky, lại hứa hẹn mang tới hòa bình cho miền Đông Ukraine. Chiến thắng của ông trong kỳ bầu cử tháng 4 đã cho thấy cử tri Ukraine quan tâm tới hòa bình cho miền Đông đến nhường nào. 6 tháng kể từ sau kỳ bầu cử đó, 75% người dân Ukraine ủng hộ việc ông Zelensky đàm phán với ông Putin. Đó là một con số "biết nói", bởi trong suốt 5 năm trước đó luận điệu chống Nga được chính quyền Poroshenko liên tục phát đi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky đều đang cố gắng phá vỡ thế bế tắc. Và mọi tín hiệu đều chỉ ra rằng các bên đang có động lực để đi đến một thỏa thuận.
Chướng ngại chủ yếu trong việc đạt được thỏa thuận chính là yêu sách của Ukraine trong việc giành lại quyền kiểm soát đường biên giới phía Đông và tổ chức các cuộc bầu cử tại các khu vực ly khai. Nghe có vẻ như một vấn đề dễ giải quyết, nhưng thực tế lại khác hẳn.
Ra quyết định về vấn đề này được cho là dễ dàng với Moscow, bởi hai nước "Cộng hòa Nhân dân" tự xưng Donetsk và Lugansk đều dựa vào sự hỗ trợ của Nga. Tuy nhiên, vấn đề này lại khá phức tạp với ông Zelensky. Phe đối lập mà ông đã đánh bại trong kỳ bầu cử được hậu thuẫn bởi những "người yêu nước" có quan điểm cứng rắn, những người không quan tâm nhiều tới lá phiếu bầu. Họ từng hạ bệ Tổng thống Viktor Yanukovich nhờ vào khuấy động phong trào biểu tình đường phố và hoàn toàn có thể khuấy động một phong trào Maidan khác để lật đổ ông Zelensky.
Thực tế rằng phương Tây đã khuyến khích, và chấp nhận, việc lật đổ một Tổng thống dân cử của Ukraine vào năm 2014 cũng càng khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Bởi một tiền lệ đã từng được đặt ra.
|
Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ trong cuộc gặp tại Paris (Ảnh: RT)
|
Nhưng ở thời điểm hiện tại, sự đồng thuận của phương Tây trong việc ủng hộ phong trào Maidan giờ không còn tồn tại. Tổng thống Pháp Macron giờ ưu tiên "bình thường hóa" quan hệ với Nga, bởi vậy ông khó có thể ủng hộ một cuộc nổi dậy có thể khiến ông Zelensky bị mất chức nữa. Trong khi Thủ tướng Đức Merkel cũng đang có những hoạt động cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Cùng thời điểm, Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ công khai thể hiện rằng ông không ủng hộ việc NATO mở rộng tầm ảnh hưởng như người tiền nhiệm Barack Obama. Trong khi những cá nhân quan trọng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine như Joe Bidenvaf John McCain không còn có tầm ảnh hưởng như trước: Một người không còn nắm quyền lực, người còn lại đã qua đời.
Tuy nhiên, ông Zelensky lại không tham gia cuộc họp tại Nhà Trắng với ông Trump, khiến cho sự ủng hộ của người dân Ukraine đối với ông bị suy yếu. Trước khi tới tham dự vòng họp ở Paris, sự ủng hộ từ nước Mỹ là điều rất quan trọng.
Càng khiến các vấn đề thêm phức tạp, theo góc nhìn của Kiev, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong hôm đầu tuần này đã tới Washington, nơi ông sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và có thể là cả Tổng thống Trump. Đây là diễn biến có thể khiến ông Zelensky bối rối, bởi nó có nghĩa rằng người Mỹ sẽ được Nga thông báo trước về kết quả đàm phán ở Paris - theo phiên bản của Nga.
Để dọn đường cho tương lai hòa bình, cả hai bên đều cần phải rút khỏi khu vực tiền tuyến. Dường như Nga đã đề xuất kế hoạch rút quân toàn diện, nhưng Kiev không nhất trí. Lý do có thể là lực lượng Ukraine đang dần chiếm được thêm các vùng lãnh thổ ở vùng được cho là trung lập (còn gọi là vùng xám) và giờ không muốn rút khỏi những nơi mà họ đã giành được.
Tuy nhiên, có một số bước tiến đã được, làm tăng hy vọng rằng các bên sẽ đi đúng hướng. Nhóm Bộ Tứ đã cam kết ngừng bắn và thống nhất về 3 khu vực rút quân, ngoài ra còn có một thỏa thuận hợp tác trong trao đổi tù binh. Tất cả các thỏa thuận này đều là tín hiệu tích cực, cũng như cam kết sẽ tổ chức đàm phán lần nữa trong vòng 4 tháng tới.