Cởi bỏ định kiến, game trở thành ngành tạo ra doanh thu, mang về ngoại tệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các chiến dịch tuyên truyền để phá bỏ định kiến xã hội về ngành game, rằng đó không phải là thứ gây nghiện mà là ngành tạo ra doanh thu, mang ngoại tệ về cho đất nước, ông Lê Quang Tự Do nói.

Ông Lê Quang Tự Do tại Ngày hội Game Việt Nam 2024.
Ông Lê Quang Tự Do tại Ngày hội Game Việt Nam 2024.

Thông tin này được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông ) chia sẻ tại diễn đàn game Việt Nam 2024 - vừa diễn ra hôm nay (11/5), trong khuôn khổ GameVerse 2024.

Theo ông Lê Quang Tự Do, so với năm 2023, số lượng đơn vị tham gia GameVerse đã tăng gấp 3 lần tạo nên một cộng đồng game đoàn kết. Cùng đó, có thêm sự đồng hành lớn của 2 tập đoàn quốc tế lớn cùng 8 doanh nghiệp nước ngoài, số lượng đơn vị quốc tế đã tăng gấp 5 so với năm 2024.

GameVerse 2024 có hoạt động GameHub - sự kiện phát triển cho các doanh nghiệp Startup tìm kiếm cơ hội đầu tư và sự phát triển cho các dự án mới của mình. Các mô hình Startup được chia làm 2 nhóm dành cho các công ty Startup chuyên nghiệp đến các bạn sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

1 (9).jpeg
Diễn đàn bàn thảo về hành trình tỷ đô của Game Việt.

Sau sự thành công của GameVerse 2023, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nêu quan điểm, để đạt được ngành công nghiệp game 1 tỉ USD như mong muốn trong khoảng 5 năm nữa, chúng ta phải xây dựng một nền tảng tốt. Ông Tự Do phân tích về 4 việc có ý nghĩa và tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành Game Việt Nam được thực hiện trong năm vừa qua.

Thứ nhất, năm qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm được nhiều hoạt động để tiến tới mục tiêu này. Đánh giá nền tảng đầu tiên để làm game là đào tạo, Bộ đã phối hợp với các đơn vị xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực như Học viện Bưu chính Viễn thông có chương trình đào tạo chính quy bậc đại học, phối hợp với Tổng công ty VTC để đào tạo các chương trình cho người làm nghề.

Thứ hai là xây dựng một nền tảng về chính sách mới cho game. Ông cho biết, trước đây nhiều người nhìn nhận game là ngành nghề cần hạn chế, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế phát triển. Tuy nhiên, đây là quan điểm không đúng. Bộ đã thuyết phục được Chính phủ coi đây là ngành cần phát triển, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, cần có những ưu đãi để phát triển.

Thứ ba là kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để phát triển ngành game. Các nhà làm chính sách mất nhiều công sức để thuyết phục đối tác như Google, Meta... đến sự kiện này và những hôm trước đến sự kiện để thấy phát triển.

Thứ tư là có các chiến dịch truyền thông để phá bỏ định kiến xã hội về ngành game. Đây không phải là thứ gây nghiện mà là ngành tạo ra thu nhập, doanh thu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng có những giải pháp hiệu quả để hạn chế những mặt trái của game.

"So với năm 2023, số lượng đơn vị tham gia GameVerse đã tăng gấp 3 lần, không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà còn có tất cả các doanh nghiệp game vừa và nhỏ của Việt Nam để tạo nên một cộng đồng game đoàn kết. Cùng đó, chúng ta cũng đã có thêm sự đồng hành lớn của 2 tập đoàn quốc tế lớn cùng 8 doanh nghiệp nước ngoài, số lượng đơn vị quốc tế đã tăng gấp 5 so với năm 2024", ông Lê Quang Tự Do nhận định về hiệu quả của GameVerse 2024.

