Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang từ lâu được biết đến là điểm cực bắc Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế, tọa độ cực bắc được xem là chính xác còn cách cột cờ Lũng Cú vài km nữa.
Ở cực nam, Cà Mau, mốc GPS001 cùng biểu tượng con tàu Đất Mũi cũng chưa phải là tọa độ chuẩn. Điểm tương đối chính xác phải là bờ biển ở phía nam thuộc Khu du lịch Khai Long.
Hai điểm cực này chưa phải tọa độ chính xác nhưng vẫn trong cùng một tỉnh. Còn cực đông gây tranh cãi này lại nằm ở hai tỉnh gần nhau, Mũi Điện thuộc Phú Yên và Mũi Đôi thuộc Khánh Hòa.
Hiện nay, gần hải đăng Mũi Điện (hải đăng Đại Lãnh), người ta có xây dựng một tấm bảng bằng đá hoa cương ghi dòng chữ “Điểm cực đông – Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Một điểm đông khác lại được cộng đồng du lịch bụi xác định tọa độ thông qua GPS, đánh dấu bằng một cái chóp inox trên tảng đá khá cao ở Mũi Đôi.
Đường ra chinh phục Mũi Đôi phải trải qua nhiều loại địa hình. Từ đèo Cổ Mã, sau khi chạy vào bán đảo Hòn Gốm là bắt đầu đường bờ biển đầy nắng nóng. Nếu bị lạc đường, bạn có thể phải vượt cả những đồi cát cao mà nhiều người vẫn hay gọi là sa mạc.
Niềm vui sướng của những người chinh phục thành công cực đông, được chạm tay vào chóp Mũi Đôi, vinh hạnh được đón những tia nắng chiếu xuống đầu tiên trên đất liền. Ảnh: Trần Đình Huy
Sau khi vượt 3 tiếng đồng hồ trong rừng cây với tán lá hình vòm, leo lên những con dốc cao rồi lại hạ xuống, bạn sẽ đến bãi Rạng. Từ đây, du khách phải nhảy ghềnh trên những tảng đá rất to để đến được Mũi Đôi, nơi đất liền có kinh độ xa nhất. Hành trình này khá vất vả, lấy đi rất nhiều mồ hôi và sức lực của những người chinh phục nó.
Bản thân người viết cũng phải mất hai lần mới chinh phục thành công Mũi Đôi. Ngày đó, chưa có một sợi dây nào được buộc vào vách đá, rất khó khăn trong việc leo lên và chạm vào chóp inox Mũi Đôi. Trải qua bao vất vả, chóp Mũi Đôi rất gần tưởng chừng sắp chạm tay vào được nhưng thực tế lại không thể trèo lên nổi, đành phải đứng phía dưới nhìn lên đầy khao khát và luyến tiếc.
Đối với Mũi Điện dưới chân ngọn hải đăng Đại Lãnh ở Khánh Hòa, đường đi rất dễ với những bậc bê tông men theo sườn núi dẫn lên. Hướng về phía đông, bạn có thể nhìn thấy tấm bảng Mũi Điện.
Để so sánh tọa độ của Mũi Điện và Mũi Đôi, ta có thể chụp lại bản đồ Google Map, sau đó kẻ một đường thẳng từ trên xuống. Mắt thường có thể nhận thấy tọa độ của Mũi Đôi xa hơn tọa độ của Mũi Điện. Ảnh: chụp Google Map
Không có tài liệu, văn bản chính thức nào ghi tọa độ cực đông. Tuy nhiên, sách giáo khoa Địa lý lớp 12 – Tái bản lần thứ 3 năm 2011 của Nhà xuất bản giáo dục có ghi "Cực đông tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa".
Chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" phát trên VTV3 ngày 25/08/2013 có một câu hỏi 20 điểm, phần Về đích là "Bốn cực đông, tây, nam, bắc của nước ta lần lượt nằm ở các tỉnh nào?".
Thí sinh đã trả lời lần lượt là các tỉnh "Khánh Hòa, Điện Biên, Cà Mau, Hà Giang" và được công nhận đáp án đúng. Điều thú vị là câu hỏi này thiếu cụm từ "đất liền", có thể làm nhiều người nghĩ cực đông nằm ở phía quần đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài ra, website của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa giới thiệu về vị trí địa lý còn khẳng định về ranh giới tỉnh Khánh Hòa rằng: "Phía đông giáp biển Đông, điểm cực đông: 109 độ 27’55'' kinh độ đông; tại mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, cũng chính là điểm cực đông trên đất liền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Như vậy, về lý thuyết, điểm cực đông trên đất liền thuộc địa phận Mũi Đôi tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho rằng, trục của trái đất (tính từ Nam cực sang Bắc cực) không song song với trục của mặt trời mà nghiêng một góc 23,5 độ.
Vì vậy, mật độ ánh sáng của một điểm bất kỳ trên trái đất sẽ thay đổi theo chu kỳ một năm. Khi đó, Mũi Điện ở độ cao 85m so với mực nước biển sẽ đón bình minh trước Mũi Đôi và còn bị che khuất bởi Hòn Đôi (Hòn Đầu) ở phía trước nữa. Dù Mũi Đôi hay Mũi Điện là cực đông, đây vẫn luôn là điểm đến khao khát của mọi phượt thủ.
Theo Vnexpress