Công ty chứng khoán này đang cầm hàng triệu cổ phiếu VAB

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ở VietABank, thời gian nắm giữ cổ phiếu VAB của nhóm ACBS chẳng thua kém gì những ‘tay chơi’ đã được thị trường biết tới như Việt Phương Group hay Rạng Đông Group.
Vì sao ACBS 'ôm' hàng triệu cổ phiếu VAB?
Vì sao ACBS 'ôm' hàng triệu cổ phiếu VAB?

Tính đến ngày 30/6/2021, số cổ phiếu VAB được Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) ghi nhận có giá trị hợp lý đạt 54,1 tỉ đồng, thấp hơn 22,6% so với giá gốc. So với đầu năm nay, mức chênh lệch này đã giảm đáng kể.

Theo tìm hiểu của VietTimes, khoản đầu tư của ACBS tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – Mã CK: VAB) được hé mở từ nhiều năm trước, trong một nỗ lực ‘thanh lý các khoản đầu tư’.

Cụ thể, trong năm 2013, ACBS đã bán hơn 4 triệu cổ phiếu VAB cho CTCP Địa ốc ACB (ACBR). Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, ACBS bất ngờ đổi ý, ký thoả thuận mua lại cổ phần VAB từ ACBR và ghi nhận giá trị sổ sách ở mức 69,9 tỉ đồng.

Số cổ phiếu VAB này (cùng với 6,4 triệu cổ phiếu BTS và bất động sản tại 107N Trương Định) sau đó được ACBS dùng làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - Mã CK: VBB).

Dù các khoản vay tại VietBank đã đáo hạn từ lâu, song ACBS vẫn nắm giữ lượng lớn cổ phần VAB và BTS

Dù các khoản vay tại VietBank đã đáo hạn từ lâu, song ACBS vẫn nắm giữ lượng lớn cổ phần VAB và BTS

Việc ACBS nắm giữ lượng lớn cổ phần VAB tới tận quý 2/2021 có thể coi là một ngoại lệ, đặc biệt là sau loạt động thái thoái vốn của công ty chứng khoán này khỏi các thương vụ đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2012 - 2014.

Dữ liệu của VietTimes thể hiện, ACBS từng rót tới 400 tỉ đồng mua 12,6 triệu cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); 530,4 tỉ đồng để mua 34,9 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2013, ACBS nhiều khả năng đã triệt thoái vốn khỏi EIB. Trong khi đó, giá trị sổ sách của khoản đầu tư tại VCB dù đã giảm xuống chỉ còn 267,1 tỉ đồng nhưng vẫn vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của ACBS khi ấy.

Nhằm tuân thủ theo quy định của Thông tư số 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, tới tháng 2/2014, ACBS đã phải bán bớt 3,49 triệu cổ phiếu VCB, đưa giá trị sổ sách của khoản đầu tư về 108,9 tỉ đồng. Theo quan sát của VietTimes, ACBS sau đó tiếp tục bán ra toàn bộ số cổ phiếu VCB.

Đáng chú ý, ACBS cũng từng nhận được khoản đặt cọc tới 200 tỉ đồng từ ngân hàng mẹ ACB liên quan tới việc mua 18,4 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kiên Long (Mã CK: KLB). Tuy nhiên, giao dịch không thể thực hiện được và bị huỷ bỏ vào tháng 10/2013.

Dẫu vậy, trong năm 2013, ACBS vẫn bán được 14,4 triệu cổ phiếu KLB cho một cá nhân với giá chuyển nhượng 17.000 đồng/cổ phiếu.

Sau những biến cố liên quan đến cựu lãnh đạo ACB Nguyễn Đức Kiên (‘bầu’ Kiên), ACBS chuyển hướng sang lĩnh vực cảng biển, logistics với các khoản đầu tư vào cổ phiếu SGP (CTCP Cảng Sài Gòn), CKG (CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang) với quy mô đầu tư khiêm tốn hơn nhiều.

Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Địa ốc A.C.B (ACBR) được thành lập vào tháng 12/2001, đăng ký trụ sở chính tại một số nhà trên đường Điện Biên Phủ, Phường 15, Quận Bình Thạnh, Tp. HCM.

Tới tháng 9/2016, công ty này điều chỉnh vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng xuống chỉ còn 71,6 tỉ đồng. Ít tháng sau, ông Nguyễn Minh Tuấn (SN 1978) được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Bùi Tấn Tài (SN 1973).

Ông Bùi Tấn Tài hiện là Phó Tổng Giám đốc thường trực ACB, từng nắm giữ lượng lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB)./.