|
Nhanh như tốc độ xoay của cái Fidget Spinner vậy. |
Tháng Tư vừa rồi, chủ tiệm sửa điện thoại Michael Oberdick bán được khoảng 20.000 thiết bị nghịch cho đỡ ngứa tay fidget spinner. Anh vừa đặt thêm hàng từ Trung Quốc về: anh không thể bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền này được.
"Món hàng này dễ mua nhưng thường tốn rất nhiều thời gian bởi người ta đặt rất nhiều", anh Oberdick nói với phóng viên Motherboard. "Tôi vừa đặt một đơn hàng 10.000 cái 8 ngày trước nhưng chẳng thể lấy hàng luôn, bởi lẽ có người vừa đặt đơn hàng 2 triệu cái, vì thế nên họ được lấy hàng trước tôi".
Chỉ trong tháng vừa rồi (cộng trừ thêm 30 ngày nữa), món đồ chơi tưởng như chỉ dành cho con nít bỗng trở thành hiện tượng cộng đồng, lan truyền khắp nơi. Đi kèm theo làn sóng ấy là những con buôn săn lùng nguồn hàng fidget spinner này về để kiếm lời kẻo muộn – những xu hướng như thế này đến và đi nhanh lắm.
Món hàng này dễ bán một phần vì chẳng có bằng sáng chế nào được ai giữ cả (chủ nhân của sản phẩm này đã không đủ 400 USD để trả phí gia hạn bằng sáng chế năm 2004), nên người ta chẳng phải lo tới chuyện bản quyền. Đến mức mà người sáng chế ra món đồ chơi này, cô Catherine A. Hettinger, còn chưa nhận được xu tiền lãi nào.
Một phần lớn khác, đó là món đồ chơi này rất dễ sản xuất và chi phí làm ra cũng rất rẻ, có tự đầu tư sản xuất 500 đến 1.000 cái cũng chẳng sợ lỗ. Vì thế mà tại Trung Quốc, nhiều nhà máy bắt đầu quay ra chế tạo món "tôm tươi" này.
"Bất kì ai sản xuất ra cũng có thể bán chúng được", Oberdick nói. "Tôi đã bán từng lô lớn một cho những trạm xăng bán đồ tạp hóa, cho những chuỗi cửa hàng Verizon và cho những người bán hàng dạo. Cửa hàng sửa chữa điện thoại của chúng tôi đã cắt giảm vài bộ phận để quay ra bán fidget spinner. Dễ kiếm tiền hơn bán linh kiện iPhone và các đồ điện tử khác nhiều".
Theo như những thương lái bán buôn tại Trung Quốc và Mỹ, rất nhiều nhà máy tại Trung Quốc từ trước tới giờ vẫn sản xuất vỏ điện thoại và các mặt hàng phụ kiện khác giờ đã đóng cửa những bộ phận này, quay ra tập trung sản xuất fidget spinner toàn thời gian.
Bảng giá bán buôn fidget spinner.
Cô Mandy Xiao, đại diện cho công ty công nghệ Shenzhen LTS chuyên bán buôn màn hình và phụ kiện iPhone thổ lộ rằng những món đồ chơi fidget spinner đã trở thành trọng tâm sản xuất của các nhà máy thuộc công ty này. Họ bán tới 25 loại fidget spinner khác nhau (dạ quang, gắn đèn LED, làm bằng sắt,...) với những đơn hàng không được dưới 100 sản phẩm/lô, bán với giá 1,10 USD/món. Cô cũng xác nhận việc các nhà máy của mình đã dành phần lớn phân xưởng vào việc sản xuất Fidget Spinner.
Sunny Lin, chủ một cửa hàng sửa điện thoại tại St. Marks Place, Manhattan và có liên hệ trực tiếp với nguồn hàng bán buôn cũng như các nhà máy sản xuất tại quê nhà Trung Quốc nói rằng anh chẳng cần phải bày bán fidget spinner tại cửa hàng, anh cứ đi dọc con phố nhà mình và bán dạo cho người ta mà thôi.
"Khuôn của sản phẩm này rất dễ làm, vì thế mọi xưởng sản xuất nhựa đều có những khuôn này", anh nói. "Nếu như xưởng nhà bạn mà nhỏ hay ở tầm trung, bạn đã có thể làm khuôn ngay lập tức và sản xuất ra được 10.000 chiếc fidget spinner trong ngày tiếp theo".
