
Theo hãng thông tấn Al Jazeera, thế giới đang trải qua một cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Mỹ và Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc chiến này, với vũ khí chính là giành quyền thống trị toàn cầu thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc chiếm ưu thế nhờ sai lầm của Mỹ
Có lẽ một trong những trận chiến gây chú ý nhất đã diễn ra cách đây mấy tháng, khi Trung Quốc tung ra ứng dụng AI có tên DeepSeek với chi phí không quá 5,6 triệu USD, về cơ bản đã giáng đòn chí mạng vào các ứng dụng AI của Mỹ có giá hàng tỷ USD như ChatGPT.
Sự kiện này đã gây chấn động toàn thế giới. Trên thực tế, nó đã trở thành một trận địa chấn công nghệ làm rung chuyển những gã khổng lồ trong ngành công nghệ thông tin nước Mỹ. Mỹ luôn cho rằng khả năng tính toán trí tuệ nhân tạo của mình là vô song và dùng cách chặn nguồn cung cấp chip kỹ thuật số tiên tiến và nhà cung cấp dịch vụ đám mây, họ sẽ có thể kiềm chế Trung Quốc và hạn chế khả năng công nghệ của nước này.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận ngược lại: Trung Quốc đang xây dựng năng lực AI nguồn mở không ngừng phát triển, trong khi Mỹ đang hướng tới các hệ thống AI khép kín được kiểm soát chặt chẽ.

Người Mỹ chỉ hiểu một phần của phương trình AI, nhưng dữ liệu cũng quan trọng không kém và điều này sẽ buộc Mỹ phải chia các quốc gia thành ba loại: Thứ nhất, 18 quốc gia đáng tin cậy, nhưng không bao gồm các đồng minh như Ba Lan, Israel và Hy Lạp; Thứ hai, các nước có độ tin cậy tương đối; Thứ ba, những quốc gia không đáng tin cậy, chẳng hạn như Iran.
Sự phân loại này đã đẩy nhiều quốc gia dựa vào các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Trung Quốc, chính điều này có khả năng giúp Trung Quốc tiếp cận dữ liệu của họ, khiến Trung Quốc tiếp tục đào tạo và phát triển năng lực AI của mình.
Trong bối cảnh này, điều quan trọng là cần phải nhận ra rằng Trung Quốc có quyền giám sát rộng rãi đối với các công ty như Alibaba Cloud và Huawei Cloud. Điều này cũng có nghĩa là dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ có thể truy cập được, mang lại cho Trung Quốc ưu thế đáng kể trong việc phát triển các mô hình AI, vì lượng dữ liệu càng lớn thì năng lực càng lớn, qua đó củng cố thêm địa vị thống trị về AI của Trung Quốc tại các thị trường mới nổi.
Mỹ đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ vững chắc chống lại Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhưng Mỹ đã làm ngược lại khi đáng lẽ phải đóng vai trò tấn công, qua đó phạm phải một sai lầm đắt giá.
Trong khi Washington đang bận rộn dựng lên những rào cản vững chắc để hạn chế khả năng tiếp cận sức mạnh điện toán của Trung Quốc - các nguồn lực điện toán được sử dụng để đào tạo và chạy các mô hình trí tuệ nhân tạo - thì Trung Quốc đã vòng tránh qua những rào cản đó và phát triển ưu thế không đối xứng về mặt chiến lược so với các đối tác của Mỹ.
Các công ty Trung Quốc đã nhận thức được rằng Trung Quốc sẽ mất thời gian để bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực AI tính năng cao, vì vậy họ đang tập trung vào việc phát triển công nghệ AI hiệu quả hơn và rẻ hơn.
Trung Quốc đang tìm cách thống trị AI nguồn mở và phát triển cơ sở hạ tầng đám mây cũng như hệ sinh thái dữ liệu toàn cầu.
Chiến lược này cho phép Trung Quốc cung cấp các dịch vụ AI rẻ hơn và không bị hạn chế, mang lại cho nước này vị thế không thể lay chuyển ở các thị trường mới nổi. Đây không chỉ là cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo mà còn là cuộc chiến giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu hiện tại và trong tương lai.

