Được biết, việc xây dựng, nâng cấp cảng Bắc Hà Nội (cảng Tầm Xá) đã nằm trong kế hoạch quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/ 03/2016.
Theo quy hoạch, cảng sẽ có diện tích 12ha đặt tại bờ tả sông Hồng, thuộc xã Vĩnh Ngọc, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội, cách cầu Nhật Tân 300 m về phía thượng lưu. Cảng có công suất 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng tàu trọng tải từ 1.000 – 1.200 tấn trọng tải. Tổng mức đầu tư dự án đầu tư trực tiếp này là khoảng 500 tỷ đồng.
Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình cho biết, nếu Dự án được thông qua sẽ góp phần phát triển giao thông đường thủy nội địa, tạo công ăn việc làm cho 300 lao động và nộp ngân sách cho Tp.Hà Nội khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình có số vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, là một trong số 12 công ty thành viên của tập đoàn kinh tế tư nhân Xuân Thành Ninh Bình.
Tại Việt Nam, hiện nay Xuân Thiện Ninh Bình đã và đang là chủ đầu tư, vận hành các nhà máy thủy điện có công suất từ 20 MW đến 100 MW. Ngoài thủy điện, Xuân Thiện Ninh Bình còn là một trong những doanh nghiệp lớn mạnh ở lĩnh vực xi măng.
Vào tháng 5/2016, Công ty TNHH Xuân Thiện đã đề xuất xây dựng Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng với tổng vốn đầu tư khoảng 24.500 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) với hi vọng tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, tăng cường giao lưu phát triển kinh tế miền núi, giảm bớt quá tải cho hệ thống giao thông và thúc đẩy giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc).
Tuy nhiên, dự án này đã bị bác bỏ vì nó gây ra những tác động xấu đến môi trường, thay đổi hệ sinh thái trong khu vực đồng bằng sông Hồng , ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu người dân sinh sống vùng phụ cận. Đồng thời, với tổng chi phí ước tính khoảng 24.500 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của nhà đầu tư là 1.200 tỷ đồng nên nhà đầu tư sẽ phải huy động khoảng 7.353 tỷ đồng, tương đối lớn so với vốn điều lệ.