Cuối năm có lễ Noel liền kề với đầu năm có ngày tết là mùa mua sắm của người lớn và mùa nhận quà của trẻ em. Và trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người chọn những thiết bị công nghệ làm quà tặng nhau, dĩ nhiên bọn nhóc vốn hiếu động, ham những gì mới lạ và hấp dẫn luôn hoan nghênh kịch liệt những món quà công nghệ này.
Trở thành công cụ dỗ trẻ
Trong một lần ghé lại Taipei (Đài Loan) chờ bay tiếp qua Mỹ, tôi ngồi gần một chị Việt kiều có ba con nhỏ ở tuổi mẫu giáo và tiểu học. Thấy mỗi đứa trẻ chúi mắt vào một chiếc iPad riêng của mình, tôi bâng quơ: “Ngon lành nghen. Mỗi nhóc một chiếc, khỏi lo xử chuyện tranh giành nhau”. Mẹ của “ba iPad” phân bua: “Ở Mỹ đồ này rẻ mà anh, nhất là trong những dịp sale hàng. Đi học về, tụi nhỏ chơi iPad khỏi quấy nhiễu cha mẹ, để tôi rảnh tay lo cơm nước, chuyện nhà. Tụi nó vừa chơi vừa học trên iPad đó”.
Trong thực tế, ngày trước là máy tính, nhất là laptop, sau này là máy tính bảng và smartphone được nhiều phụ huynh sử dụng như phương tiện giải cứu cho mình rảnh tay với bọn trẻ. Đó là lý do mà trên cả thế giới trong thời gian qua vẫn luôn xuất hiện những câu hỏi chung: Liệu có nên cho trẻ em tiếp cận với thiết bị công nghệ? Tất nhiên luôn có hai luồng ý kiến khác nhau: ủng hộ và phản đối.
Nếu phó mặc các thiết bị cho trẻ, mọi thứ sẽ là thảm họa. Ảnh: INTERNET
Có lẽ những người làm công nghệ hiểu rõ hơn ai hết cái lợi, cái hại của các thiết bị công nghệ. Cho dù là người góp công xây dựng nên một trong những vương quốc công nghệ lớn nhất thế giới mà những chiếc iPhone, iPad giờ đây đang nằm trên tay nhiều trẻ em, “huyền thoại Apple” Steve Jobs lại hạn chế một cách nghiêm khắc việc con mình tiếp cận với những thiết bị công nghệ. Trong một bài viết trên báo New York Times năm 2014, nhà báo Nick Bilton đã kể lại một cuộc chuyện trò của mình với Jobs sau khi Apple tung ra chiếc iPad đầu tiên. Nghe hỏi liệu các con của ông có thích chiếc tablet mới này, Jobs trả lời: “Chúng chưa được dùng nó đâu. Chúng tôi hạn chế mức độ bọn trẻ của mình sử dụng công nghệ ở nhà”. Jobs rất vui khi khoe rằng: “Bọn nhóc của chúng tôi dường như không bị nghiện chút nào với các thiết bị công nghệ”.
Nhưng CEO của Apple không đơn độc. Không ít nhân vật công nghệ nổi tiếng khác cũng cẩn trọng trong việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ.
Nên có giải pháp thích hợp
Trong bài này, chúng tôi không nói lại về những cái lợi và cái hại của các thiết bị công nghệ đối với trẻ em. Chúng tôi chỉ xin chia sẻ với bạn đọc những kinh nghiệm để giảm thiểu những tác hại và tối đa hóa các ích lợi mà smartphone và tablet có thể đem lại cho trẻ em.
Đầu tiên hãy làm cho thời gian sử dụng thiết bị công nghệ là một cuộc tương tác giữa cha mẹ và con trẻ. Nghĩa là cả nhà cùng chơi. Bộ não và ngôn ngữ của trẻ sẽ được giúp phát triển tốt hơn nếu như bạn nói với chúng về những gì đang xuất hiện trên màn hình. Ở đây tác dụng càng sâu rộng hơn khi bọn trẻ được trải nghiệm một không gian ba chiều hấp dẫn hơn chỉ nghe đọc sách. Bạn và con trẻ có thể trao đổi với nhau về những gì trên màn hình, trao đổi những ý tưởng, liên hệ những gì trên màn hình với cuộc sống thực. Theo các nhà nghiên cứu, các nội dung có tính tương tác ảnh hưởng tới não bộ nhiều hơn là những nội dung thụ động như xem truyền hình, xem phim, đọc sách.
Nếu như thiết bị có tích hợp tính năng kiểm soát của phụ huynh (parental control), bạn hãy tận dụng nó một cách cao nhất có thể được. Điều này giúp cha mẹ có thể kiểm soát được con trẻ cả về thời gian sử dụng thiết bị lẫn những gì chúng làm khi online.
Chỉ cho trẻ tiếp xúc ít
Mỗi ngày chỉ cho phép trẻ tiếp xúc với thiết bị trong một thời gian hợp lý. Trẻ càng dán mắt vào màn hình thiết bị lâu (tức sống ảo) thì càng có ít thời gian cho các hoạt động trong cuộc sống thực. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị rằng thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị được giới hạn tối đa là hai giờ mỗi ngày đối với trẻ em từ ba tới 18 tuổi. Tuyệt đối không cho trẻ từ hai tuổi trở xuống tiếp cận với màn hình thiết bị. Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ em tương tác trực tiếp ngoài đời thực với bạn bè, người khác chứ không phải thông qua thiết bị.
Chỉ cho trẻ tiếp xúc ít
Mỗi ngày chỉ cho phép trẻ tiếp xúc với thiết bị trong một thời gian hợp lý. Trẻ càng dán mắt vào màn hình thiết bị lâu (tức sống ảo) thì càng có ít thời gian cho các hoạt động trong cuộc sống thực. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị rằng thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị được giới hạn tối đa là hai giờ mỗi ngày đối với trẻ em từ ba tới 18 tuổi. Tuyệt đối không cho trẻ từ hai tuổi trở xuống tiếp cận với màn hình thiết bị. Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ em tương tác trực tiếp ngoài đời thực với bạn bè, người khác chứ không phải thông qua thiết bị.
Theo PLO