Nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn (bên phải) nói chuyện với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Marie Royce tại Lễ khánh khành trụ sở mới của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan ngày 12/6/2018. Ảnh: AP. |
Sau nhiều ngày thảo luận, đến tối ngày 18/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật trao quyền quốc phòng năm 2019 (HR 5515) với 85 phiếu tán thành và 10 phiếu chống.
Trước đó, ngày 6/6, Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ đã công bố một bản dự luật, trong đó Điều 1243 đề cập đến Đài Loan. Điều này chỉ rõ, Thượng viện Mỹ cho rằng Luật quan hệ với Đài Loan và “06 cam kết” là nền tảng của quan hệ Mỹ - Đài. Mỹ cần tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Đài Loan, ủng hộ Đài Loan phát triển sức mạnh quốc phòng có năng lực, sẵn sàng và hiện đại để duy trì khả năng tự phòng vệ.
Điều luật này chỉ ra, dựa trên Luật quan hệ với Đài Loan, Mỹ cần ra sức ủng hộ Đài Loan, thông qua bán vũ khí cho nước ngoài, bán thương mại trực tiếp và hợp tác công nghiệp để Đài Loan có được vũ khí mang tính phòng thủ, đặc biệt là khả năng tiến hành chiến tranh phi đối xứng và chiến tranh dưới lòng đại dương. Mỹ cũng cần thông qua bảo đảm kịp thời xét duyệt và phản hồi yêu cầu sản phẩm và dịch vụ quốc phòng của Đài Loan, nâng cao khả năng “đoán trước” việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Ngoài ra, Điều 1243 cũng chỉ rõ: "Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần thúc đẩy tăng cường chính sách giao lưu an ninh với Đài Loan, bao gồm tham gia các cuộc tập trận của Đài Loan một cách thích hợp, chẳng hạn cuộc tập trận Hán Quang thường niên, Đài Loan cũng cần tham gia các cuộc tập trận của Mỹ một cách thích hợp, đồng thời dựa trên Luật qua lại với Đài Loan, thúc đẩy trao đổi quan chức cấp cao và quan chức bình thường giữa Mỹ - Đài".
Một cuộc tập trận của quân đội Đài Loan. Ảnh: Taiwan News.
|
Ngoài ra, dự luật còn cho rằng Mỹ và Đài Loan cần mở rộng hợp tác cứu trợ nhân đạo và cứu nạn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cần xem xét ủng hộ tàu bệnh viện Mỹ đến thăm Đài Loan với tư cách là một phần của nhiệm vụ “đối tác Thái Bình Dương” (Pacific Parnership) thường niên.
Nội dung bản dự luật cuối cùng do Thượng viện Mỹ thông qua lần này dự kiến sẽ công bố toàn văn vào tuần tới. Nhưng bộ phận liên quan đến Đài Loan của dự luật hoàn toàn không sửa đổi.
Trước hành động của Thượng viện Mỹ, người phát ngôn của lãnh đạo Đài Loan Lâm Hạc Minh cho biết để bảo vệ an ninh, làm hết trách nhiệm giữ gìn hòa bình và an ninh khu vực, Đài Loan cũng đang có nền quốc phòng hoàn chỉnh và hệ thống, đang nâng cao năng lực tự phòng vệ để bảo đảm lợi ích an ninh của toàn thể người dân và phát triển ổn định của khu vực.
Lâm Hạc Minh còn bày tỏ cảm ơn đối với sự coi trọng và ủng hộ của Thượng viện Mỹ đối với quốc phòng và an ninh của Đài Loan. Đài Loan cũng sẽ tiếp tục tiến hành thảo luận với cơ quan hành chính Mỹ, tăng cường hợp tác an ninh Đài - Mỹ.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc, xem vấn đề Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc luôn thúc giục Mỹ chấm dứt liên hệ quân sự với Đài Loan, chấm dứt quan hệ chính thức với Đài Loan dưới bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, những động thái liên tiếp có liên quan của Mỹ gần đây đã đi ngược lại với mong muốn này của Trung Quốc.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương - 2016. Ảnh: Naval Today.
|
Ngoài vấn đề Đài Loan, trong phần liên quan đến Trung Quốc, dự luật của Thượng viện Mỹ còn đưa ra hạn chế đối với việc Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng các dịch vụ thông tin của Tập đoàn ZTE Trung Quốc. Dư luận Mỹ cho rằng công nghệ của ZTE là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Hơn nữa, dự luật còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không được mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), trừ phi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể xác nhận với Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ là Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Trên thực tế, trước thềm Đối thoại Shangri-La 2018, Mỹ đã quyết định hủy bỏ lời mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 nhằm phản đối Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông.
Được biết, Thượng viện Mỹ sẽ trao đổi với Hạ viện Mỹ để đưa ra bản dự luật thống nhất, sau đó sẽ lần lượt lấy biểu quyết thông qua ở hai viện, cuối cùng gửi cho Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Donald Trump ký duyệt và có hiệu lực.