"Nguồn hàng của tôi nói rằng họ chỉ tốn trên dưới 25 cent chi phí cho một sản phẩm", anh Sunny Lin bổ sung. "Tôi mua chúng với giá 60 cent và bán buôn 85 cent/cái với một lô hàng. Một tuần tôi bán được vài ngàn chiếc, chỉ với việc đi quanh và hỏi xem có ai mua không".
Đồ gia công nhựa trong xưởng tại Trung Quốc.
Có rất nhiều người tại Mỹ cũng nhập khẩu fidget spinner theo từng lô hàng lớn, nhưng theo như nhận định chung thì chủ yếu là những cửa hiệu sửa chữa và bán phụ kiện điện thoại mới "phát cuồng" lên với món hàng này. Có lẽ lý do đơn giản là họ đều có móc nối với những xưởng sản xuất đồ nhựa ở Trung Quốc, nên họ có thể đặt hàng hàng loạt.
"Bất kì xưởng sản xuất và bán màn hình iPhone nào cũng biết rõ rằng khách hàng của họ có thể mua hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm fidget spinner", anh Oberdick nói.
Anh cũng nói thêm rằng anh đang trả 90 cent cho tới 2 USD với mỗi chiếc fidget spinner, cố gắng bán chúng với giá 2 USD/chiếc khi bán buôn và 8 USD/chiếc khi bán lẻ tại cửa hàng. Anh nói rằng số tiền anh kiếm được lớn tới mức anh đang dự kiến quyên góp một phần lớn số tiền đó cho những tổ chức phi lợi nhuận.
Và những nhóm Facebook hay những diễn đàn bán phụ kiện và sửa điện thoại cũng tràn ngập những lời khuyên cho việc quảng cáo fidget spinner, những mánh bán buôn hay những nguồn thông tin lấy hàng. Thậm chí những công ty chẳng liên quan gì cũng bắt đầu tập trung vào món hàng cực nóng này, mở ra những địa điểm bán lẻ fidget spinner.
"Tôi vừa đặt mua 325 chiếc và vừa nhận hàng ngay thứ Tư vừa rồi. Thế mà đến Chủ nhật chỗ hàng ấy đã được bán sạch. Tôi vẫn còn 500 chiếc trong kho và đang định đặt hàng thêm 2.000 chiếc nữa", anh Nick Travali, người sáng lập ra chuỗi cửa hàng sửa điện thoại Smartphone Fix tại Santa Maria, California nói.
"Tôi mua về với giá 1,5 cho tới 2 USD mỗi chiếc, và bán ra với giá 8 USD. Nhiều khách hàng vào đây hỏi mua và cũng ngạc nhiên rằng là chúng tôi có món hàng này. Fidget spinner là thứ hàng nóng hiện tại nhưng cuối cùng, thì người ta cũng quay lại cửa hàng để sửa điện thoại và mua phụ kiện mà thôi".
Việc trữ món fidget spinner này cũng dễ hơn là tích phụ kiện iPhone. Và món hàng nhỏ gọn này cũng rất dễ mua, dễ bán, thậm chí là dễ phá dễ hỏng để mua lại món mới.
Anh Pedro Ferrer, chủ tiệm sửa điện thoại TechRX tại Macon, Geogira mới chỉ mở bán do cô con gái của anh kể rằng những cô bé con mà con gái anh trông cực kì thích món hàng này. "Fidget spinner trở thành một phần rất lớn của cửa hàng tôi, khi mà lũ trẻ kéo cha mẹ tới cửa hàng này để mua, rồi qua đó chúng cũng biết luôn là chúng có thể thay pin cho iPhone tại đây hay đại loại vậy".
Lợi nhuận lớn thế và sự cạnh tranh vốn rất gắt gao, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao mà những cửa hàng sửa chữa điện thoại lại sẵn sàng chia sẻ bí mật kinh doanh và chiến lược ra giá như vậy. Họ có một điểm chung lớn nữa: ai cũng tin rằng cơn sốt fidget spinner sẽ sớm qua đi, và hiện tại thì món hàng này bán cực kì chạy mà lại rất rẻ và dễ mua, nên là có bao nhiêu người cạnh tranh cũng chẳng quan trọng.
"Có quá nhiều cơ hội kinh doanh", anh Oberdick nói. "Ai cũng nên bán món hàng này. Chúng tôi đã bán được rất nhiều sản phẩm rồi và cũng chẳng nhập hàng về kịp để mà bán, nên là cũng chẳng quan trọng khi ai biết nguồn hàng ai ra giá ở thị trường này".
Theo Tri thức trẻ