ByteDance, Alibaba gia tăng hiện diện ở Singapore
Gấn đây, ByteDance – chủ sở hữu ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok – cho biết sẽ chuyển hoạt động từ một văn phòng dùng chung sang các văn phòng lớn hơn nhiều ở cao ốc văn phòng One Raffles Quay, thuộc khu trung tâm thương mại của Singapore trong năm nay. ByteDance cũng chuẩn bị tuyển dụng thêm nhân sự ở đảo quốc Sư tử khi ứng dụng TikTok ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á.
Gần đây, ByteDance đã chiêu mộ Arjun Narayan, Giám đốc bộ phận An toàn và niềm tin phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google, về đảm nhận chức danh tương đương ở ByteDance.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters vào tháng 3, Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance không ngần ngại tiết lộ tầm nhìn của ông là đưa ByteDance trở thành một công ty toàn cầu giống như Google và Facebook.
Vào tháng 11 năm ngoái, Huawei, hãng thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh lớn của Trung Quốc đã mở một phòng thí nghiệm điện toán đám mây và công nghệ trí tuệ nhân tạo ở Singapore.
Khu vực Đông Nam Á cũng là trọng tâm lớn đối với Alibaba của tỉ phú Jack Ma sau khi tập đoàn này tiến hành các vụ thâu tóm đình đám bao gồm hai công ty thương mại điện tử lớn ở Singapore, Lazada và Redmart, trong những năm gần đây. Alibaba cũng đầu tư vào Tokopedia – một kỳ lân khởi nghiệp thương mại điện tử của Indonesia.
Trong một thương vụ gây sự chú ý hơn cả, đầu tháng 5 này, Alibaba đã mua 50% số cổ phần của cao ốc AXA Tower cao 50 tầng tọa lạc ở khu trung tâm thương mại của Singapore được định giá 1,2 tỉ đô la. Bên chuyển nhượng cổ phần là một nhóm nhà đầu tư do Công ty bất động sản Perennial Real Estate dẫn đầu. Đây là thương vụ bất động sản thương mại lớn nhất ở Singapore kể từ năm 2017.
Động thái nói trên cũng đánh dấu thương vụ mua bất động sản quốc tế lớn đầu tiên của Alibaba và cao ốc AXA Tower sẽ trở thành trụ sở chính của Alibaba bên ngoài Trung Quốc. AXA Tower vốn là nơi đặt trụ sở của Lazada, nền tảng thương mại điện tử của Alibaba ở Đông Nam Á.
Vicky Wu, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc ở Công ty ICBC International, nói: “Alibaba đang sử dụng Singapore như là đầu não hoạt động của tập đoàn này ở Đông Nam Á. Đây là khu vực phát triển nhất trong khu vực nên xét về khía cạnh thu hút tài năng và các dịch vụ nói chung khác, Singapore là sự lựa chọn tốt nhất để đặt trụ sở”.
Ngoài ByteDance và Alibaba, Công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo SenseTime, nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Ctrip, mạng xã hội YY và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông China Telecom nằm trong nhóm các công ty Trung Quốc hoặc đang mở rộng diện tích văn phòng hoặc đang có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự ở Singapore.
Đua với các đối thủ Mỹ
Nền kinh tế internet của Đông Nam Á được dự báo đạt 300 tỉ đô la vào năm 2025, tăng trưởng 200% so với năm 2019. Ảnh: Temasek
|
Xu hướng trên diễn ra giữa lúc mối quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi và khi các công ty từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cạnh trạnh tầm ảnh hưởng đối với các công nghệ mới ở Đông Nam Á.
Ashley Swan, Giám đốc bộ phận bất động sản thương mại ở Công ty bất động sản Savills Singapore, nói: “Đông Nam Á là một trọng tâm lớn trong 18-24 tháng qua đối với các công ty Trung Quốc và giờ đây Singapore đã trở thành chiến địa giữa các công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc khi cả hai bên xem quốc đảo này là bàn đạp để thâm nhập sâu vào thị trường Đông Nam Á”.
Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc vẫn đang cố gắng bắt kịp các đối thủ Mỹ như Facebook, Google, Microsoft và Amazon, vốn đã có mặt ở khu vực Đông Nam Á sớm hơn và vẫn đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện.
Đông Nam Á là một trong số ít khu vực nơi mà các công ty Mỹ và Trung Quốc công khai chạy đua cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong các lĩnh vực công nghệ như điện toán đám mây. Nơi đây là thị trường điện toán đám mây tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức chi tiêu cho dịch vụ điện toán đám mây sẽ đạt 76 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IDC.
“Không ai muốn từ bỏ một thị trường lớn như vậy”, Tao Wu, Giám đốc nghiên cứu cấp cao ở hãng nghiên cứu thị trường Gartner, nhận định.
Ông Wu nói: “Sự trỗi dậy của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc như Ali Cloud (công ty con của Alibaba) đã ngăn cản Amazon Web Services của Amazon và các công ty điện toán đám mây khác chiếm lĩnh thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Sự gia nhập của dịch vụ đám mây Huawei vào thị trường này sẽ khiến cuộc cạnh tranh càng khốc liệt hơn”.
Theo Ashley Swan, khu vực Đông Nam Á với 650 triệu dân, đang dịch chuyển nhanh vào nền kinh tế Internet và cung cấp một nền tảng khách hàng tiềm năng khổng lồ với các thị trường rộng lớn như Indonesia. Theo một bản báo cáo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings và Bain & Company hồi năm ngoái, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ đạt 300 tỉ đô la vào năm 2025, tăng trưởng 200% so với năm 2019.
Sau khi thiết lập trụ sở khu vực ở Singapore hồi năm 2018, Facebook đang xây dựng một trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỉ đô la ở quốc đảo này và đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên của công ty mạng xã hội này ở châu Á. Trong năm nay, công ty mạng xã hội Twitter cũng thành lập trung tâm kỹ thuật đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore.
Benjamin Cheong, đối tác của hãng luật Rajah & Tann, cho rằng mối căng thẳng Mỹ - Trung đang góp phần khiến các tập đoàn công nghệ Trung Quốc tăng cường đội ngũ nhân sự ở Singapore nhưng điều quan trọng hơn, việc mở rộng sự hiện diện ở đảo quốc Sư tử này sẽ giúp họ nối dài danh mục sản phẩm hàng hóa và dịch vụ vào khu vực Đông Nam Á trong những năm tới.
Ông Benjamin Cheong cho biết các công ty Trung Quốc đặt nhiều niềm tin ở Singapore về khía cạnh ổn định chính trị và khung pháp lý mạnh mẽ dù chi phí thuê văn phòng và lương nhân sự ở nước này khá cao.
Các công ty đầu tư vốn mạo hiểm của Trung Quốc cũng hoạt động nhộn nhịp tại Singapore khi họ tăng cường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á. Cùng với Thung lũng Silicon của Mỹ, Singapore trở thành trung tâm quy tụ số lượng công ty công nghệ Trung Quốc lớn nhất ở nước ngoài, theo Công ty bất động sản JLL.
Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc liên tục mở rộng sự hiện diện liên tục kể từ khi bắt đầu đổ bộ vào Singapore cách đây 5 năm, theo Regina Lim, Giám đốc bộ phận thị trường vốn phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL.
Ông Lim nói: “Họ cảm nhận Singapore giống như Trung Quốc cách đây 15 năm và họ nghĩ rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền giống như ở Trung Quốc tại những nơi như Indonesia và Thái Lan”.
Theo Financial Times/TBKTSG