Cục diện tỷ giá

Chính sách quản lý, điều hành tỷ giá nhằm làm người ta “chán” đô la liệu đi xa được tới đâu?
Chính sách quản lý, điều hành tỷ giá bắt đầu được nhắc đến như một sự lặp lại ở mức độ nhất định của chính sách vàng, tức là có định hướng làm “chán” đô la Mỹ.Ảnh: TUỆ DOANH

Thị trường vàng giờ đây không còn nằm trong tâm điểm quan sát của nhiều người. Giá vàng vẫn được chú ý, hỏi han, nhưng chủ yếu để biết, để nắm thông tin, không phải nhằm mục đích đầu tư, mua đi bán lại kiếm lời. Kênh đầu tư vàng dường như đang chìm dần vào quên lãng.

Vàng đã khiến người ta “chán”. Đúng hơn chính sách điều hành, quản lý thị trường vàng hướng tới đích làm các chủ thể “chán” vàng đã đi được phần lớn chặng đường. Chính sách quản lý, điều hành tỷ giá bắt đầu được nhắc đến như một sự lặp lại ở mức độ nhất định của chính sách vàng, tức là có định hướng làm “chán” đô la Mỹ. Chính sách “chán” đô la sẽ đi xa tới đâu? Hãy thử đặt vàng và đô la lên bàn cân để cùng xem xét.

Vàng xuống, đô lên

Ngày cuối cùng của năm ngoái, 31-12-2015, giá bán đô la Mỹ chuyển khoản được các ngân hàng niêm yết ở mức 22.510-22.530 đồng/đô la, lùi xa một chút so với mức kịch trần do sự can thiệp bán ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong suốt cả quí 4-2015 không có hiện tượng tỷ giá mua/bán của các ngân hàng thương mại bằng nhau và đều kịch trần. Cơ quan quản lý theo dõi diễn biến tỷ giá rất sát và ngay khi có dấu hiệu hơi căng thẳng, các biện pháp cả “dầm dứ” và thực thi thật được “tung” ra.

Một năm trước đó, ngày 31-12-2014, tỷ giá niêm yết bán ra của Vietcombank được ấn định ở 21.405 đồng/đô la Mỹ. Ngày 31-12-2013 là 21.135 đồng/đô la. Ngày 31-12-2012 là 20.855 đồng/đô la. Ngày 31-12-2011 là 21.036 đồng/đô la.

Trong ba năm từ đầu 2013 đến hết 2015, tỷ giá hối đoái tăng 1.655 đồng/đô la hay tiền đồng trượt 1.655 đồng so với đô la Mỹ, tương đương mất giá 7,94%. Nếu tính trong khoảng thời gian bốn năm 2011-2015 tiền đồng mất giá 1.454 đồng/đô la Mỹ, tương đương 6,9%. Nên nhớ trong cả hai mức mất giá trên, sự mất giá trong 365 ngày từ 31-12-2014 đến 31-12-2015 cao nhất, tức 1.110 đồng/đô la Mỹ, tương đương 5,2%. Như vậy cho đến cuối năm 2014, tỷ giá rất ổn định, một thời kỳ bình yên tương đối dài. Sự bình yên lẽ ra đã có thể kéo dài hơn nếu không có sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng 8-2015 - đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu nhiều nhất cả ở tiểu ngạch lẫn chính ngạch.

Giá trị của vàng trên thị trường thế giới đang suy yếu, còn giá trị của đô la Mỹ đang ngày một tăng lên. Không thể áp dụng cùng một chính sách điều hành cho hai chỉ báo đang ngược chiều nhau, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào quốc tế và khu vực.

Có lúc yên, lúc động, tuy nhiên tính từ thời điểm nào thì tiền đồng hiện nay vẫn mất giá so với đô la Mỹ, hoặc 5,2% hoặc 6,9% hoặc 7,94%. Trong khi ấy, biến động của giá vàng không giống biến động tỷ giá.
Giá niêm yết bán ra vàng bốn số chín loại một lượng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quí Sài Gòn ngày 31-12-2015 là 32,9 triệu đồng; ngày 31-12-2014 là 35,15 triệu đồng; ngày 31-12-2013 là 34,78 triệu đồng; ngày 31-12-2012 là 46,32 triệu đồng và ngày 31-12-2011 là 41,8 triệu đồng.

Tính ra từ cuối năm 2012 đến hết năm 2015 giá vàng SJC giảm 13,42 triệu đồng/lượng, tức giảm 29%. Cùng thời gian đó, giá vàng thế giới giảm từ 1.700 đô la Mỹ/ounce về 1.061 đô la Mỹ/ounce tức giảm 37,6%. Giá vàng trong nước giảm ít hơn giá quốc tế, song vẫn là giảm.