Mỹ ở thế bất lợi
Sự thiếu hiểu biết của châu Âu và Mỹ về Trung Quốc bắt nguồn từ thực tế là giới trí thức phương Tây cho rằng Trung Quốc không có khả năng đổi mới hiệu quả và vượt trội phương Tây. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường khả năng dung nạp sự đa dạng và khác biệt trong nước, qua đó giúp họ ngày càng nắm giữ vị thế dẫn đầu và độc lập trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, trở thành đối thủ cạnh tranh lớn trong các lĩnh vực robot, AI, xe điện, pin lithium...
Trung Quốc đã áp dụng chiến lược phát triển dài hạn nhờ vào thị trường khổng lồ có thể thu hút bất kỳ sản phẩm nào, qua đó đảm bảo sự phát triển và tính liên tục của sản phẩm cũng như tiến hành xuất khẩu với giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không áp dụng bất kỳ hạn chế nào đối với sản phẩm của mình.
Tham vọng của Trung Quốc là phá vỡ sự bá quyền của Mỹ và cuối cùng là lật đổ Mỹ ra khỏi ngai vàng kinh tế quốc tế và dần dần phát triển ảnh hưởng trên toàn thế giới khi vắng mặt phương Tây, như tình hình ở châu Phi.
Sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc giống như sự khác biệt giữa rùa và thỏ - Mỹ có công nghệ tiên tiến và những sáng tạo độc đáo, nhưng quá trình chuyển đổi công nghệ của nước này chậm như rùa, trong khi Trung Quốc đang nhảy vào thị trường nhanh như thỏ thông qua nhiều ứng dụng khác nhau.
Điều này cũng giúp Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ tương lai và định hình cách quản lý ngành này, đặc biệt là khi xét đến thị trường khổng lồ ở các nước khối BRICS đang khát công nghệ cũng như ở Nam Bán cầu. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về sự cạnh tranh về địa chính trị lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ.
Dự tính Trung Quốc sẽ kiểm soát 30% sản lượng công nghiệp toàn cầu và họ cũng nhận ra rằng robot và AI sẽ có thể bù đắp chi phí lao động ngày càng tăng của nước này, trong bối cảnh mật độ dân số của Trung Quốc đang giảm, khiến Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, có chi phí lao động thấp nhất.
Dự án Stargate (The Stargate Project, một liên doanh AI đa quốc gia của Mỹ được thành lập bởi OpenAI, SoftBank, Oracle và công ty đầu tư MGX) trị giá 500 tỷ USD của ông Trump nhằm mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng việc Mỹ thiếu năng lực sản xuất đang là một trở ngại đáng kể, đặc biệt là khi Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ năng lực sản xuất của mình, chẳng hạn như các lò phản ứng hạt nhân và năng lượng tái tạo, trong khi Trump lại tập trung vào nhiên liệu hóa thạch.
Các nghiên cứu cho rằng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo ngày càng phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để hỗ trợ các chính sách khai thác và phát triển năng lực của Trung Quốc.
Một ưu thế độc đáo của các nước phương Tây nằm ở quan hệ đối tác nghiên cứu xuyên biên giới, có thể mang lại lợi ích chung cho họ. Nhưng với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, các đồng minh của Mỹ — bao gồm các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada — sẽ buộc phải tìm kiếm một con đường độc lập để đảm bảo họ có được khả năng cạnh tranh liên tục và khả năng thích ứng với sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Và đây chính là cuộc chiến tranh lạnh trong không gian số.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bế tắc, kinh tế hai bên đều bị ảnh hưởng

Sự thống trị của Trung Quốc về các khoáng sản quan trọng đe dọa chuỗi cung ứng quân sự của Mỹ

Thỏa thuận với Ukraine khó thay thế Trung Quốc: Mỹ vẫn "khát" đất hiếm
Theo Al Jazeera