COVID-19: Vì sao New York đang trở thành “Vũ Hán phiên bản Mỹ”?

VietTimes -- Nước Mỹ hiện có tổng cộng 85.653 ca được xác nhận mắc bệnh viêm phổi do virus Corona mới (COVID-19), trong đó 39.125 ở bang New York, chiếm hơn 40% cả nước, vượt xa các bang khác. Gần 60% trường hợp trong tiểu bang đến từ thành phố New York đông dân. Các chuyên gia cho rằng ngoài mật độ dân số ở các khu vực đô thị, sự bùng phát của dịch bệnh ở New York cũng bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác.
Đường phố New York vốn nhộn nhịp nay vắng vẻ do thực thi lệnh phong tỏa (Ảnh: AP).
Đường phố New York vốn nhộn nhịp nay vắng vẻ do thực thi lệnh phong tỏa (Ảnh: AP).

Mật độ dân số cao, môi trường sống chật chội

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, với hơn 8 triệu người, New York là thành phố lớn nhất nước Mỹ. Ở một mức độ nào đó, số lượng các ca bệnh được ghi nhận tại thành phố New York chỉ đơn giản phản ánh quy mô của thành phố. Nhưng đồng thời, thành phố New York có mật độ trung bình hơn 27.000 người trên mỗi dặm vuông, mật độ cao gấp đôi so với Chicago và Philadelphia, thậm chí gấp hơn ba lần so với Los Angeles.

Người dân New York đi tàu điện ngầm hàng ngày, di chuyển trên đường đến các quán bar và nhà hàng tiêu khiển, tất cả đều có cơ hội nhiễm virus. Việc hầu hết dân chúng sống trong các tòa nhà chung cư quá đông đúc và di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Ga trung tâm New York vốn rất đông hành khách, hôm 25/3 rất vắng (Ảnh AP).
Ga trung tâm New York vốn rất đông hành khách, hôm 25/3 rất vắng (Ảnh AP).

Số ca quá nhiều, chính quyền kêu trời

Mỹ được cho là đứng sau về số lượng xét nghiệm virus, nhưng New York đã đẩy mạnh số lượng ca xét nghiệm. Với sự cho phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, từ ngày 13/3, tiểu bang New York đã cho phép 28 phòng thí nghiệm công và tư nhân tiến hành xét nghiệm. Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết hơn 100.000 người ở New York đã được thử nghiệm, chiếm một phần tư tổng số của toàn liên bang.

Thống đốc Cuomo được khen ngợi về việc tham dự các cuộc họp báo hàng ngày, nhưng có chuyên gia đã chỉ trích ông và Thị trưởng New York Bill de Blasio vì phản ứng chậm chạp của họ đối với dịch bệnh thời kỳ đầu. Trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên xảy ra ở bang New York vào ngày 2/3 và số trường hợp được ghi nhận vào ngày 11/3 đã tăng lên thành 216. Tuy nhiên, cả Cuomo và Bill de Blasio chỉ cấm các cuộc tụ tập quy mô lớn từ 500 người trở lên vào ngày 12 và đến ngày 18/3 mới đóng cửa các trường học. Lúc đó đã có 2.300 trường hợp được ghi nhận.

Số bệnh nhân quá nhiều, các bác sĩ phải căng mình làm việc. Một bác sĩ trong khu cách ly (Ảnh: AP).
Số bệnh nhân quá nhiều, các bác sĩ phải căng mình làm việc. Một bác sĩ trong khu cách ly (Ảnh: AP).

Thành phố du lịch nổi tiếng, du khách tham quan quá đông

“Thành phố không ngủ” New York thu hút một lượng rất lớn khách du lịch và cũng là thành phố du lịch nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ông Cuomo cho biết du khách từ vùng dịch đã mang virus đến New York. Sau đó, mặc dù Washington đã ban hành lệnh cấm du lịch, nhưng ông Arthur Caplan, người phụ trách khoa Y đức tại Học viện Y khoa thuộc Đại học New York cho rằng đã quá muộn, lượng du khách quá lớn cũng khiến dịch bệnh sớm đổ bộ vào New York.

