Hải quân Trung Quốc đã mở rộng đáng kể phạm vi các tàu ngầm trong vùng biển đang tranh chấp, đe dọa các tàu chiến của Mỹ, Souch China Morning Post (SCMP – Hong Kong) dẫn lời các chuyên gia nhận xét.
Khi cả thế giới tập trung vào cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc quanh việc quân sự hóa Biển Đông, một cuộc chiến âm thầm giành ưu thế giữa hai quốc gia này cũng đang nóng dần lên. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Ash Carter đã phát biểu tại New York hồi tháng 4/2016 rằng Mỹ sẽ giành hơn 8 tỉ USD vào năm sau để bảo đảm rằng nước này sở hữu vũ khí dưới mặt nước và lực lượng chống ngầm tối tân và chết chóc nhất thế giới. Ngân sách này tăng khoảng 14%, bao gồm cả chi tiêu dành cho việc phát triển máy bay dưới biển.
Hai tháng trước, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã phàn nàn với các nhà làm luật tại Washington rằng: “Tôi không có những chiếc tàu ngầm mà tôi cần” để chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 70 chiếc tàu ngầm, cũng gần bằng Mỹ, trong đó có 16 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo như báo cáo hàng năm của Lầu năm góc trước Quốc hội về sự phát triển của quân đội và an ninh Trung Quốc. 15 chiếc tàu ngầm phi hạt nhân có khả năng tàng hình, được trang bị với động cơ đẩy yếm khí (AIP) cho phép chúng lặn trong thời gian lâu hơn.
Hải quân Mỹ vận hành 75 chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2014, với khoảng 15 chiếc được thiết kế tối tân hơn, lớp Virginia hay Seawolf. tuy nhiên nước này chỉ triển khai 4 chiếc tàu ngầm tấn công Los Angeles ở châu Á- Thái Bình Dương, hoạt động ở bên ngoài căn cứ hải quân tại Guam.
Các nguồn tin thận cận với quân đội Trung Quốc cho hay, hạm đội tàu ngầm của hải quân Trung Quốc thậm chí còn sớm có thể có vị thế cao hơn với chỉ huy tàu ngầm kỳ cựu, đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu quân đội Trung Quốc, trong số các ứng cử viên kế nhiệm đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh lực lượng hải quân Trung Quốc vào đại hội đảng cộng sản Trung Quốc năm sau.
Tôn Kiến Quốc, 64 tuổi, là thuyền trưởng của tàu ngầm đầu tiên vận hành bằng năng lượng hạt nhân của quân đội Trung Quốc, tàu Trường Chinh III hồi năm 1985, khi chiếc tàu ngầm mới đi vào vận hành đã lập kỷ lục thế giới nhờ đã lặn trong 90 ngày liền, vượt kỷ lục 84 ngày của tàu ngầm Mỹ.
Năm nay và cũng là lần cuối cùng, ông Tôn Kiến Quốc còn là người đối thoại với bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter tại hội nghị Shangri-La, Singapore, một diễn đàn an ninh khu vực hiện bị chi phối bởi vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Những năm trước đây, hạm đội Thái Bình Dương Mỹ thường chế nhạo tàu ngầm Trung Quốc quá ồn ào và quá dễ bị phát hiện, nhưng điều đó đã thay đổi khi những chiếc tàu ngầm này đã bám đuôi thành công các tàu sân bay của Mỹ ở Biển Đông những năm gần đây. Vào năm 2006, một chiếc tàu ngầm của hải quân Trung Quốc lớp Tống Type 039 chạy diesel -điện đã nổi lên trên mặt nước trong vòng 5 dặm (khoảng 9km) tính từ tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ khi chiếc tàu sân bay này đang trong cuộc diễn tập trên Biển Đông với Đài Loan và Nhật Bản.
Vào tháng 10 năm ngoái, các sĩ quan trên tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ đã sốc khi phát hiện ra tàu ngầm tấn công của hải quân Trung Quốc đã tiến rất sát vùng biển Nhật Bản, theo tờ Washington Free Beacon dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ.
Ít ngày sau vụ chạm trán nói trên với quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc đã điều tàu khu trục USS Lassen đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo đá Subi, một trong 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa. Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích nhau vì làm căng thẳng leo thang và quân sự hóa các vùng biển đang tranh chấp bởi Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Mỹ cũng tiến hành các cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Philippines trên Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đã bồi lấp khoảng 13 km2 ở quần đảo Trường Sa chỉ trong vòng 2 năm, bao gồm việc xây dựng các đường băng dài đến 3km dọc theo 3 đảo nhân tạo. Điều này đã khiến Mỹ thêm quan ngại về quyền tiếp cận Biển Đông.
Vùng biển diện tích 3,5 triệu km2 là một trong những tuyến đường giao thương tấp nập nhất trên thế giới. Trung Quốc đã ngang ngược đòi chủ quyền gần 2 triệu km2 và để bảo vệ phần lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh đã xây dựng căn cứ tàu ngầm Du Lâm lớn nhất châu Á ở bờ nam đảo Hải Nam, gần Tam Á. Căn cứ này hỗ trợ các thiết bị tàu ngầm dưới mặt đất với đường ống tiếp cận, che chắn cho tàu ngầm Trung Quốc khỏi các con mắt vệ tinh do thám của Mỹ khi thâm nhập vào Biển Đông.
Có một bí mật mở rằng Mỹ đã phái tàu ngầm và máy bay do thám tới hoạt động ở Biển Đông từ đầu năm 2000, khi Washington nhận ra Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng căn cứ tàu ngầm. Cuộc va chạm giữa một máy bay của quân đội Trung Quốc với một chiếc máy bay do thám Mỹ EP-3 ở ngoài khơi bờ biển Hải Nam vào tháng 4/2001 đã làm chết một phi công Trung Quốc. Và đó được coi là sự cố nghiêm trọng nhất cho đến nay trong các cuộc chạy đua tác chiến chống tàu ngầm giữa hai nước.
(còn tiếp)