Cuộc dạo chơi của bán hàng đa cấp

VietTimes -- Hôm trước, Cục Quản lý cạnh tranh đã rút giấy phép kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Trước đó, khá nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã bị xử lý, thậm chí là xử lý hình sự, vì những sai phạm trong kinh doanh đa cấp.
Ngày 25/4, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy chính thức bị rút giấy phép bán hàng đa cấp
Ngày 25/4, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy chính thức bị rút giấy phép bán hàng đa cấp

Một thông điệp về sự "tiếp tục"

Theo công bố của Cục Quản lý Cạnh tranh sáng 25/4, Cục đã tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động đa cấp với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở chính tại A6/D11-A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) trên cơ sở đơn đề nghị được tự chấm dứt hoạt động đa cấp của doanh nghiệp này.

Sự "tự giác" này xuất hiện, sau khi Bộ Công thương công bố một loạt sai phạm của Thiên Ngọc Minh Uy, và chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quy trình điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm này.

Thiên Ngọc Minh Uy cũng đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị xử phạt nhiều nhất trong năm 2016.

Sự "nhiều nhất" này được thể hiện cụ thể, theo Cục Quản lý cạnh tranh, như sau: phạt tổng cộng 215 triệu đồng với các vi phạm trong tổ chức, kinh doanh và đào tạo bán hàng đa cấp, phạt tổng cộng 75 triệu đồng vì kinh doanh đa cấp tại địa phương mà không thông báo với cơ quan quản lý.

Ngoài ra là khoảng trên 1,5 tỷ đồng do các Sở Công thương phạt đại lý, người bán hàng đa cấp thuộc "chuỗi" của Thiên Ngọc Minh Uy, vì những vi phạm trong hoạt động tại địa phương.

Phạt vỏn vẹn chưa tới 2 tỷ đồng trong một năm, trong khi doanh thu từ hoạt động đa cấp của chỉ một Thiên Ngọc Minh Uy những năm qua đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng, có thể nhận xét đây là mức phạt dù được khẳng định là nghiêm minh, nhưng lại chỉ để đùa chơi.

Điều này thì hơn ai hết, chính phản ứng của Thiên Ngọc Minh Uy đã xác nhận. Đồng thời với thông tin chấm dứt hoạt động đa cấp, trên fanpage Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã truyền đi "thông điệp" về việc doanh nghiệp này sẽ tổ chức lại và hoạt động "đủ nhiều để đẩy tiền thưởng ra nhanh hơn", và "dù thế nào đi chăng nữa thì Thiên Ngọc vẫn tồn tại và sự nghiệp của chúng ta tiếp tục" – thông điệp này nêu.

Xa hơn, vào tháng 6/2006, Sở KHĐT TP.HCM đã rút giấy phép kinh doanh án hàng đa cấp của Công ty cổ phần Sinh Lợi vì những sai phạm trong kinh doanh thương mại, lừa dối người tiêu dùng...

Nhưng cuộc dạo chơi với đa cấp của Sinh Lợi đã không dừng lại. Một pháp nhân mới được khai sinh, chính là Công TNHH Thiên Ngọc Minh Uy mới thông báo chấm dứt hoạt động đa cấp, nhưng với "thông điệp" hàm chứa khả năng tiếp tục hoạt động, như cũ.  

Thực ra, tái diễn nguy cơ xảy ra sai phạm như cũ, dưới tên gọi khác mới là thách thức lớn nhất trong quản lý đa cấp.

Giá của tự nguyện

Điều 5 Nghị định 42/2014 của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã “kê” tới 2 khoản, với 23 mục, với nội dung cấm doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đa cấp thực hiện một số hành vi có tính bắt buộc với “đối tác” trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, Nghị định 42/2014 - như mọi quy định khác - không thể ngăn nhưng người tham gia kinh doanh đa cấp thực hiện chính những điều cấm trên dưới hình thức…tự nguyện. Vì các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động đa cấp bằng tài sản hợp pháp của họ. Và do thế, họ có toàn quyền cho, tặng, mua bán tài sản ấy. Trong khi đó thì hậu quả sự "tự nguyện tham gia" này, mới là tàn khốc, và rất khó để bảo vệ.

Hãy dẫn chứng từ việc xử lý hình sự một doanh nghiệp, để có thể "nhìn" được những rủi ro chưa ngăn được trong kinh doanh đa cấp. Đó là vụ Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt).

Công ty Liên Kết Việt đã bị xử lý hình sự vì hành vi lừa đảo. Cụ thể là là đã giả mạo giấy tờ, danh nghĩa cơ quan, cá nhân, tổ chức, thu tiền đại lý mà không trả hàng... Kết luận điều tra cho biết vụ Liên Kết Việt có tới 60.000 người tham gia, với số thiệt hại lên tới 1.900 tỷ đồng.

Cho đến nay, cơ quan điều tra tiếp tục kêu gọi những "nạn nhân" của Liên Kết Việt tham gia khai báo về các hành vi lừa đảo của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, như mọi vụ án lừa đảo khác, khả năng thu hồi số tiền đã bị lừa đảo là gần như không thể, ngay ở phương diện pháp lý.

Vì thực tế, đâu có riêng Liên Kết Việt, hoạt động của phần lớn các công ty bán hàng đa cấp đều dựa trên khả năng khơi gợi lòng tham của người tham gia đối với những khoản lãi khủng, gấp vài lần vốn chỉ sau thời gian ngắn.

Cho đến nay, không có ý kiến nào từ hàng triệu người đã và đang tham gia hoạt động đa cấp “tố” bị ép buộc phải tham gia, hay tố bị lừa đảo về tỷ lệ hoa hồng được ăn chia. Nói cách khác, hàng triệu người đã từng hoặc đang tham gia hoạt động đa cấp đều tự nguyện, chứ không hề bị bắt buộc.

Đầu tháng 4/2017, Bộ Công thương cho biết, trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp đã bị kiểm tra, xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2017, số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 30 doanh nghiệp, xuống còn 37 doanh nghiệp. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, cũng giảm tương ứng, còn 637.637 người, giảm 212.363 người (25%) so với cuối năm 2015...

Tuy nhiên, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016, theo báo cáo của Bộ Công thương dựa trên báo cáo từ doanh nghiệp, đạt khoảng 7.800 tỷ đồng. Bộ cho biết doanh thu này giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương giảm khoảng 2,5%.

Như vậy, số doanh nghiệp giảm, số người tham gia giảm không tác động nhiều tới doanh thu của bán hàng đa cấp. Sự "ổn định" doanh thu này, đều đến từ sự tự nguyện của những người tham gia.

Với sự nguyện ấy, có gì hứa hẹn những vụ như Liên Kết Việt, hay gần nhất như Thiên Ngọc Minh Uy "tự chấm dứt hoạt động" sẽ không tiếp tục, để nối dài những thiệt hại nghìn tỷ mà nó gây ra?. Và nguyên tắc quản lý, do thế, bên cạnh việc giám sát hoạt động, có nên chú ý tới chuyện yêu cầu doanh nghiệp phải có nguồn ký quỹ tương ứng với sự tự nguyện của người tham gia đa cấp ?