Ngày 02/11/2016, HoSE nhận được Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2016 của TTF.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý 3/2016 của TTF là -394 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế 9 tháng năm 2016 là -1.475,50 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/09/2016 là -1.605,59 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 1.446,08 tỷ đồng.
“Hiện nay, TTF đang giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt do BCTC Quý 2.2016 của công ty ghi nhận khoản lỗ lớn và có nội dung điều chính hồi tố ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của công ty, để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư theo quy định”, HoSE nhắc lại.
Căn cứ quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ, chứng khoán bị hủy niêm yết trong trường hợp: “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
“Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 của TTF có tổng số lỗ lũy kế vẫn vượt quá số vốn điều lệ thực góp, thì SGDCK TP.HCM sẽ thực hiện thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với chứng khoán TTF”, HoSE cảnh báo.
Như vậy, chuỗi ngày buồn - hậu bê bối kiểm kê hàng tồn kho - của mã chứng khoán này vẫn chưa kết thúc. Bất chấp việc, công ty đã thay máu dàn lãnh đạo cựu trào bằng những gương mặt uy tín đến từ Vingroup.
Chốt phiên gần nhất (4/11/2016), TTF đứng ở 6.640 đồng/ cổ phiếu – cũng là mức đáy thấp nhất của mã chứng khoán này kể từ ngày lên sàn.
Nên biết, chỉ ít tháng trước, cụ thể là phiên 18/7/2016, TTF vẫn đạt đỉnh giao dịch ở 43.600 đồng/cổ phiếu.