CTCP Cầu 12 rơi vào cảnh khốn khó, cán bộ, nhân viên bị nợ lương, nợ bảo hiểm

VietTimes -- Ngày 31/7/2019 khi CTCP Cầu 12 công bố thông tin bất thường về việc thay đổi lãnh đạo cấp cao, thì ngày 1/8/2019 hàng trăm lao động của công ty đã căng băng rôn đòi lương, đòi BHXH tại trụ sở công ty.
Ảnh minh họa (Nguồn: C12)
Ảnh minh họa (Nguồn: C12)

Người lao động đòi lương, đòi bảo hiểm

Vào sáng 1/8/2019, hàng trăm lao động của CTCP Cầu 12 (Mã CK: C12) tiến hành căng băng rôn đòi lương, đòi BHXH và yêu cầu đối thoại với người sử dụng lao động. Ngay chiều cùng ngày, C12 đã tổ chức đối thoại với người lao động.

Ông Trần Văn Quyết, người đại diện cho người lao động, cho biết số lượng cán bộ nhân viên bị công ty nợ lương, nợ BHXH với số tiền rất lớn và kéo dài trong nhiều năm dẫn đến cuộc sống của họ rất khó khăn.

Do không chốt được BHXH nên những người đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác, thai sản, ốm đau, tai nạn lao động đều không thực hiện được quyền lợi của mình. Trong đó, nhiều lao động có thâm niên công tác lâu năm trên 30 năm đủ tuổi để về hưu nhưng cũng không thể chốt sổ BHXH.

Theo đó, ông Lê Xuân Lộc – Chủ tịch HĐQT C12 - xác nhận có nợ lương và nợ BHXH như người lao động phản ánh. Trong khi đó, ông Cao Văn Mạnh - Giám đốc C12 - cho biết, trong thời điểm hiện tại đơn vị chưa đủ khả năng để trả toàn bộ tiền lương và bảo BHXH cho người lao động. Nếu có, công ty chỉ trả được 1 tháng lương và chốt sổ BHXH cho những người nghỉ hưu, người chấm dứt hợp đồng lao động.

Kết thúc buổi đối thoại mà không có tiếng nói chung, cả hai bên thống nhất đối thoại lần 2 vào ngày 6/8/2019.

Cán bộ nhân viên công ty CTCP Cầu 12 căng băng rôn đòi lương
Cán bộ nhân viên công ty CTCP Cầu 12 căng băng rôn đòi lương 

Tại buổi đối thoại lần thứ hai, ông Trần Văn Quyết đưa ra yêu cầu như sau: phương án 1, từ nay đến ngày 31/8/2019 yêu cầu công ty đóng BHXH đến 31/12/2017 cho người lao động và trả lương đến hết tháng 1/2019. Từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 9/2019 yêu cầu công ty đóng BHXH đến 30/6/2019 cho toàn thể người lao động công ty và trả lương đến hết tháng 6/2019.

Phương án 2, đến 30/09/2019 công ty phải trả BHXH đến 31/12/2018 và trả lương đến hết tháng 3/2019 cho người lao động và đến 30/10/2019 công ty trả BHXH đến 30/6/2019 và trả lương đến hết 6/2019.

Ông Quyết cho biết rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của công ty hiện nay do đó đã tính toán việc trả hợp lý, có thời gian để chuẩn bị, không hề gây sức ép với lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại lần thứ 2, cả 2 bên vẫn không tìm được ra tiếng nói chung.

Tình cảnh khó khăn của C12

Trong 4 năm vừa qua, C12 đã 4 lần thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất. Gần đây, ngày 13/6/2019, HĐQT C12 đã bổ nhiệm ông Lê Xuân Lộc đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Tới ngày 31/7/2019, HĐQT C12 tiếp tục thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Cao Văn Mạnh giữ chức Giám đốc thay thế cho ông Đào Trọng Nam. Trước đó, ngày 17/7/2019 công ty cũng công bố chủ tài khoản và người được ủy quyền làm chủ tài khoản của công ty mở tại các ngân hàng, kho bạc và tổ chức tín dụng.

Mặc dù các văn bản công bố thông tin đều ghi rõ việc gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), song, theo ghi nhận của VietTimes, tính đến ngày 8/8/2019, các nội dung thông tin trên mới chỉ được công bố trên website của C12 (tại địa chỉ: congtycpcau12.vn).

Các thông tin thay đổi lãnh đạo của C12 đã được công bố trên website từ lâu nhưng chưa được HNX cập nhật (Ảnh: VT)
Các thông tin thay đổi lãnh đạo của C12 đã được công bố trên website từ lâu nhưng chưa được HNX cập nhật (Ảnh: VT)

Theo chia sẻ của cựu Giám đốc C12 - ông Đào Trọng Nam - những khó khăn của công ty bắt đầu kể từ khi xuất hiện nhóm nhà đầu tư mới đã mua 51% vốn nhà nước đang nắm giữ tại công ty mẹ là Tổng công ty giao thông 1 (Cienco1) từ năm 2015.

Cũng từ đó, tình hình sản xuất đình trệ, nhân sự cấp cao liên tục thay đổi, mỗi năm thay đổi lãnh đạo nhiều lần, tình trạng nợ lương, nợ BHXH diễn ra kéo dài năm này qua năm khác.

Nếu năm 2016 số tiền nợ BHXH là 15 tỷ đồng thì đến tháng 6/2019 đã là 24,3 tỷ đồng. Tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, năm 2018 số liệu thanh toán công trình chỉ còn là 330 tỷ đồng, trong khi những năm trước đó đều trên 1.000 tỷ đồng. Còn theo báo cáo thường niên của C12, trong năm 2018, số lượng công nhân của công ty đã giảm từ 700 người xuống còn hơn 400 người.

Cũng theo ông Nam, hiện tại nhiều tài sản là tư liệu sản xuất (ngay cả thiết bị quan trọng như máy đúc) của công ty đã được bán gần hết. Doanh thu nhiều năm đều giảm mạnh. Thị giá cổ phiếu C12 trên thị trường cũng giảm xuống chỉ còn dưới 5.000 đồng/cổ phiếu./.