|
Việc cách ly xã hội gây ảnh hưởng phức tạp tới sức khỏe và tâm lý con người (Ảnh: Guardian) |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng triệu người trên thế giới bắt đầu phải làm quen với việc phải cách ly khỏi xã hội.
Ngoài những bất tiện khi phải làm việc tại nhà, hoặc hông thể đến những điểm vui chơi như quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim v.v…các nhà chuyên gia còn chỉ ra rằng việc cách ly khỏi xã hội còn gây ra những hiệu ứng phức tạp đối với sức khỏe và tâm lý của con người.
Theo giới chuyên gia, việc cách ly kéo dài còn có thể gây rủi ro chết sớm. Hiện tượng này được gọi là “suy thoái xã hội” (social recession), nói về những ảnh hưởng về mặt xã hội do suy thoái kinh tế gây nên trong bối cảnh đại dịch, và nó có thể gây ảnh hưởng phức tạp tới sức khỏe và tâm lý của con người.
“Những người có tính kết nối xã hội cao thì ít bị tình trạng viêm nhiễm hơn, ngược lại, những người có xu hướng tự cô lập và cô đơn thì thường bị viêm nhiễm mãn tính. Viêm nhiễm mãn tính gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính khác” – Julianne Holt-Lunstad, Giáo sư chuyên ngành tâm lý học và khoa học thần kinh tại ĐH Brigham Young, Mỹ, cho hay.
“Chúng tôi còn có bằng chứng cho thấy hiện tượng trên có liên hệ với các chứng bệnh tim mạch như huyết áp, tim đập nhanh, sản sinh ra hormone gây căng thẳng. Thậm chí nó còn gây ra già hóa tế bào” – vị chuyên gia nói thêm.
Hiện nay ở Mỹ, các quán bar và nhà hàng được chỉ thị đóng cửa ở ít nhất 11 bang, trong đó có bang California, Illinois và New York, trong khi hơn 30 bang đã đóng cửa trường học.
Trong hôm đầu tuần này, người dân ở 6 Hạt khu vực phía Bắc bang California đã được chỉ thị ở trong nhà, đây là một trong những biện pháp khắt khe nhất mà chính quyền Mỹ ban bố.
Trong khi đó, Pháp cũng đã thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc, trong đó chỉ cho phép người dân đi tới các siêu thị, hiệu thuốc và nơi làm việc – và làm việc tại nhà là lựa chọn hàng đầu – trong khi ở Đức, chính quyền Berlin đã ra chỉ thị đóng cửa những nơi hoạt động tôn giáo, khu vui chơi và các cửa hiệu không đóng vai trò thiết yếu.
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang thực hiện nhiều biện pháp tránh tiếp xúc xã hội, bà Holt-Lunstad đã công bố một bản nghiên cứu cho thấy cách ly xã hội trong khoảng thời gian dài có thể gây nhiều ảnh hưởng tới con người. Để thực hiện nghiên cứu, bà đã phân tích dữ liệu trên toàn cầu về những trường hợp người bị cách ly xã hội hoặc đang sống cô đơn.
“Mõi trường hợp được nghiên cứu đều cho thấy rủi ro chết sớm” – bà Holt-Lunstad cho hay – “Sự cô đơn làm tăng rủi ro chết sớm đến 26%, trong khi cách ly xã hội tăng rủi ro tử vong sớm 29%, và sống một mình làm tăng nguy cơ này tới 32%”.
|
Theo nghiên cứu mới, sự cô đơn làm tăng tỷ lệ chết sớm tới 26% (Ảnh: NewAtlas)
|
Nữ chuyên gia cũng cho hay, mọi nguyên nhân dẫn tới chết sớm – bao gồm bệnh tim, ung thư, đột quỵ, suy thận – đều tăng nếu như một người bị cách ly xã hội.
Tuy nhiên, chỉ bị cách ly trong khoảng thời gian vài tuần lễ sẽ không dẫn tới rủi ro bị viêm nhiễm hay bị mắc các chứng bệnh về tim mạch, thay vào đó, người ta sẽ chịu ảnh hưởng về sức khỏe, theo bà Holt-Lunstad.
“Chúng tôi có bằng chứng cho thấy khoảng thời gian cách ly ngắn không thể gây nên ảnh hưởng tức thì về sức khỏe con người. Nhưng, ví dụ, nếu huyết áp của bạn tăng cao đột ngột, nó sẽ gây ra một loại ảnh hưởng khác nếu bạn bị huyết áp cao mãn tính” – nữ chuyên gia cho hay.
“Đối với những người có tiền sử bệnh tật, sự tăng đột ngột huyết áp có thể gây ra một dạng bệnh cấp tính. Nhưng đối với phần lớn chúng ta, những người không có tiền sử bệnh, có thể không phải chịu ảnh hưởng về lâu dài nào cả” – bà Holt-Lunstad cho hay.
Theo vị chuyên gia, một trong những lý do mà người ta chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc cách ly xã hội là bởi các mối quan hệ cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giảm stress (căng thẳng).
“Ví dụ: Khi bạn không chắc về những điều đang diễn ra trên thế giới, phản ứng của cơ thể bạn sẽ khác. Dựa trên mức độ bị của sự không chắc chắn đó, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn cần có các nguồn lực để đối phó với điều đó. Và quan trọng hơn là bạn có cảm giác dựa vào một ai đó để vượt qua điều đó. Sẽ tốt hơn nếu bạn có một ai đó luôn khuyến khích bạn, người mà bạn có thể dựa vào để vượt qua cảm giác đó”.
Dhruv Khullar, nhà vật lý học và chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Y Weill Cornell ở New York, nói rằng khoảng thời gian cách ly ngắn có thể gây ra chứng lo âu hoặc cảm giác tuyệt vọng “trong vài ngày”.
“Chúng ta tiến hóa để trở thành chủng loài có tính xã hội. Trong suốt lịch sử của nhân loại, con người đã luôn được đặt trong các cấu trúc gia đình, trong các nhóm, chúng ta tiến hóa thành chủng loài dựa trên sự tương tác với những cá thể người khác” – ông Khullar nói – “Bởi vậy, khi chúng ta không được tiếp xúc xã hội, điều đó tạo nên khoảng trống lớn”.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của tiếp xúc xã hội, ông Khullar nói rằng con người cần phải có nhiều lựa chọn để kết nối với xã hội. Nhắn tin, gọi điện hình ảnh hoặc gọi điện thông thường đều là những cách giúp con người thoát khỏi cảm giác bị cô lập hay cô đơn.
“Công nghệ chính là phương tiện hoàn hảo. Tiếp xúc trực tiếp, mặt đối mặt với người khác…có vô số kiểu để chúng ta lựa chọn để tiếp xúc xã hội qua các thế hệ” – ông Khullar nói.
Người lớn tuổi – những người chịu rủi ro lớn nhất từ COVID-19 – có thể không rành về công nghệ, và có ít lựa chọn giao tiếp xã hội hơn. Nhiều người trong số họ không biết sử dụng hội thảo trực tuyến hay thậm chí nhắn tin qua di động. Bởi vậy, cộng đồng cần quan tâm hơn tới nhóm người này, ông Khullar nói.