Thuận chiều và trái chiều

Ở đây có những thuận chiều và trái chiều. Giá vàng trong nước thuận chiều với giá vàng thế giới. Sau khi đạt đỉnh 1.900 đô la Mỹ/ounce vào tháng 9-2011, giá vàng quốc tế bắt đầu thời kỳ thoái trào. Sự suy yếu của giá vàng bên ngoài Việt Nam sẽ chưa dừng lại do đô la Mỹ đang mạnh lên và quan trọng hơn vàng cũng chỉ là một thứ kim loại quý hiếm, một thứ hàng hóa như các loại hàng hóa năng lượng, nông sản, khoáng sản khác. Các loại hàng hóa nguyên liệu đã có một chu kỳ tăng trưởng huy hoàng 10-12 năm, rất có thể chu kỳ suy thoái sẽ kéo dài cũng chừng ấy.

Việt Nam không phải là nước sản xuất, xuất khẩu vàng nên giá vàng trong nước dù muốn hay không, bắt buộc phải đi theo giá quốc tế. Yếu tố khách quan giá vàng quốc tế suy yếu là nguyên nhân căn bản “đóng đinh” sự thành công ở mức độ nhất định của chính sách làm người ta “chán” vàng. Khi vị thế của vàng như một phương tiện thanh toán, tích trữ mất đi, không ai dại gì mua vàng cả. Còn ở vị thế một kênh đầu tư, người ta sẽ chỉ giải ngân vào vàng khi thứ hàng hóa này trở lại chu kỳ tăng trưởng, dự đoán còn cả thập kỷ nữa.

Sự trái chiều là trong suốt thời gian từ năm 2012 đến tháng 8-2015 đồng đô la Mỹ liên tục mất giá so với các ngoại tệ mạnh, nhưng tiền đồng không hề lên giá so với đô la Mỹ. Đã có lúc 1 euro bằng 1,46 đô la Mỹ; 1 đô la Canada bằng 1,12 đô la Mỹ; 1 đô la Mỹ bằng 90-100 yen... song tiền đồng không “nhảy nhót” với cường độ như vậy. Kết luận rút ra là gì? Đô la Mỹ ở Việt Nam về tổng thể chưa bao giờ mất giá so với tiền đồng, ngay cả trong những thời điểm nó yếu ớt với các đồng tiền khác trên thế giới.

Đây là sự khác nhau cơ bản giữa vàng và ngoại tệ mà chính sách quản lý hai thị trường này không thể đánh đồng. Sự khác nhau cơ bản thứ hai là giá trị của vàng trên thị trường thế giới đang trong giai đoạn suy yếu, còn giá trị của đô la Mỹ đang ngày một tăng lên. Không thể áp dụng cùng một chính sách điều hành cho hai chỉ báo đang ngược chiều nhau, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào quốc tế và khu vực.

Toan tính can thiệp

Sự điều chỉnh tới 5,2% trong năm 2015 theo hướng tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ, theo nhà điều hành, là đã đủ rộng có tính đến hai yếu tố đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với đô la Mỹ và việc FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) nâng lãi suất. Tuy nhiên tâm lý thị trường vẫn kỳ vọng một sự điều chỉnh linh hoạt hơn cho tỷ giá của năm 2016 do trong ba năm 2012-2013-2014 tỷ giá đã rất ổn định.

Năm tháng qua, NHNN đã xử lý kỳ vọng này bằng một giải pháp thị trường mạnh: bán ngoại tệ can thiệp. Trước đây NHNN thường bán ngoại tệ cho các ngân hàng âm trạng thái ngoại hối và các ngân hàng cung ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp có nhu cầu. Nay một số nhà nhập khẩu có nhu cầu ngoại tệ lớn như xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất, máy móc thiết bị... được NHNN cung ứng trực tiếp mà không qua ngân hàng thương mại. Do đó rất khó để tính toán chính xác số ngoại tệ mà nhà điều hành đã bán ra thị trường. Tập hợp dữ liệu từ các ngân hàng và một số doanh nghiệp, một cách chưa đầy đủ, chúng tôi tạm ước tính số ngoại tệ mà NHNN đã bán ra từ tháng 11-2015 đến nay khoảng 3 tỉ đô la Mỹ và cả năm ngoái mức bán ra ước chừng 9,5-9,6 tỉ đô la Mỹ. Xin nhấn mạnh đây là con số ước tính.

Vấn đề đặt ra là tới đây và suốt cả năm 2016 liệu NHNN có tiếp tục can thiệp bán ra ngoại tệ với cường độ mạnh như vậy? Nếu vẫn tiếp tục, thì quỹ dự trữ ngoại hối sẽ ở mức như thế nào? Nguồn nào bổ sung cho quỹ? Trước mắt biện pháp hành chính như đưa lãi suất tiết kiệm ngoại tệ của cả dân cư và doanh nghiệp về 0%/năm và có thể sẽ áp dụng hình thức gửi ngoại tệ trả phí và gửi bằng ngoại tệ, rút ra bằng tiền đồng theo tỷ giá quy đổi của NHNN, chưa đem lại hiệu ứng là sự dịch chuyển tiết kiệm từ ngoại tệ sang tiền đồng. Tiền đồng đang được tăng sức đề kháng một cách dồn dập và có phần hơi quá mức cần thiết so với trọng lượng cơ thể đang còn rất trẻ của nó. Sự thừa năng lượng có thể gây hiệu ứng ngược!

Theo TBKTSG