|
Giá vàng chênh lệch càng lớn với thế giới, doanh nghiệp càng được hưởng lợi. |
Cùng với quá trình siết chặt hoạt động kinh doanh vàng để quản lý chất lượng, thị phần kinh doanh lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ, DOJI, AJC, Phú Quý Gold, Bảo tín Minh Châu. Thực tế, đối với các nhà buôn vàng, giá vàng càng biến động, doanh thu và lợi nhuận của họ càng lớn. Trong khi các đại gia vàng miếng thu rất lớn nhưng lãi thấp thì các doanh nghiệp vàng nữ trang đã vượt lên.
Từ những cửa hàng đầu tiên năm 1992, đến nay Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã trở thành một ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đặc biệt là vàng trang sức. Năm 2009-2011 là giai đoạn giá vàng Việt Nam duy trì ở mức cao, đạt đỉnh năm 2011 với 47,5 triệu đồng một lượng. Chính vì vậy doanh thu của đại gia này tăng trưởng mạnh, năm 2011 vượt 18.000 tỷ đồng. Thời điểm này, do mở rộng đầu tư nên lợi nhuận của PNJ duy trì ở mức trên 250 tỷ đồng. Sau khi đạt đỉnh năm 2011, giá vàng bắt đầu lao dốc, doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng suy giảm.
Sang năm 2016, kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, giá vàng thế giới tăng cao và dự báo sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại. Giá vàng trong nước cũng đầy biến động, chênh lệch lớn với thế giới. Đây là cơ hội để các nhà buôn vàng có thể kiếm lời nhiều hơn. Cùng với việc đẩy mạnh kinh doanh vàng nữ trang, lợi nhuận sau thuế của PNJ nửa đầu năm 2016 tăng 116% đạt mức 304 tỷ đồng.
Thành lập năm 2010, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là đại gia vàng bạc số một tại Việt Nam. Hiện công ty kinh doanh vàng miếng, trang sức, đá quý. Nhiều năm qua, kinh doanh của SJC luôn phụ thuộc vào biến động của giá vàng. Năm 2015, giá vàng không có nhiều biến động nên doanh thu công ty chỉ ở mức 18.036 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng chỉ 66 tỷ.
Năm 2011, giá vàng biến động dữ dội, người dân đổ xô xếp hàng đi mua vàng đã đẩy doanh thu của đại gia này lên tới 111.000 tỷ đồng (tương ứng 5,3 tỷ USD thời điểm đó), lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 269 tỷ. Sản lượng bán ra đạt 20 triệu tấn vàng.
Sau khi đạt đỉnh, giá vàng năm 2012 có dấu hiệu lao dốc, doanh thu SJC giảm xuống chỉ còn 72.000 tỷ đồng và đến năm 2013 là gần 28.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 295 và 191 tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu chỉ còn hơn 16.000 tỷ đồng.
SJC có doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận ở mức thấp do công ty chủ yếu kinh doanh vàng miếng. Lợi nhuận của mảng kinh doanh này khá khiêm tốn so với vàng nữ trang. Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu gần 19.200 tỷ đồng, lợi nhuận 99 tỷ. Theo giới tài chính, giá vàng nửa cuối 2016 được dự báo có nhiều biến động nên doanh thu và lợi nhuận của SJC nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch.
Một đại gia vàng tư nhân khác là Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cũng có doanh thu tăng mạnh năm 2011 với 30.000 tỷ đồng và tăng nhẹ trong những năm tiếp theo. Năm 2015, doanh thu tăng lên 40.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận không được DOJI tiết lộ.
Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam (AJC) cũng là một ông lớn xâm nhập lĩnh vực này. Ngay từ năm 2008, công ty đã có doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng với lãi gộp 116 tỷ. Thị trường cạnh tranh khốc liệt với sự vươn lên của các doanh nghiệp tư nhân, khiến doanh thu của AJC lao dốc mạnh. Năm 2014 giảm xuống chỉ còn 1.700 tỷ đồng, lãi trên 1,7 tỷ.
Như vậy, có một quy luật chung là khi giá vàng càng biến động, độ chênh lệch càng lớn với giá vàng thế giới, các doanh nghiệp trong nước sẽ lãi lớn. Tính đến 9/7, giá bán vàng SJC khoảng 37,6 triệu đồng, tăng hơn 4,3 triệu đồng so với đầu năm, trong khi mức giá của thế giới là 1.367 USD.
Trong những năm gần đây, đại gia vàng trong nước đã đẩy mạnh kinh doanh vàng nữ trang vì lãi lớn hơn. Tuy vậy, kinh doanh vàng nữ trang lại quay vòng vốn lâu, đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn trong khi vàng miếng thu hồi vốn nhanh, ít rủi ro nhưng lãi thấp. Hiện PNJ đang nắm 25% thị phần vàng trang sức.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành này còn chạy đua mở rộng hệ thống cửa hàng, chiếm lĩnh thị phần. Vị trí mở các cửa hàng vàng bạc, trang sức tập trung tại các trung tâm thương mại, mặt tiền đường của nhiều con phố lớn. Tính đến năm 2015, PNJ có 204 cửa hàng tại 45 tỉnh thành, DOJI là 32, SJC có 41 cửa hàng và Bảo Tín Minh Châu là 94.
Theo VNE