Cuộc chiến chống IS: Vai trò của Iran trong chiến dịch Tikrit

Theo thông tin mới nhất trên mặt trận chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các lực lượng tổng hợp của Iraq đang thắng thế và tiến sát thành phố Tikrit – quê hương ông Saddam Hussein – với mục tiêu giành lại thành phố này từ tay IS.
Khói lửa trên mặt trận Tikrit.
Khói lửa trên mặt trận Tikrit.

Điểm đặc biệt của chiến dịch này là có sự phối hợp chặt chẽ của các thành phần Sunni và Shiite do Iran hậu thuẫn, đồng thời vắng bóng máy bay ném bom của Mỹ và đồng minh.

Hiện tại, quân đội Iraq và các nhóm Sunni và Shiite ủng hộ quân chính phủ đã tiến sát ngoại ô Tikrit. Truyền hình địa phương cho thấy các lực lượng Chính phủ Iraq đã tiến vào làng Abu Ajeel, phía đông Tikrit.

Ahmed al-Karim, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Salahuddin, nơi có thành phố Tikrit, nói rằng, ngoài Abu Ajeel, các nhóm vũ trang hợp tác với quân đội Chính phủ Iraq cũng đang chiếm giữ khu vực Dawr, phía nam Tikrit. Truyền hình địa phương cho thấy cảnh các đường phố hoang vắng, nhà cửa ám khói và hư hại nặng. Trên đường phố đầy rẫy những chiếc ôtô gài bẫy chông và chất nổ.

Chiến dịch tái chiếm Tikrit đã được Chính phủ Iraq tuyên bố mở màn vào ngày 1/3 vừa qua. Chiến dịch này được xem là màn tổng dượt của các lực lượng quân đội Iraq nhằm củng cố lực lượng chuẩn bị cho chiến dịch thu hồi thành phố Mosul, thành phố lớn thứ nhì Iraq.

Mục tiêu trước mắt của chiến dịch Tikrit là nhằm ngăn chặn IS áp sát thành phố Samarra, thánh địa của người Shiite nằm về phía nam Tikrit. Khoảng 30.000 quân tham gia chiến dịch này gồm quân đội Chính phủ Iraq và các nhóm vũ trang Shiite chiếm đa số và Sunni thiểu số. Các nhóm Shiite là lực lượng đi đầu trong chiến dịch, được trang bị vũ trang tốt, do Chính phủ Iraq kiểm soát với sự hỗ trợ từ Iran.

Sự hỗ trợ trực tiếp này đã giúp các lực lượng Shiite nắm thế chủ động hoàn toàn trên mặt trận. Tại Abu Ajeel, lực lượng Shiite Asaid Ahl al-Haq là lực lượng mạnh nhất, hầu như chiếm lĩnh toàn bộ mặt trận, lấn át các lực lượng khác, kể cả quân đội chính phủ; còn tại Dawr là lực lượng Kitaeb Hezbollah.

Trong khi đó, dư luận chú ý nhất là sự vắng bóng các chiến đấu cơ ném bom hạng nặng của Mỹ. Người phát ngôn Lầu Năm Góc - Đại tá Steve Warren giải thích cho sự vắng mặt này là bởi vì “người Iraq không có yêu cầu hỗ trợ”, dù đây là lực lượng chủ lực trong cuộc chiến chống IS suốt từ tháng 8-2014 đến nay. Thiếu vắng không quân hỗ trợ buộc Iraq phải phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng bộ binh trên mặt đất.

Về quan điểm của người Mỹ thì việc Iraq tiến hành chiến dịch giải phóng thành phố Tikrit trong tình hình như thế là một cuộc thử nghiệm mạo hiểm, một sự thử thách hết sức căng thẳng, đặt quân đội Iraq vào trạng thái chiến đấu cao độ.

Tuy nhiên, điều người Mỹ quan tâm nhất chính là vai trò nổi bật của Iran. Phát biểu trên báo chí ngày 3/3, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc Iran hỗ trợ Iraq nhằm đánh bật IS ra khỏi thành phố Tikrit là “một điều tích cực nếu việc đó không gây nên sự chia rẽ giáo phái”, ngầm ý cho rằng Iran có thể lợi dụng cuộc chiến với IS để trả thù giáo phái nhắm vào người Sunni.

Iran có ảnh hưởng tại Iraq từ khá lâu, nhưng chưa bao giờ mức độ ảnh hưởng đó được thể hiện rõ rệt như trong thời gian một năm qua, khi quân đội Iraq không thể chống cự nổi lực lượng IS tung hoành khắp miền Bắc đất nước.

Iran đã có phản hồi khá nhanh trước các yêu cầu trợ giúp của Iraq và đã chuyển sang Iraq các loại vũ khí chiến đấu và lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã cử sang Iraq hơn chục cố vấn quân sự cao cấp do tướng Ghasem Soleimani, Chỉ huy Lực lượng Quds thuộc IRGC, làm chỉ huy. Mỹ muốn các sĩ quan quân đội Iraq phải thấy việc vừa kêu gọi sự hỗ trợ trực tiếp của Iran trên mặt đất song song với yêu cầu ném bom hỗ trợ sẽ đặt ra một thách thức vô cùng lớn, gấp đôi bình thường, hết sức nhạy cảm.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã vấp phải một trở ngại lớn trong nỗ lực hỗ trợ Chính phủ Iraq. Chính phủ Iraq và Mỹ đã đồng ý với nhau rằng, các cuộc không kích đã phần nào gây khó khăn cho IS, buộc tổ chức này phải co vòi ở một số nơi, đồng thời muốn tiến quân cũng khó khăn.

Nhưng các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Mỹ và các nước liên quân, kể cả Iran và các nước khác trong khu vực đều cho rằng chỉ có không kích là chưa đủ. Hầu hết các trận đánh thành công trên đất Iraq đều do sự nỗ lực tổng hợp, trong đó các lực lượng Iraq và người Kurd phối hợp cùng các nhóm Shiite chiến đấu trên mặt đất với sự hỗ trợ của không quân Mỹ và đồng minh.

Chiến dịch tổng hợp tại làng Amirli ở phía nam Baghdad hồi năm ngoái là một ví dụ điển hình cho hình thức phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng, nhờ đó đã giúp bảo vệ thủ đô Baghdad khỏi rơi vào tay IS. Tiếp đến, lực lượng Shiite, với sự phối hợp hỗ trợ của không quân liên quân đã lấy lại được thị trấn Jurf al-Sukhr, ngoại ô Baghdad, vào tháng 10-2014. Điều đáng chú ý là, tướng Soleimani của Iran, người đang tham gia chỉ huy chiến dịch Tikrit, lại đóng vai trò chủ chốt trong cả 2 chiến dịch thành công nói trên.

Như vậy là đã rõ một điều, sự phối hợp giữa cố vấn Iran trên mặt đất với Không quân Mỹ và liên quân ném bom hỗ trợ là 2 yếu tố chắc chắn cho thành công của một chiến dịch chống IS. Sở dĩ người Iraq không kêu gọi sự hỗ trợ của Không quân Mỹ trong Chiến dịch Tikrit là vì ngại “một thách thức vô cùng lớn, gấp đôi bình thường”, trong đó phải kể đến sự phức tạp về chính trị trong bối cảnh giữa Mỹ và Iran cũng đang trong tiến trình cuộc đàm phán hạt nhân ở giai đoạn nước rút hết sức gay cấn. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra chuyện lớn.

Theo: An ninh Thế giới