Công ty Meta tuyên bố “đã ngăn chặn chiến dịch thông tin sai lệch của Nga và Trung Quốc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Meta Group, công ty sở hữu các mạng xã hội Facebook và Instagram, cho biết gần đây đã chặn một số tài khoản từ Trung Quốc giả danh người Mỹ, cũng như một chiến dịch tuyên truyền chính trị lớn nguồn gốc từ Nga.
Meta nói đã phát hiện và ngăn chặn các tài khoản Facebook giả và thông tin sai lệch từ Trung Quốc và Nga (Ảnh: Reuters).
Meta nói đã phát hiện và ngăn chặn các tài khoản Facebook giả và thông tin sai lệch từ Trung Quốc và Nga (Ảnh: Reuters).

Theo trang Deutsche Welle tiếng Trung, hôm thứ Ba (27/9) Meta Group, công ty mẹ của Facebook và Instagram, thông báo họ đã chặn một chiến dịch mạng từ Trung Quốc thông qua việc giả danh người Mỹ đứng về phía các vấn đề đang sôi động trong xã hội nhằm tác động đến cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới ở Mỹ.

Ông Ben Nimmo, người phụ trách bộ phận tình báo về mối đe dọa toàn cầu của Meta, nói tại một cuộc họp báo cùng ngày: đây là hành động đầu tiên do Trung Quốc tổ chức tập trung vào nền chính trị Hoa Kỳ mà Meta đã ngăn chặn trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ. Ông nói: “Mặc dù quy mô không lớn, nhưng đây là một sự biến chuyển quan trọng, và đó là lý do tại sao cần hết sức cảnh giác.”

“Châm ngòi cho cuộc thảo luận về các chủ đề gây tranh cãi”

Meta cho biết họ chỉ có thể xác định rằng chiến dịch này bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng không thể xác định liệu chính phủ Trung Quốc có liên quan đến nó hay không. Meta cho biết trong một báo cáo rằng hoạt động này đã sử dụng các tài khoản giả mạo trên Facebook, Instagram và Twitter để nói lên những ý kiến tán thành hoặc phản đối về các chủ đề gây tranh cãi như phá thai và kiểm soát súng đạn. "Họ dường như đang sử dụng các chủ đề nóng ở Mỹ như một cửa sổ cho các cuộc thảo luận chính trị, bằng cách giả vờ là người Mỹ", Ben Nimmo nói.

Quyền phá thai đang là vấn đề tranh cãi gây chia rẽ ở Mỹ (Ảnh: Reuters).

Quyền phá thai đang là vấn đề tranh cãi gây chia rẽ ở Mỹ (Ảnh: Reuters).

Theo phát hiện của Meta, chiến dịch này liên quan đến 81 tài khoản Facebook và một số tài khoản Instagram, nhưng chỉ thu hút được một số ít cư dân mạng Mỹ tham gia trước khi bị phong tỏa. Meta nói thêm: "Hầu hết các tài khoản này đều duy trì mô thức luân phiên nhau, trùng với giờ làm việc từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là những tài khoản này chủ yếu đăng bài trong lúc người Mỹ đang ngủ."

“Giả mạo các trang web tin tức hợp pháp”

Ngoài các tài khoản giả mạo từ Trung Quốc, Meta còn thông báo phá vỡ một chiến dịch thông tin sai lệch lớn dường như do Nga khởi xướng, có liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Meta cho biết đây là chiến dịch tuyên truyền chính trị lớn nhất và tinh vi nhất của Nga mà họ từng chứng kiến ​​kể từ khi Nga tiến hành “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” ở Ukraine. Meta cho biết đã phát hiện ra và đình chỉ chiến dịch này trước khi nó đến được với một lượng lớn người xem.

Nguồn tin chỉ ra rằng vụ việc này liên quan đến hơn 60 trang web giả mạo các nền tảng tin tức hợp pháp, trong đó có "The Guardian" của Anh và "Der Spiegel" của Đức. Tuy nhiên, các trang web giả mạo này chỉ hiển thị tuyên truyền chính trị và thông tin sai lệch về Nga. Tổng cộng, có hơn 1.600 tài khoản Facebook giả mạo đã được sử dụng để truyền bá những thông điệp tuyên truyền thân Nga này tới khán giả ở Đức, Italy, Pháp, Vương quốc Anh và Ukraine mà theo Meta là nhằm “nỗ lực làm suy yếu sự ủng hộ của quốc tế đối với Ukraine”.

Meta nói đã phát hiện hàng ngàn tài khoản mạng xã hội giả tuyên truyền thông tin sai lệch (Ảnh: Deutsche Welle).

Meta nói đã phát hiện hàng ngàn tài khoản mạng xã hội giả tuyên truyền thông tin sai lệch (Ảnh: Deutsche Welle).

Meta: “Đại sứ quán Nga ở nước ngoài chia sẻ thông tin sai lệch”

Các nhà nghiên cứu của Meta cho biết họ không thể đổ lỗi trực tiếp cho chính phủ Nga về các hành động trên mạng này. Nhưng David Agranovich, giám đốc bộ phận phá hoại mối đe dọa của Meta, cho biết: "Một số lần, nội dung của hoạt động này đã được chia sẻ trên các trang Facebook chính thức của các đại sứ quán Nga ở các nước châu Âu và châu Á". Ông cho rằng chiến dịch này dựa trên các chiến thuật phức tạp, bao gồm việc sử dụng nhiều ngôn ngữ và các trang web giả mạo được xây dựng rất cầu kỳ, cẩn thận.

Deutsche Welle cho biết, chiến dịch mạng này đầu tiên được các nhà báo điều tra ở Đức chú ý. Vào thời điểm Meta bắt đầu điều tra, một số tài khoản giả mạo đã được hệ thống của Facebook xác định và xóa bỏ, và khi các tài khoản Facebook của chiến dịch này bị buộc chấm dứt hoạt động, nó đã có được hàng nghìn người theo dõi.