|
Người dân Hong Kong tích trữ giấy vệ sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: Bloomberg) |
Làn sóng đổ xô đi mua hàng tích trữ xuất phát từ tâm lý lo ngại dịch COVID-19 đã diễn ra ở rất nhiều nước trên thế giới.
Từ Singapore cho đến Mỹ, các kệ hàng trong các siêu thị sạch bong. Các siêu thị ở Anh ra quyết định hạn chế mua đối với từng sản phẩm. Ở Hong Kong, một người đàn ông dùng dao để cướp 600 cuộn giấy vệ sinh. Ở Australia, nhiều vụ ẩu đả trong siêu thị chỉ để tranh cướp hàng hóa, khiến cảnh sát phải sử dụng súng điện để khống chế một người. Chính quyền Pháp phải quốc hữu hóa tất cả các loại khẩu trang sau khi người dân đổ xô mua mặt hàng này.
Các nhà tâm lý học coi kiểm soát như một nhu cầu căn bản của con người. COVID-19, một dịch bệnh có khả năng lây lan nhanh và gây tử vong, đã đe dọa tới cảm giác kiểm soát đó theo những cách căn bản nhất. Trừ khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách phục hồi được cảm giác kiểm soát của người dân, tình trạng tích trữ hàng như trên sẽ tiếp diễn.
"Con người không được chuẩn bị về mặt tâm lý để tiếp nhận chuyện này" - Andrew Stephen, chuyên gia về marketing thuộc trường kinh tế Said thuộc ĐH Oxford, nhận định - "Bởi vậy tình trạng hiện nay càng khiến nhiều người có cảm giác bất an, bởi vậy họ làm mọi thứ mà họ cảm thấy cần thiết để lấy lại cảm giác kiểm soát".
|
Một người phụ nữ đi dọc những kệ hàng trống không trong một siêu thị ở Hong Kong (Ảnh: SCMP)
|
Và tình trạng tranh nhau mua hàng thực sự gây tổn thất.
Tổng Y sĩ Mỹ (US Surgeon General) đã phải kêu gọi người dân Mỹ ngừng mua khẩu trang để đảm bảo các nhân viên y tế có đủ mặt hàng này, trong khi Nhật Bản tuyên bố sẽ áp dụng nhiều hình phạt đối với hành vi bán lại khẩu trang. eBay cấm đăng bán các sản phẩm y tế sau khi giá các loại nước rửa tay tăng từ 10 USD/chai lên 400 USD/chai.
Và viễn cảnh phải ở trong nhà nhiều ngày khiến nhiều người đi tích trữ nhiều hàng hóa khác nhau. Sữa yến mạch trở thành món hàng "hot" ở các nước phương Tây nhờ có hạn sử dụng lâu hơn các sản phẩm sữa thông thường, các bộ sản phẩm sinh tồn cũng đắt hàng hơn, các sản phẩm đồ ăn vặt như Twinkie cũng tăng mạnh doanh số bán.
Là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới bị dịch lan sang vào thời điểm cuối tháng 1, Hong Kong là một trường hợp cho thấy tình trạng tích trữ hàng có thể nghiêm trọng đến mức nào.
Khi Rona Lai, nhân viên tài chính 23 tuổi, lần đầu tiên được sếp yêu cầu làm việc ở nhà, cô đã chạy ngay tới siêu thị để mua lượng thực phẩm đủ dùng trong 1 tuần lễ. Và khi có thông tin về việc Trung Quốc đại lục phong tỏa thành phố, các kệ hàng siêu thị trống trơn, Lai lập tức đi tích trữ hàng nhiều nhất có thể.
Sau đó lại có tin đồn rằng nguồn cung giấy vệ sinh ở Hong Kong có thể bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc đại lục, nguồn cung hàng hóa chính của thành phố này. Đó là lúc Lai nhận ra rằng giấy vệ sinh đang bị quét sạch khỏi kệ hàng, và cô cũng tham gia vào "cơn sốt" mua giấy vệ sinh.
"Ngay cả những người đang đứng xếp hàng trong siêu thị để mua giấy vệ sinh cũng không hiểu lý do tại sao mà họ đang làm như vậy" - Andy Yap, Giáo sư chuyên nghiên cứu về hành vi có tổ chức thuộc trường kinh tế INSEAD của Singapore, nói - "Họ nhìn thấy người khác làm vậy nên làm theo, bởi họ lo sẽ bị thua thiệt".
|
Tranh thủ mua giấy vệ sinh mọi lúc ở Hong Kong (Ảnh: SCMP)
|
Theo ông Yap, để ngăn chặn tình trạng tích trữ hàng, cần phải đảm bảo rằng có đủ hàng cho mọi người, nhưng điều quan trọng là khiến người ta tin rằng tình hình đang trong tầm kiểm soát.
Và không có nước nào thực hiện tốt công việc đó như Singapore, tính đến thời điểm này.
Mặc dù ban đầu tình trạng tích trữ hàng cũng khiến các siêu thị ở Singapore bị quét sạch, nhưng tình hình ổn định trở lại sau khi Thủ tướng Lý Hiển Long tung ra một đoạn thông điệp hình ảnh trong đó nêu rõ các bước mà người dân có thể áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Ông cũng đảm bảo với họ rằng có đủ nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu và nói rằng dịch bệnh có vẻ không nghiêm trọng như dịch SARS trước kia.
Và sau khi đoạn thông điệp được công bố, các biện pháp kiểm soát tăng cường được áp dụng.
"Thông tin này giúp người dân có lại cảm giác kiểm soát" - ông Yap nói - "Và giờ chúng ta đã biết là sự truyền nhiễm không lan rộng đến như vậy, người dân bắt đầu đi ra ngoài".
|
Người dân xếp hàng mua khẩu trang và dung dịch rửa tay tại cửa hàng thuốc nhà nước ở Bangkok, Thái Lan (Ảnh: EPA)
|
Nhưng một số nước khác lại không đưa ra được thông điệp hiệu quả như vậy. Giới chức Trung Quốc chậm trễ trong việc báo cáo về dịch bệnh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đột ngột chuyển hướng tiếp cận cứng rắn, tuyên bố đóng cửa các trường học, khiến các bậc phụ huynh phẫn nộ.
Thứ trưởng Y tế của Iran thì xuất hiện trên kênh truyền hình để trấn an người dân về tình hình dịch COVID-19, trong khi bản thân ông thể hiện rõ những dấu hiệu bị nhiễm bệnh.
Giới chuyên gia xã hội học đánh giá các nước dựa trên đặc tính người dân mỗi nước, mức độ tin tưởng của họ đối với người khác và với chính phủ của họ tới đâu - Amy Dalton, Giáo sư chuyên ngành marketing tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong, người nghiên cứu về hành vi tiêu dùng, nói.
Theo vị chuyên gia, những xã hội nơi mà người ta có lòng tin đối với người khác và chính phủ của họ, như ở Singapore, thường được trang bị tốt hơn để đối phó với những thứ như dịch bệnh.