|
Một nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh. Ảnh: Văn Nam |
Tuy nhiên, các nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam vẫn chưa tính đúng, tính đủ hết các thiệt hại, tác động xấu đến môi trường, xã hội của các dự án khai thác than, sử dụng than sản xuất điện.
Trình bày tại hội thảo về sử dụng nguồn năng lượng thay thế để thích ứng với biến đổi khí hậu do Tổ chức 350 Việt Nam – một tổ chức phi chính phủ về năng lượng - tổ chức sáng nay 27-4, tại TPHCM, bà Nguyễn Thu Trang, điều phối viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), cho biết trong tương lai nhiệt điện than dự kiến vẫn chiếm trên 50% tổng công suất điện quốc gia, và điều này dấy lên mối lo ngại về nguồn thải phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến sức khỏe con người sống gần các nhà máy.
Đó là chưa kể giá thành nhiệt điện than hiện được nhiều người cho là rẻ nhưng thực tế chưa được tính toán đầy đủ các chi phí khác về môi trường, xã hội, bà Trang nhấn mạnh.
Theo bà Trang, nguồn tin từ Viện Năng lượng Việt Nam mới đây cho thấy Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quy hoạch điện 7) đã được điều chỉnh theo hướng giảm dần nhiệt điện than, khai thác tiềm năng thủy điện hợp lý, xúc tiến nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực…
Song song đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2020 lượng điện từ năng lượng tái tạo ước chiếm 38% tổng công suất điện quốc gia (gồm cả thủy điện lớn, thủy điện vừa)..
Theo bà Trang, hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than và sẽ tăng lên 52 nhà máy vào năm 2030 với tổng số lượng than cần nhập khẩu khoảng 85 triệu tấn mỗi năm.
“Con số 52 nhà máy nhiệt điện than trong tương lai tại Việt Nam là con số không hề nhỏ nên trong tương lai các nhà đầu tư nhiệt điện than cần áp dụng tiêu chuẩn công nghệ hiện đại để giảm tối đa tác hại môi trường, ngoài ra cần đánh giá hiệu quả đầu tư các nhà máy điện”, bà Trang nói và bày tỏ thêm sự băn khoăn: "Chúng ta nhìn thấy tác động đến con người, môi trường nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục lựa chọn nhiệt điện than thì liệu có phải là con đường đúng đắn hay không?"
Bà Trang cho biết VSEA mới đây cũng lên tiếng đề xuất Việt Nam cần cải cách chính sách tính giá điện theo hướng minh bạch, tính toán đầy đủ các chi phí ngoại biên về thiệt hại môi trường, tác động xã hội từ các nhà máy nhiệt điện than.
Theo bà Aviva Imhof, đại diện Quỹ Khí hậu Châu Âu, Việt Nam nằm trong nhóm các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và cam kết giữ nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C. Nếu muốn giữ nhiệt độ trái đất không tăng thêm buộc phải tính đến giải pháp để các nhà máy điện đến năm 2050 giảm lượng khí thải carbon, trong đó cần phải cắt giảm mạnh đồng thời hạn chế phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than.
Tổng công suất các dự án nhiệt điện than đang xây dựng ở các nước trên thế giới hiện nay khoảng 1.400 GW. Trong đó, Việt Nam hiện đang vận hành các nhà máy nhiệt điện than có công suất đạt khoảng 20 GW và tiếp tục xây dựng thêm nhiều dự án khác với công suất khoảng 40 GW nhiệt điện than thời gian tới.
Bà Aviva cho hay trên thực tế, một số nước, trong đó có Trung Quốc, đang cắt giảm sử dụng than từ 2014 trở lại đây, trong đó Trung Quốc cắt giảm 3,6% do lo ngại những tác động ô nhiễm không khí, thay vào đó là những khoản đầu tư cho năng lượng sạch hơn như năng lượng gió, điện mặt trời. Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều dự án nhiệt điện than đã dừng đầu tư với công suất cắt giảm khoảng 47 GW và gần 50 GW các dự án khác đang được xem xét cắt giảm.
Theo các nhà khoa học, mỗi năm có khoảng 800.000 người trên toàn thế giới chết do các căn bệnh có liên quan đến nguyên nhân khí thải từ nhiệt điện than, gây ô nhiễm không khí.
Trong Quy hoạch điện VII, vào năm 2015 nhiệt điện than chiếm 35,1% tổng công suất nguồn cả nước, là cao nhất trong các dự án nguồn điện (thủy điện xếp sau với 33,6%). Đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ tăng lên ở mức 44,7% (gần 30.000 MW). Năm 2030, nhiệt điện than sẽ tăng lên 56,1%.
Các dự án điện than mỗi ngày một tăng lên nhưng nguồn than trong nước khai thác được để đáp ứng đầu vào cho các nhà máy điện công suất lớn lại càng ngày càng giảm đi nên buộc phải tính đến tăng lượng than nhập khẩu.
Chẳng hạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên kế hoạch xây dựng ba nhà máy dùng than nhập khẩu với tổng công suất 3.000 MW trong tương lai là dự án Duyên Hải 3 mở rộng (600MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Duyên Hải 3 (1.200 MW). Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng có năm nhà máy phải nhập khẩu than với tổng công suất 6.000 MW.
Theo TBKTSG