Công nghệ xử lý “rác” đặc biệt

VietTimes – Rác thải, đặc biệt là rác thải hữu cơ là vấn đề được nhiều gia đình quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn trong quá trình xử lý loại “rác” đặc biệt này. Để mang đến cho bạn đọc những thông tin đáng lưu tâm về vấn đề này, bên lề diễn đàn “Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ trong gia đình” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức chiều 25/10, PV VietTimes đã có cuộc trò chuyện với ThS. Lê Thị Khánh Vân – Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp.  
ThS. Lê Thị Khánh Vân – Phó Chủ tịch hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp. Ảnh: Minh Thúy
ThS. Lê Thị Khánh Vân – Phó Chủ tịch hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp. Ảnh: Minh Thúy

+ Rác thải hữu cơ trong gia đình có nguồn gốc từ đâu thưa bà?

- Rác thải như cơ trong gia đình có thể là các gốc rau, lá già, cơm thừa, vỏ hoa quả, đồ ăn thừa,…Nếu để các rác thải hữu cơ này tự phân hủy trong đất sẽ mất nhiều thời gian nhưng nếu dùng vi sinh đề lên men thì thời gian phân hủy sẽ được rút ngắn.

Những vi sinh sau khi lên men rác thải hữu cơ sẽ tạo ra phân bón có lợi cho cây cảnh, đồng ruộng.

Thông thường, các gia đình sẽ loại bỏ rác thải hữu cơ thông qua các công ty dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nếu các gia đình ứng dụng được công nghệ xử lý rác thải hữu cơ thì rác sẽ trở thành phân bón, có thể tái sử dụng.

Có thể thấy đây là biện pháp hữu hiệu để xử lý rác thải hữu cơ hợp lý trong gia đình.

ThS. Lê Thị Khánh Vân tại diễn đàn
ThS. Lê Thị Khánh Vân tại diễn đàn

+ Bà có thể chia sẻ thêm công nghệ xử lý rác thải hữu cơ?

- Công nghệ xử lý rác thải hữu có có nguồn gốc xuất phát từ Nhật Bản. Thông qua cách đưa vi sinh vật có lợi vào rác thải hữu cơ, công nghệ này giúp rác thải trở nên có ích hơn đối với cuộc sống và sức khỏe của con người.

Các vi sinh vật cũng giống như một cơ thể sống cần ăn, uống. Do đó, các vi sinh vật này sẽ được cung cấp nước hoặc gỉ đường để nhân sinh khối và trở thành phân bón.

+ Thực tế, nhiều gia đình hiện chưa có thói quen phân loại rác thải trong sinh hoạt hằng ngày, trong đó có rác thải hữu cơ. Vậy làm thế nào để phân loại rác thải hữu cơ và tái sử dụng hiệu quả thưa bà?

- Không phân loại rác đã trở thành một thói quen của nhiều gia đình. Sau khi sử dụng thực phẩm hoặc các loại đồ khô, đồ ăn liền có bao bì,… hầu hết người dân đều cho tất cả các loại rác vào một thùng rác chung mà không hề có sự phân loại đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ.

Đây là tình trạng chung ở nhiều gia đình. Đến thời điểm hiện tại, khi công tác truyền thông về vấn đề bảo vệ môi trường, tái chế rác thải được tuyên truyền rộng rãi, người dân mới bắt đầu có nhận thức đúng về việc phân loại rác thải trong gia đình.

Ở các nước phát triển, mỗi gia đình đều có thùng rác riêng để phân loại rác thải.

ThS. Lê Thị Khánh Vân thực hành trộn cám gạo cùng vi sinh vật có lợi
ThS. Lê Thị Khánh Vân thực hành trộn cám gạo cùng vi sinh vật có lợi 

+ Theo bà, phân loại rác thải hiệu quả sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân?

- Khi phân loại được rác thải, rác thải hữu cơ sẽ trở thành phân bón giúp cây trồng, đồng ruộng tốt tươi, giảm bớt lượng rác cho công ty vệ sinh môi trường. Không chỉ vậy, khi phân loại rác, ý thức của mỗi người trong gia đình sẽ được nâng cao, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế việc xả rác bừa bãi.

+ Hiện, mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình đã được triển khai chưa thưa bà?

- Trước đây, khi công tác tại phường Kim Liên, tôi đã tham gia triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình từ năm 1998. Với mô hình này, các gia đình sẽ phân loại riêng rác thải hữu cơ và được phát các vi sinh vật có lợi (dạng lỏng – gồm có vi khuẩn lactic, nấm, quang hợp, xạ khuẩn) cùng với vi sinh dạng bột để rắc vào rác thải. Sau một thời gian từ 5-7 ngày, rác thải hữu cơ cùng với các vi sinh vật có lợi sẽ lên men, tạo ra một lượng nước nhất định. Các gia đình có thể sử dụng lượng nước này để lau nhà và dùng bã để làm phân bón cho cây.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mô hình này không còn được áp dụng, đây là một điều đáng tiếc. 

+ Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!