|
Mạng lưới vệ tinh Yaogan của Trung Quốc nhằm kiểm soát Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (Ảnh: Asia Times) |
Có lẽ ít người Mỹ nhận ra rằng sự thống trị của đất nước trong sáng tạo công nghệ cao đang bị đặt trong nghi vấn. Đây là điều mà cựu Giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt, đã đưa ra trong phiên điều trần trước Quốc hội cách đây không lâu.
Trong khi đó, tỉ phú Elon Musk từng nói rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế và siêu cường hàng đầu thế giới, phần lớn là bởi chính quyền Bắc Kinh liên tục đầu tư vốn vào lĩnh vực đổi mới công nghệ cao.
Dù là trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ không gian, Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một người chơi áp đảo trong phát triển công nghệ cao. Trong lúc xu hướng này gia tăng trong thập kỷ tiếp theo, mối đe dọa từ quân đội Trung Quốc với nước Mỹ cũng sẽ tăng lên.
Ví dụ, vào thời điểm cuối tháng 2/2021, Trung Quốc khiến các cơ quan tình báo phương Tây bất ngờ bằng vụ phóng 3 vệ tinh Yaogan-31. Theo nghị sĩ Mỹ Gary Peters – thành viên đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện – đây là vụ phóng thứ ba kể từ ngày 31/1, và là dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng để có thể bắt kịp Mỹ.
Trong khi khả năng của Trung Quốc có thể sánh bằng – thậm chí vượt qua – quân đội Mỹ, Washington sẽ sớm bị đẩy ra khỏi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và tư cách siêu cường duy nhất của thế giới cũng sẽ bị xóa bỏ.
Vệ tinh dòng Yaogan lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2006, bằng vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc sử dụng radar hình ảnh. Chỉ 1 năm sau đó, họ tiếp tục phóng thêm một vệ tinh quang học. Năm 2009, bộ ba vệ tinh trinh sát điện tử Yaogan được thêm vào mạng lưới này.
Phần lớn các chuyên gia tin rằng mạng lưới vệ tinh Yaogao tương đồng với Hệ thống Do thám Đại dương (NOSS) của hải quân Mỹ. Các vệ tinh này tiếp nhận tín hiệu radio từ mặt đất và sử dụng chúng để khoanh vùng và truy vết vị trí của các chiến hạm trên biển.
Mạng lưới Yaogan là một bước tiến cực kỳ quan trọng xét về năng lực không gian và hải quân của Trung Quốc. Yaogan sẽ cho phép Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, tăng cường đe dọa những đơn vị quân sự của Mỹ đang hoạt động gần Trung Quốc.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mạng lưới Yaogan có đủ khả năng để định vị các tài sản hải quân của Mỹ, và điều này mang ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.
Trên thực tế, Bắc Kinh cũng có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ mạng lưới Yaogan khỏi các đòn tấn công diệt vệ tinh (ASAT) của Mỹ.
Năm 2018, một vệ tinh cỡ nhỏ đồng quỹ đạo được Bắc Kinh triển khai cùng với một trong số các vệ tinh do thám thuộc mạng lưới Yaogan. Không ai biết được nhiệm vụ của vệ tinh này là gì. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, trong thời bình vệ tinh này có thể giúp sửa chữa các vệ tinh lớn hơn; và trong thời chiến, nó có thể trở thành một thứ vũ khí trên không gian.
Các vệ tinh cỡ nhỏ kiểu này có thể trở thành “vệ sĩ” cho các vệ tinh nhạy cảm khác trong mạng lưới Yaogan. Các “vệ sĩ” này có thể ngăn chặn các đòn tấn công ASAT của Mỹ nhằm vào mạng lưới Yaogan. Nhìn chung, chúng sẽ giúp đảm bảo cho mạng lưới Yaogan hoạt động ngay trong thời điểm chiến sự với Mỹ bùng phát, làm tăng mối đe dọa của Trung Quốc đối với lwucj lượng Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nhiều chiến lược gia của Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các vệ tinh trong vòng thập kỷ tới, các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ đủ khả năng để bắt Trung Quốc làm con tin bằng cách đe dọa phá hủy các mạng lưới vệ tinh của họ.
Tuy nhiên, sự hiện diện của các vệ tinh “vệ sĩ” của Trung Quốc cho thấy nước này đang tạo nên lớp bảo vệ các vệ tinh quan trọng, thứ mà các vệ tinh của Mỹ không hề có. Bởi vậy mà khả năng răn đe của Mỹ khó có tác dụng với Trung Quốc, và Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ.
Trung Quốc cần những hệ thống như Yaogan để kiềm chế quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ càng khó triển khai quân lực tới ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc với Đài Loan hay chiến đấu với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh càng có lợi thế.
Thế nhưng khả năng quân sự của Trung Quốc chỉ có tăng mạnh là do Mỹ dường như đã bỏ cuộc trong cuộc đua phát triển công nghệ.
Như chuyên gia David P Goldman từng nhận định trong cuốn “Bạn sẽ bị đồng hóa: Trung Quốc dự định đồng hóa thế giới”, trong lúc Mỹ tự mãn, Bắc Kinh đã xác định những ngành công nghiệp mang tầm quan trọng chiến lược mà họ cần phải giành được. Bằng cách nắm được những lĩnh vực công nghệ cao như máy tính lượng tử, công nghệ không gian, công nghệ sinh học hay AI, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm của thế giới.
Một khi Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp công nghệ cho cuộc cách mạng công nghiệp mới, quân đội của họ tự nhiên sẽ được tăng cường sức mạnh. Bắc Kinh cuối cùng sẽ có đủ công cụ để đe dọa Mỹ. Bằng cách đe dọa Mỹ về mặt quân sự, Bắc Kinh có thể tạo nên những sự thay đổi cơ bản về trật tự quốc tế mà bấy lâu nay vẫn có lợi cho Mỹ.
Bởi vậy, Mỹ cần soạn thảo chiến lược dài hạn trong nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trước khi Trung Quốc có bước nhảy vọt trong công nghệ trong thập kỷ tới, không chỉ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới mà có thể vượt qua Mỹ về mặt quân sự.
Theo Asia Times