|
Cả nước có 99 bệnh viện chuyên khoa đủ khả năng áp dụng hiệu quả cao các kỹ thuật mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới trên thế giới về phát hiện, điều trị bệnh lao. Ảnh: Anh Lê |
Cũng theo thống kê vừa được đưa ra tại Phiên họp thứ nhất của Ủy ban chống lao Quốc gia diễn ra mới đây do Bệnh viện Phổi Trung ương cung cấp, tỷ lệ điều trị khỏi được duy trì ở mức trên 90% đối với bệnh nhân lao mới, 75% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Cả nước có 99 bệnh viện chuyên khoa đủ khả năng áp dụng hiệu quả cao các kỹ thuật mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới trên thế giới về phát hiện, điều trị bệnh lao. Mạng lưới này đã phủ kín đến tận các xã, phường, thôn bản. Chương trình triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.
Vì vậy, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân thuộc Chương trình chống lao quốc gia khoảng 2.000 người trên tổng số hơn 100.000 người được phát hiện, điều trị trong năm 2018. Còn lại, phần lớn các trường hợp tử vong do không được phát hiện và điều trị kịp thời, khoảng 9.000 người trong năm 2018.
“Chương trình chống lao của Việt Nam được thế giới đánh giá là mô hình bước vào con đường chấm dứt bệnh lao”, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Quốc gia thống nhất mục tiêu chung Chương trình hành động quốc gia: Cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. Cụ thể, giai đoạn hết năm 2020, mục tiêu so với năm 2017 sẽ giảm 20% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng; giảm 40% số người chết do bệnh lao; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện; giảm 50% số gia đình chịu gánh nặng chi phí thảm họa do bệnh lao gây ra.
Tương tự, giai đoạn đến năm 2025, giảm 70% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng; giảm 75% số người chết do bệnh lao; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người.