Có nên phong toả toàn bộ để phòng chống dịch COVID-19?3

VietTimes – “Việc phong toả phải được nhìn dưới góc độ lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Và thật sự hiện tại cũng chưa có dữ liệu nào để khẳng định là nên phong toả toàn bộ hay là chỉ cục bộ”- TS Huỳnh Huy Hoà nói.
Khu vưc phong toả khi Đà Nẵng bùng phát dịch COVID-19 trên đian bàn lần 2

Sau những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trong những ngày qua, nhất là tốc độ lây lan của dịch bệnh lần này khiến dư luận đặt ra quan điểm cho rằng nên phong toả toàn bộ để chống dịch thay vì chỉ phong toả các cụm nhỏ như hiện nay. Dưới góc độ kinh tế và xã hội, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn nhanh đối với Tiến sĩ Huỳnh Huy Hoà – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế -Xã hội TP Đà Nẵng về vấn đề này.

- Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, ông có thể nhận định tác động của đợt dịch này ra sao đến kinh tế TP Đà Nẵng?

TS.Huỳnh Huy Hoà: Sau những nỗ lực của đợt dịch thứ 2, kinh tế quý 1/2021 của Đà Nẵng cũng phục hồi khá khả quan, nên Đà Nẵng kỳ vọng sự hồi phục kinh tế trở lại. Nhất là kỳ vọng sự kiện lễ 30/4 vừa qua sẽ giúp kinh tế địa phương phục hồi trở lại và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi theo kịch bản đã đặt ra.

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại đã gây ra những thiệt hại và lo lắng cho các doanh nghiệp. Họ buộc phải cẩn trọng, dè dặt hơn trong việc quay trở, lại nhất là cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, vì họ kỳ vọng rất lớn cho sự phục hồi đợt này, nhưng thực tế thì như anh đã thấy. Thiệt hại sẽ là rất nặng nề, còn con số chính xác thì chúng tôi chưa khảo sát nên chưa có con số cụ thể.

Quay lại cơ cấu kinh tế Đà Nẵng có đến hơn 60% doanh nghiệp là dịch vụ nên việc dịch COVID-19 quay trở lại đã và đang gây tác động tiêu cực cho cộng đồng doanh nghiệp và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với địa phương.

- Về mặt xã hội, với tốc độ lây lan và tăng nhanh về ca nhiễm COVID-19 như hiện nay, theo ông chúng ta cần có cách nhìn nhận và ứng phó ra sao với tình hình dịch bệnh lần này?

TS.Huỳnh Huy Hoà: Theo cá nhân tôi thấy, người dân Đà Nẵng tuân thủ quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế và địa phương rất tốt. Hầu hết mọi người đều hạn chế ra đường khi không có việc, ra đường thì đeo khẩu trang, tuân thủ giữ khoảng cách,… cũng góp phần giữ ổn định tình hình.

Như anh đã thấy, Đà Nẵng bùng phát lây lan ở 2 địa điểm khá nhạy cảm và có hành vi tiếp xúc gần rất cao. Nên theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và ý thức tuân thủ quy định về phòng chống dịch để tránh lây lan. Người dân cũng bắt đầu có ý thức tuân thủ quy định phòng dịch hơn

Quay trở lại việc Đà Nẵng bùng phát nhanh hay chậm và ứng phó ra sao, theo tôi sẽ tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc vào cuộc của chính quyền, ý thức người dân… kể cả yếu tố may mắn.

Người dân ý thức tự giãn cách, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và tuân thủ quy định phòng dịch

- Việc bùng phát dịch ở Ấn Độ là một bài học lớn cho các quốc gia trong việc ứng phó với dịch bệnh. Theo ông, chúng ta có nên phong toả toàn bộ hay không? Ví dụ như phong toả quốc gia, phong toả cả TP… thay vì chỉ phong toả từng cụm nhỏ một để sau đó, mọi thứ sẽ trở nên an toàn hơn?

TS.Huỳnh Huy Hoà: Theo cá nhân tôi, việc phong toả cục bộ hay phong toả toàn bộ phải được nhìn dưới góc độ lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Ví dụ như không phong toả toàn bộ, kinh tế có thể hoạt động thêm ít nữa, nhưng nếu không phong toả mà đại dịch bùng phát lớn hơn, gây thiệt hại nhiều hơn hoạt động kinh tế đem lại, thì cần phải cân nhắc xem xét.

Thật sự thì hiện tại cũng chưa có dữ liệu nào để khẳng định là nên phong toả toàn bộ hay là chỉ nên phong toả cục bộ.

Tuy nhiên theo tôi, vấn đề phong toả hay không thì ý thức của người dân mới là vấn đề quan trọng, vì ý thức phòng dịch và sử dụng các biện pháp chống dịch của từng người dân mới quyết định chính trong việc lây lan hay bùng phát dịch. Hay như chính quyền cấm thì cấm, người dân vẫn lén lút tụ tập nơi nào đó thì nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 vẫn xảy ra.

Quay trở lại việc phong toả toàn bộ hay cục bộ thì do sự quyết định của chính quyền trên cơ sở cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Ví dụ nói về tổng thể, khi không phong toả sẽ giúp GRDP tăng thêm một ít, song số tiền bỏ ra để phòng chống dịch, để chữa bệnh cho người dân cao hơn thì cũng cần phải cân nhắc rất lớn.

-Theo quan điểm của ông, chúng ta cần phải làm gì tiếp theo để khống chế và kiểm soát được đợt bùng phát này một cách hiệu quả? Việc gia tăng các chế tài xử lý khi không tuân thủ các quy định phòng dịch là một ví dụ?

TS.Huỳnh Huy Hoà: Theo tôi, chúng ta cần có những chế tài đủ nghiêm khắc, thậm chí cần nghiêm khắc hơn với việc không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Ví dụ như phạt nặng các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra ngoài, vì sẽ gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, hay các ca F1, F2 của bệnh nhân COVID-19 không khai báo trung thực, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, xem như đối tượng gián tiếp gây lây lan dịch bệnh,…

Theo tôi cần tăng cường chế tài càng tốt, phải nhanh, quyết liệt và mạnh tay vì vấn đề gây nguy hại cho cả xã hội chứ không riêng một cá nhân nào. Và công bố, tuyên truyền chế tài này lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm và tuân thủ thực hiện thì mới kiểm soát tốt được tình hình, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Nói như vậy, nhưng theo tôi việc kiểm soát tình hình vẫn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân, vì có phạt đến chục triệu hay trăm triệu cũng không có ý nghĩa nhiều khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan ở mức nguy cấp.

Xin cảm ơn ông đã trao đổi!

Sở Y tế TP Đà Nẵng thông báo khẩn

Trưa ngày 10/5, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin tìm những người có tham dự Đám cưới của MC Đ.X.K tại nhà hàng tiệc cưới Phì Lũ 3, khu Nhà hàng tiệc cưới vào lúc 17h30 ngày 1/5/2021 thì liên hệ ngay y tế địa phương gần nhất để hỗ trợ và tư vấn.