|
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Minh Thúy |
+ Trên truyền thông những ngày qua, có đưa tin virus Corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp có thể lây truyền qua đường ống nước, khiến dư luận rất quan tâm. Là chuyên gia về bệnh phổi, ông có thể cho biết ý kiến về việc này?
- Thực tế những ngày qua, một số thông tin về việc virus Corona mới có thể lây truyền qua đường ống nước, ống khói của tòa nhà,… lan truyền trên mạng đã khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Tuy nhiên, chủng virus Corona mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp chỉ có thể lây truyền qua nguồn nước khi việc kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện không tốt, không tuân thủ theo quy định. Do đó, người dân không nên quá lo lắng vì nguồn cấp nước ở nước ta là một chiều, nên việc phát tán virus không thể xảy ra.
Tôi cho rằng, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh thông tin COVID-19 có thể lây lan qua đường ống nước. Virus Corona mới chủ yếu lây truyền từ người sang người qua đường giọt bắn trực tiếp trong vòng 2m. Để phòng bệnh, những người mắc và nghi mắc bệnh phải được kiểm soát nhiễm khuẩn đặc biệt.
Ngoài ra, virus có thể lây truyền qua đường trực tiếp tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, nút bấm thang máy,… đặc biệt, không lây truyền qua không khí.
+ Bệnh viện Phổi Trung ương đã có biện pháp gì để chủ động phòng dịch COVID-19 thưa ông?
- Là một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về phổi, tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân nặng, có bệnh phổi từ trước khi mắc COVID-19, Bệnh viện Phổi Trung ương đã chủ động đưa ra hướng dẫn thực hành lâm sàng dựa theo hướng dẫn khung của Bộ Y tế.
Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, sẵn sàng phòng dịch, Bệnh viện đã chuẩn bị 40 giường bệnh, đầu tư các trang thiết bị như máy thở, máy hút,… Cùng với đó, Bệnh viện đã xây dựng phòng labo với máy REALTIME-PRC, KIT test tự động đến từ Hàn Quốc để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Bệnh viện hoàn toàn chủ động phòng dịch, đồng thời, hỗ trợ cho xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc ứng phó với dịch bệnh thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự cách ly tại nhà; hỗ trợ xe cứu thương, xe chụp X-quang di động để chẩn đoán bệnh, trang bị hệ thống khử khuẩn bằng tia cực tím.
+ Ông có thể cho biết phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 kèm viêm phổi nặng tại Bệnh viện Phổi Trung ương có gì đặc biệt?
- Với bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thể nhẹ, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế nhằm tăng cường sức miễn dịch, đề kháng để cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại dịch bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể nặng, có bệnh nền như: viêm phổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi, ung thư phổi,… Bệnh viện đã có hướng dẫn thực hành lâm sàng cụ thể - điều trị song song bệnh nền của bệnh nhân với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (COVID-19) để tránh tình trạng suy hô hấp. Có thể phải sử dụng kháng sinh điều trị mạnh ngay từ đầu, Corticoid, hỗ trợ thở oxy,…
+ Nguy cơ người nghi nhiễm COVID-19 lây bệnh cho những người xung quanh là như thế nào thưa ông?
- Hiện, chúng ta chưa biết nguy cơ lây nhiễm COVID-19 lớn như thế nào. Tuy nhiên, những người xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, khó thở,…có nguy cơ lây truyền virus cao.
Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định COVID-19 có thời gian ủ bệnh là 14 ngày, một số trường hợp có thời gian ủ bệnh lâu, đã âm tính nhưng khi xét nghiệm lại cho ra kết quả dương tính với virus chỉ là những trường hợp riêng lẻ.
Vì thế, người dân phải tự phòng vệ cho mình, đồng thời, bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh, tiếp nhận thông tin có chọn lọc, không nên quá hoang mang, lo lắng.
+ Cảm ơn ông!