Là một thành phố du lịch được yêu thích nhất nước Mỹ nên lượng du khách tới New York rất đông. TRong ảnh: các hành khách đeo khẩu trang chờ làm thủ tục rời đi ở sân bay Kennedy hôm 24/3. (Ảnh: AP).
Là một thành phố du lịch được yêu thích nhất nước Mỹ nên lượng du khách tới New York rất đông. TRong ảnh: các hành khách đeo khẩu trang chờ làm thủ tục rời đi ở sân bay Kennedy hôm 24/3. (Ảnh: AP).

Thiếu trang thiết bị y tế nghiêm trọng 

Số trường hợp được xác nhận mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia có số người bị bệnh nhiều nhất trên toàn thế giới. Ở nhiều nơi, tình trạng thiếu nguồn vật tư y tế nghiêm trọng. Trong số đó, một số bệnh viện ở thành phố New York - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đã bắt đầu thử nghiệm dùng chung một máy trợ thở cho hai bệnh nhân. Thị trưởng Bill de Blasio ngày 25/3 cảnh báo một nửa dân số New York có thể bị nhiễm bệnh.

Đối với những bệnh nhân nặng, máy thở là “công cụ cứu sinh” cuối cùng. Thống đốc New York Andrew Cuomo trước đó tuyên bố toàn tiểu bang có 3.000 đến 4.000 máy thở và đã đặt mua hơn 7.000 chiếc. Tuy nhiên, ông ước tính  tới thời kỳ đỉnh dịch, tiểu bang sẽ cần khoảng 40.000 máy thở.

Bác sĩ Craig Smith, Chủ nhiệm Trung tâm Y tế Đại học Columbia New York/Hội bệnh viện người già Manhattan, đã nói nhóm gây mê và khoa điều trị tích cực đã ngày đêm thử nghiệm sử dụng chung máy thở; đến ngày 25/3 đã thành công trong việc cho hai bệnh nhân dùng chung một máy thở.

New York đang cần số lượng rất lớn máy thở. Hôm 24/3, có thêm 400 chiếc đã được vận chuyển đến kho của thành phố (Ảnh: AP).
New York đang cần số lượng rất lớn máy thở. Hôm 24/3, có thêm 400 chiếc đã được vận chuyển đến kho của thành phố (Ảnh: AP).

Thống đốc Cuomo cho biết chính phủ đang cố gắng tìm kiếm các thiết bị trên thị trường và cho rằng việc dùng chung máy thở có cơ hội trở thành “cứu tinh”. Ông chỉ ra rằng mặc dù cách tiếp cận này không tối ưu, nhưng được cho là khả thi.

Tuy nhiên, các tổ chức y tế như Hiệp hội Y học Chăm sóc bệnh nặng (Society of Critical Care Medicine) đã ra một bản tuyên bố chung vào ngày 26/3, phản đối việc dùng chung máy thở, cho rằng khó có thể điều chỉnh máy thở ngay cả khi chỉ một bệnh nhân sử dụng và hậu quả của việc dùng chung máy có thể tồi tệ hơn. Họ khuyến cáo các bác sĩ nên chỉ định một chiếc máy thở cho những bệnh nhân có nhiều khả năng sống sót hơn.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, sáng 27/3 đã có 85.505 ca bệnh được ghi nhận và 1.288 trường hợp tử vong ở Mỹ. Số trường hợp bị bệnh được ghi nhận tại thành phố New York là 23.112 và số ca tử vong là 365. Còn theo trang tin Coronavirus chuyên theo dõi, cập nhật về dịch bệnh COVID-19 trên thế giới thì đến 16h30 chiều 27/3 (giờ Hà Nội), Mỹ đã có 85.604 người bị bệnh, đã tử vong 1.301 người.