|
Một lần nữa thị trường lại rúng động với thông tin Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vào diện kiểm soát đặc biệt do có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.
DongABank từng có thời kỳ “ăn nên làm ra” nhưng bất ngờ đón đà giảm mạnh trong vài năm gần đây. Từ một ngân hàng ở đỉnh cao phong độ, lãi sau thuế gần nghìn tỷ đồng vào năm 2011, sau 3 năm con số này lần lượt trượt dốc mạnh và lãi chưa đầy 27 tỷ đồng kết thúc năm 2014.
Lợi nhuận của ngân hàng giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần. Từ năm 2011 đến năm 2013, thu nhập lãi thuần của DongA Bank chỉ giảm dần đều mà bắt đầu đứt gãy mạnh vào năm 2014 khi kéo từ 2.227 tỷ đồng cuối năm 2013 về 1.483 tỷ đồng.
Hoạt động cho vay cũng không có gì khởi sắc khi năm vừa qua âm 2,3% so với năm liền trước. Trong khi đó lãi suất cho vay lại thấp khiến cho khoản lãi thu về không cao. Đáng lo ngại hơn, nợ xấu đã gia tăng đột biến từ mức 1,69% (năm 2011) lên 3,95% (năm 2012). Đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức 3,99%. Cuối năm ngoái, nợ xấu của ngân hàng không được công bố, nhưng theo nhiều nguồn tin thì tỷ lệ này đã dâng ở mức cao.
Một chi tiết khác, đường biểu thị lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cũng dốc đứng khi giảm kỷ lục từ 2.105 đồng cuối năm 2011 xuống còn 54 đồng vào cuối năm 2014. Hơn nữa, hai năm qua, cổ đông Dong A Bank không được nhận cổ tức.
Chậm!
DongABank là ngân hàng cuối cùng công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 khi thời điểm đó đã là gần cuối tháng 6/2015.
Tổng giám đốc ngân hàng, ông Trần Phương Bình giải thích lý do chậm trễ công bố báo cáo tài chính là do quý IV/2014, NHNN chi nhánh TP.HCM đã thực hiện thanh tra ngân hàng theo đúng kế hoạch. Sau khi việc thanh tra đã kết thúc, DongABank đã xác nhận kết quả tài chính với công ty kiểm toán E&Y.
Ngoài ra, DongABank là ngân hàng cuối cùng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (21/7). DongABank đã phải hoãn ngày đại hội cổ đông theo dự kiến ban đầu, do phải chờ NHNN thông qua danh sách nhân sự mới của ngân hàng nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Sự rề rà của DongABank còn ở việc tăng vốn mãi không thành. Từ năm 2011 đến nay, DongA Bank đã có 2 lần tăng vốn thành công và một lần không thành. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc không thành có thể được ngầm đoán là do cổ đông không mấy mặn mà khi giá cổ phiếu thấp hơn giá phát hành.
Gian truân tìm đối tác
Cùng với quá trình đi xuống, DongABank được thị trường chú ý khi Chủ tịch HĐQT, ông Cao Sỹ Kiêm nhắc đến nhiều lần việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) - một ngân hàng có quy mô tương đương nhưng lợi nhuận tốt hơn Đông Á. Tuy nhiên tại ĐHĐCĐ diễn ra tháng trước, phía DongABank khẳng định “mối lương duyên” này không xảy ra.
Cũng tại buổi họp, ông Cao Sỹ Kiêm bất ngờ xin từ chức vì “lý do cá nhân”, đồng thời rút khỏi HĐQT của ngân hàng này.
DongABank cũng đã hé lộ khả năng tham gia của CTCP Tập đoàn KiDo (Kinh Đô) trong đợt tăng vốn sắp tới bằng cách phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là Kinh Đô.
Tuy nhiên sau đó, thị trường lại dấy lên nhiều thông tin nghi vấn Kinh Đô sẽ không đầu tư vào DongABank do tình hình tài chính của DongA Bank có quá nhiều vấn đề cần cải thiện.
Cơ cấu cổ đông của DongABank.
Một ngày trước giờ “khai tử”
Ngày 13/8, ông Trần Phương Bình chia sẻ là đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua 49% cổ phần của ngân hàng này và hỗ trợ về tài chính (4.900 tỷ đồng) trong quá trình xử lý nợ xấu tái cơ cấu để DongABank nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng.
Ông cũng cho biết trong những phương án tái cơ cấu được NHNN chấp thuận thì KiDo chỉ có thể là nhà đầu tư đồng hành với ngân hàng chứ không hẳn là nhà đầu tư chiến lược. Bởi với kế hoạch sẽ tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng của DongA Bank, nếu KiDo rót 1.000 tỷ đồng cũng chỉ chiếm khoảng 10% cổ phần.
Ông Trần Phương Bình thừa nhận, thời gian qua, nhà băng này gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các tin đồn. Đặc biệt, sau kỳ ĐHĐCĐ năm 2015, giới tài chính rất quan tâm đến chuyện nợ xấu chủ yếu là từ Công ty bất động sản Phát Đạt.
DongABank muốn xin NHNN thêm khoảng thời gian và để xử lý nợ xấu ngân hàng nhanh nhất là tái cơ cấu.
Tuy nhiên chỉ ngay sau đó một ngày, NHNN công bố thông tin sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt ngân hàng Đông Á và đưa cán bộ có năng lực của BIDV vào tiếp quản.
Theo Trí thức trẻ