|
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì họp báo về dịch do virus Corona (ảnh: Thanh Hằng) |
Đỉnh dịch sắp diễn ra?
Thông tin này làm cho cộng đồng vốn đã lo âu, càng nháo nhào tìm mua khẩu trang, nước rửa tay khô, rồi cả thực phẩm các loại để tích trữ, như thể sắp tới ngày... tận thế. Nhiều đơn vị do vướng dịch bệnh đã phải hoãn các kế hoạch tổ chức họp hành, gặp mặt, cũng vội lên kế hoạch tổ chức vào 3 tuần nữa - tức là khi đỉnh dịch đã đi qua.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 5/2, với câu hỏi của báo chí về khả năng đỉnh dịch sẽ diễn ra trong tuần tới hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Đây có thể là sự hiểu lầm, vì đỉnh dịch có thể diễn ra trong 7-10 ngày tới là ở Trung Quốc, chứ không phải ở Việt Nam. Dự báo này không phải tôi nói mà là các chuyên gia quốc tế đánh giá, vì họ chứng minh được số ca mắc, ca nguy cơ, số người được điều trị, khỏi bệnh vv…
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đỉnh dịch sắp tới là ở Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam (ảnh: Thanh Hằng)
|
Ở Việt Nam, hiện mới có 10 người mắc virus Corona đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính. Trong đó, trừ người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy do có nhiều bệnh đi kèm là nặng, còn đều ở tình trạng bệnh nhẹ và đã có 3 người ra viện. Có khoảng trên trăm người đang được cách ly, giám sát y tế do nghi nhiễm (tức là có yếu tố nguy cơ như từ vùng dịch về hoặc đã tiếp xúc với người có bệnh, nhưng chưa có biểu hiện bệnh).
Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Long, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và nhân dân cả nước, Việt Nam đang chủ động trước bệnh dịch do virus Corona và hi vọng không có thêm ca mắc. Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang được kiểm soát với 4 vòng cách ly, tức là cao hơn các nơi khác 1 vòng:
Vòng 1: Những người bệnh, nghi nhiễm bệnh đều coi là bệnh, cách ly tuyệt đối tại bệnh viện.
Vòng 2: Cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú với những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam.
Vòng 3: Cách ly hạn chế những người tiếp xúc người bệnh.
Vòng 4: Cách ly người tiếp xúc với người tiếp xúc người bệnh.
Không đưa bệnh nhân virus Corona đến bệnh viện không chuyên ngành
Về năng lực điều trị khi có dịch bùng phát, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn 3.000 giường bệnh.
Trao đổi với VietTimes, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – cũng cho biết Bộ Y tế đã rà soát các bệnh viện sẽ tiếp nhận bệnh nhân do virus Corona và xác định hiện đã có khoảng 1.000 máy thở dùng cho điều trị bệnh nhân nặng. Trong khi thực tế 10 bệnh nhân ở Việt Nam chỉ có một bệnh nhân người Trung Quốc bị nặng do có nhiều bệnh sẵn có, còn lại đều ở thể nhẹ. Các loại thuốc điều trị cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Ngành y tế đang hoàn toàn chủ động và tự tin ứng phó với dịch.
|
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (ảnh Minh Thúy)
|
Ông Khuê cũng cho biết không cần thiết phải xây dựng bệnh viện dã chiến, để tránh lãng phí, mà sẽ tận dụng tối đa các bệnh viện với trang thiết bị và nhân lực sẵn có. Nếu dịch lan rộng, phương án của ngành y tế là đưa tất cả bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện có trên 1.000 giường với đầy đủ trang thiết bị và tuyệt đối không đưa vào bệnh viện khác, dù ở ngay cạnh như Bệnh viện Bạch Mai, để tránh lây nhiễm.
“Trong trường hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương quá tải, vẫn còn 2 cơ sở lớn là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2) ở Hà Nam để tiếp nhận bệnh nhân. Khi đó, sẽ huy động các bác sĩ của các bệnh viện khác đến tăng cường” - PGS. TS. Lương Ngọc Khuê thông tin.