Công bố Sáu điều đảm bảo, Mỹ khẳng định ủng hộ Đài Loan và cảnh báo Trung Quốc

VietTimes – Ngày 31/8 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã giải mật “Sáu điều đảm bảo” an ninh đối với Đài Loan dưới thời Ronald Reagan. Các nhà quan sát quốc tế phân tích cho rằng động thái này của Washington nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với Đài Bắc và cảnh báo Bắc Kinh chớ mạo hiểm.
Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng quan hệ quân sự Mỹ - Đài Loan vẫn được duy trì chặt chẽ. Trong ảnh: đoàn quân sự Đài Loan sang Mỹ giao lưu năm 2014 (Ảnh: Creaders).

Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 3/9, trang web Geopolitical Futures (Tương lai địa chính trị) của Mỹ đã đăng một bài phân tích của ông George Friedman, Chủ nhiệm - nhà dự báo địa chính trị và nhà nghiên cứu chiến lược các vấn đề quốc tế về sự việc đang được giới quan sát, nghiên cứu và truyền thông quốc tế quan tâm này.

 Ông George Friedman viết, ngày 17/8/1982, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là George Pratt Schultz đã chuyển một bản ghi nhớ (tức Sáu điều đảm bảo về an ninh cho Đài Loan) tới chính quyền Đài Loan thông qua một nhà ngoại giao Mỹ. Vào ngày thứ Hai, 31/8/2020, sau 38 năm, bản ghi nhớ đã được giải mật. Nội dung của nó là "bí mật" khi nó không thể công khai, nhưng điểm chính của nó đã được mọi người biết đến từ thời gian trước. Những quan điểm này tất nhiên phải là một phần của mối quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan và Trung Quốc đại lục, bởi vì nếu không có chúng, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và Trung Quốc sẽ trở nên vô nghĩa.

Dưới thời ông Donald Trump, quan hệ Mỹ - Đài Loan đã phát triển mạnh mẽ đánh dấu bằng việc Bộ trưởng Y tế Alex Azar là quan chức chính phủ cấp cao nhất đến thăm kể từ sau 1979 (Ảnh: AFP).

Quyết định công bố tài liệu này sau gần 40 năm sau được đưa ra vào thời điểm tình hình ở eo biển Đài Loan rất căng thẳng, các cuộc tập trận quân sự và các mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng, việc giải mật nhằm làm rõ quan điểm của Mỹ và tránh làm tình hình leo thang hơn nữa. Sáu điểm chính của bản ghi nhớ này được tóm tắt như sau:

Mỹ không đồng ý ấn định thời hạn ngừng bán vũ khí cho Đài Loan;

Mỹ không đồng ý tham khảo ý kiến Trung Quốc trước khi bán vũ khí cho Đài Loan;

Mỹ sẽ không đóng vai trò trung gian giữa Đài Bắc và Bắc Kinh;

Mỹ không đồng ý sửa đổi “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” (Taiwan Relations Act).

Mỹ không thay đổi lập trường của mình về chủ quyền của Đài Loan;

Mỹ sẽ không gây áp lực lên Đài Loan để buộc Đài Loan đàm phán với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Nói một cách khác, Mỹ không sẵn sàng thực sự bỏ rơi Đài Loan theo bất kỳ cách nào. Bằng cách ban hành một bản ghi nhớ, Washington khẳng định rằng lập trường của họ từ năm 1982 không hề thay đổi và Trung Quốc nên hiểu rõ điều này.

Bối cảnh ban đầu của bản ghi nhớ này liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon. Đó là một chuyến thăm đột phá dựa trên sự quan tâm lẫn nhau. Sau cuộc xung đột đẫm máu giữa Trung Quốc và Liên Xô ở đảo Trân Bảo trên sông Ussuri, quan hệ Xô-Trung trở nên xấu đi và Bắc Kinh lo sợ rằng họ sẽ thua Liên Xô. Cùng lúc đó, nước Mỹ bị cuốn vào cuộc Chiến tranh Việt Nam đẫm máu và vị thế của họ ở Tây Âu đã bị suy yếu; Mỹ cũng lo sợ Liên Xô sẽ lợi dụng để trục lợi. Bằng cách khôi phục quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã cân bằng lại mối đe dọa này và tạo ra mối đe dọa mới đối với Liên Xô bằng cuộc tấn công đồng thời của hai nước Mỹ, Trung.

Động thái này không có ý nghĩa về mặt ý thức hệ, nhưng nó có ý nghĩa địa chính trị hoàn hảo, tuy nhiên nó đã công khai vị thế của Đài Loan. Người Trung Quốc kiên quyết nhấn mạnh Đài Loan là một phần của Trung Quốc, mặc dù họ hiểu rằng điều này là vô nghĩa trên thực tế. Nixon đồng ý với họ về nguyên tắc vì vào thời điểm đó Liên Xô mới là vấn đề cốt lõi.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc,Mỹ liên tiếp bán vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Đài Loan (Ảnh: Deutsche Welle).

Đến những năm 1980 của thế kỷ XX, Liên Xô dần suy yếu, sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng, vấn đề Đài Loan càng trở nên quan trọng. Tổng thống Ronald Reagan khi đó đương nhiên không nhượng bộ. Do đó, bản ghi nhớ này thể hiện chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ cho đến nay, đã hoàn toàn đóng lại cánh cửa cho việc sửa đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Bản ghi nhớ có thể không nói rõ rằng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ sẽ tiến hành can thiệp, nhưng nó cũng không để lại chút không gian nào cho trí tưởng tượng.

Kể từ khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan bằng nhiều cách khác nhau đã tăng lên. Việc công bố bản ghi nhớ vào thời điểm này không khiến người Trung Quốc ngạc nhiên. Nhưng có thể khẳng định chắc chắn, bất kỳ động thái nào của Trung Quốc đều phải tính đến sự can thiệp của Mỹ. Không giống như nhiều nhà quan sát Trung Quốc, bản thân người Trung Quốc biết rằng một cuộc tấn công đổ bộ nhằm vào Đài Loan, nơi được trang bị vũ khí mạnh mẽ và được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu, tàu ngầm và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, có khả năng sẽ bị thất bại và lời nói dối họ có sức mạnh tương đương với Mỹ sẽ bị phơi bày. .

Vào thời điểm hiện nay, bản ghi nhớ này không thể ngăn cản Trung Quốc tấn công Đài Loan. Bắc Kinh có thể nghĩ rằng họ chắc chắn sẽ thu phục lại Đài Loan, nhưng thực tế không thể tránh khỏi của cuộc chiến là họ có thể thua, đó là điều mà Trung Quốc không thể chịu đựng được. Mỹ có thể áp dụng thế trận phòng thủ Đài Loan, nhưng đây là một thế trận phòng thủ không thể khuất phục. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia và các nước khác ở Đông Nam Á có thể có lý do để nghi ngờ lời hứa của Mỹ trong tương lai. Nhưng hiện tại, liên minh này vẫn nguyên vẹn. Bằng cách công bố bản ghi nhớ này, Washington đã nói rõ rằng không hề có sự thay đổi trong lập trường của họ đối với Đài Loan./.