Không nặng nề chuyện Game "mì ăn liền"

Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng, phần lớn game Việt hiện nay thường là những sản phẩm bắt trend theo dạng “mì ăn liền”, chưa có tuổi thọ và giá trị cao nên game trong nước thường chưa đủ sức hút so với game nước ngoài. Trao đổi về quan điểm này, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến của VNGGames, cho rằng, Việt Nam có tốc độ phát triển ngành nhanh và ông thừa nhận, vòng đời của các sản phẩm tương đối ngắn, chưa có sản phẩm tầm cỡ thể giới.

Ông Thắng cho rằng điều này dễ hiểu, bởi khi có tích lũy đủ về lượng mới dẫn đến sự thay đổi về chất. Không thể đột ngột ngành game Việt xuất hiện những ông lớn tầm cỡ thế giới như Riot, Tencent. "Chúng ta không thể vội vàng", ông Thắng nói và khẳng định cần quá trình từng bước.

"Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề sản phẩm mì ăn liền hay không. Điều quan trọng là định hướng của các bên làm game. Tôi tin rằng trong quá trình chúng ta phát triển rất nhiều tựa game thì sẽ tìm ra được đâu là định hướng đúng", ông Lã Xuân Thắng nói.

Đúc kết và chia sẻ bài học "thực chiến"

Cũng tham gia tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc VTC, đặt vấn đề về hỗ trợ các nhà phát triển game, các studio game trong thời gian tới. Ông Bảo khẳng định chính sách hỗ trợ hiện nay rất tốt do ngành game trong năm qua đã được Chính phủ công nhận, bản thân các studio game là một môi trường “thực chiến” mà lĩnh vưc đào tạo game rất cần và các studio game nên cởi mở hơn trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phát triển game.

Tổng Giám đốc VTC gợi ý các studio, các liên minh hiện nay nên chia sẻ cởi mở kiến thức để đưa những bài học "thực chiến" đến gần với các bạn học viên, các trường sẽ tổng kết lại thành những bài học mang tính khoa học để sau đó truyền tải những tri thức đó đến những học viên mới tham gia ngành này.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng coi đào tạo là lĩnh vực sẽ giúp ngành game phát triển bền vững. “Chúng ta sẽ thành công trong trước mắt nhưng lâu dài chúng sẽ học lại bài cũ, có nghĩa chúng ta thiết lại cái bánh xe đạp nên tốt nhất là chúng ta chia sẻ những kiến thức và sẽ nối tiếp thành công. Tri thức cộng tri thức sẽ tạo ra tri thức mới”.

Cùng chia sẻ quan điểm về chất lượng sản phẩm của ngành game, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói về việc đào tạo nhân lực ngành game: “Điều quan trọng là ý tưởng, sáng tạo của mỗi cá nhân. Thế thì làm sao để ý tưởng ấy nói ra được một cách bài bản thì công tác đào tạo chúng ta phải thực sự làm… Khi ta cho người ta kiến thức nền, bài bản rồi thì người ta sẽ nói ra được, chia sẻ ra được thì các nhà đầu tư sẽ nắm bắt rất nhanh”.

Chia sẻ về các trao đổi tại phần thảo luận, ông Lê Quang Tự Do nhận định ngành game Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn và hiện là thời cơ để tăng tốc, trong thời đại công nghệ 4.0 cần có những ước mơ lớn. "Năm ngoái, chúng ta đã ước mơ tỷ USD. Năm nay, chúng ta cần cùng chung tay để biến giấc mơ đó thành hiện thực", ông Lê Quang Tự Do bày tỏ cuối buổi tọa đàm.

Với những lợi thế về thị trường, ngành công nghiệp game được xác định sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn giúp kinh tế Việt Nam phát triển đột phá.

Theo thống kê, riêng tại Việt Nam, số liệu chính thức ghi nhận ngành công nghiệp game đang phát triển nhanh khi doanh thu vượt mốc 500 triệu USD, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Số lượng người tiếp cận giải trí với ngành game chiếm hơn một nửa dân số Việt Nam.