Có nên làm bánh chưng để gửi cho người dân vùng lũ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang gói bánh chưng để gửi vào cho người dân vùng lũ. Sau đó, trên mạng đã dấy lên tranh cãi về việc có nên gửi bánh chưng cho vùng lũ, khi điều kiện bảo quản không có, dẫn đến hư hỏng. 
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh: Văn Bình - nguồn: moitruongvadothi)
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh: Văn Bình - nguồn: moitruongvadothi)

Khó bảo quản bánh chưng

PV VietTimes đã mang câu chuyện tranh cãi trên mạng trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội – và được ông cho biết quan điểm: Không nên sử dụng bánh chưng trong việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ.

Thực tế, bánh chưng sau khi được luộc chín rất mềm, nhiều nước, có thịt, đậụ,… rất dễ bị thiu. Không chỉ vậy, khi làm bánh chưng với số lượng lớn, việc làm bánh chưng sẽ không được cẩn thận, người làm bánh chưng sẽ chủ quan, dễ làm ẩu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào bánh. Khi vận chuyển, bánh chưng rất dễ bị ôi, thiu vì thời gian bảo quản lâu, nhiệt độ ở thùng bảo quản quá cao. Thông thường, bánh chưng chỉ bảo quản được vài ngày trong điều kiện thời tiết se lạnh, hanh khô như hiện nay.

Bánh chưng (Ảnh: Hoàng Linh)

Bánh chưng (Ảnh: Hoàng Linh)

Theo ông Thịnh, cách bảo quản bánh chưng tốt nhất hiện nay đó là sau khi bánh được luộc xong có thể ngâm vào nước để làm sạch vỏ ngoài, sau đó lấy khuôn ép sạch nước để qua đêm. Sau 1 đêm, bánh chưng đã tương đối khô ráo, người dân có thể hút chân không, dán kín lại để bảo quản bánh chưng lâu hơn.

Chính vì vậy, ông Thịnh nhấn mạnh: “Thay vì làm bánh chưng, người dân nên làm xôi nén để gửi cho đồng bào miền Trung. Xôi nén có thể được giã như oản, nén chặt như cơm nắm. Sau đó, kho thịt cứng, để khô, làm ruốc rồi nén cùng xôi để bổ sung thêm chất đạm cho người dân vùng lũ. Đây là cách tiếp tế lương thực tự làm tốt nhất trong thời điểm hiện nay”.

Lương khô mới là thực phẩm mà người dân cần nhất

Trước tình hình người dân miền Trung đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 9, ông Thịnh cho hay: Người đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm khi cơn bão tới, đặc biệt là vấn đề về lương thực. Không phải bánh chưng, cơm nắm, mà lương khô được đóng thành bánh mới chính là điều mà người dân cần nhất trong thời điểm này. Kể cả khi lương khô bị rơi xuống nước thì vẫn có thể trôi nổi, giúp người dân dễ dàng nhận biết và lấy về. Hơn thế, lương khô dù bị ngâm trong nước nhưng cũng sẽ không bị hỏng như bánh chưng hoặc cơm nắm.

Cùng với đó, các loại đồ hộp (cá, thịt,…) cũng là những loại thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người dân miền Trung. Hầu hết các thực phẩm đồ hộp đều có thời gian bảo quản lâu, dễ sử dụng trong những trường hợp cần thiết.

Để việc ủng hộ lương thực, thực phẩm tới đúng nơi, đúng người thì phương tiện cứu hộ là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Để đưa lương thực, thực phẩm tới tay người dân thì phải có xuồng máy, thậm chí là máy bay trực thăng nếu cần. Khi vận chuyển, hàng cứu trợ là lương thực phải được bọc kín trong thùng xốp, hoặc túi ni lông chống nước, có buộc phao bên ngoài,…để thùng hàng cứu trợ có thể nổi trên mặt nước, giúp người dân dễ dàng nhận biết.

Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng chia sẻ: Bên cạnh việc ủng hộ lương thực, thực phẩm thì những chiếc phao cứu sinh, xuồng,… là phương tiện chủ yếu để cứu sống người dân không may bị nạn khi bão lũ. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ những phương tiện thiết thực này để giúp đỡ cho đồng bào miền Trung, cứu sống nhiều người dân gặp nạn, đồng thời, có một lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp cần thiết.